Thời đại của Big Data: Làm gì để khai thác hiệu quả?

VietTimes -- Trong thời đại CNTT ngày nay tài nguyên của mỗi quốc gia không còn là khoáng sản nữa mà chính là dữ liệu. Tuy nhiên, thế giới cũng mới chỉ khai thác hiệu quả được với 1% dữ liệu và với Việt Nam thì còn thấp hơn nhiều. Chính vì vậy, chiến lược phát triển của mọi quốc gia ngày nay chính là phải khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu lớn (Big Data).
Hệ tri thức Việt số hóa mới được khai trương cần được cập nhật và khai thác hiệu quả. Ảnh: VGP
Hệ tri thức Việt số hóa mới được khai trương cần được cập nhật và khai thác hiệu quả. Ảnh: VGP

Theo ông Nguyễn Thế Trung – Giám đốc Công ty DTT, một trong các đơn vị tham gia xây dựng Hệ Tri thức Việt số hóa vừa khai trương ngày 1/1/2018, chúng ta đã nghe rất nhiều về cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cũng như đây không phải thời đại của dầu lửa mà là thời đại của dữ liệu. Nhưng nói thì dễ chứ thực ra hiện nay thế giới mới sử dụng có 1% dữ liệu và Việt Nam thì thậm chí còn ít hơn. Đề án Hệ Tri thức Việt số hóa chính là hướng đến mục tiêu đó. Cụ thể, khi chúng ta tích hợp được những dữ liệu, thông tin tản mát ở khắp mọi nơi, đưa về nhu cầu của người Việt, trong các vấn đề hàng ngày của người Việt, chính là bước đi rất thiết thực trong vấn đề hiện thực hóa cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Riêng với ngành y tế, theo một chuyên gia thì thông tin của ngành này thì dữ liệu y tế không bao giờ là cũ dù cho đã được lưu trữ  từ trước đó rất lâu. Nguyên nhân vì với những người có nhu cầu khai thác thông tin về y học cho những nhu cầu của mình thì mọi thông tin mà họ khai thác được luôn luôn là rất thiết thực và rất mới với họ.

Tuy nhiên, vấn đề luôn phải đặt ra với các cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) là phải làm sao khai thác cho hiệu quả nhất. Có thể lấy ví dụ như với hồ sơ lưu trữ về y tế của một khu vực dân cư nào đó nếu kết hợp với cơ sở dữ liệu về môi trường thì sẽ có được những thông tin về tình trạng sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường.

Riêng với giáo dục, khi áp dụng tuyển sinh “3 chung”, TS Quách Tuấn Ngọc – nguyên Cục trưởng Cục CNTT Bộ Giáo dục & Đào tạo cho biết, qua khai thác dữ liệu về tuyển sinh, hoàn toàn có thể đưa ra những biểu đồ rất đẹp về chỉ số giáo dục của nhiều địa phương trong cả nước để thấy được tỉnh nào, thành phố nào có đông thí sinh trúng tuyển vào đại học. Căn cứ vào cơ sở dữ liệu này, TS Quách Tuấn Ngọc cho rằng các đại học hoàn toàn có thể điều chỉnh về kế hoạch tuyển sinh cho sát với nhu cầu thực tế nhất.

Có thể nói, việc khai thác sao cho có hiệu quả với tài nguyên dữ liệu đã và đang là vấn đề của mọi quốc gia. Nếu làm tốt được việc này, sẽ không chỉ hiệu quả hơn trong các chính sách của đất nước mà còn dự báo được những nhu cầu phát triển để xây dựng các chiến lược phát triển một cách hiệu quả nhất.