Du lịch phát triển mạnh, nhưng chưa đủ?
Việc tăng trưởng lượng du khách đến Đà Nẵng thời gian qua kéo theo số lượng doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch tăng đáng kể. Tính đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng có 369 đơn vị kinh doanh lữ hành, tăng 268 đơn vị so với năm 2010; 871 cơ sở lưu trú với 38.593 phòng các loại, tăng 690 cơ sở với 32.504 phòng so với năm 2010; 4.511 hướng dẫn viên, tăng 4.145 hướng dẫn viên so với năm 2010. Song song đó, sân bay quốc tế Đà Nẵng được đầu tư nâng cấp mở rộng với 39 đường bay quốc tế, tăng 30 đường bay so với năm 2010; các điểm đến, sản phẩm du lịch cũng được đầu tư; công tác quảng bá cũng được quan tâm, chú trọng,...
Theo Sở Du lịch TP Đà Nẵng, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng lượng khách đến Đà Nẵng giai đoạn 2010-2019 đạt 18,6%. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 27%, khách nội địa ước đạt 15,2%. Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng thu du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2010-2019 ước đạt 27,4%. Trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú du lịch phục vụ ước đạt 4,59 triệu lượt, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 2,739 triệu lượt, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2018; khách nội địa đạt 1,85 triệu lượt, tăng 20,8% so với năm 2018. Tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch trong GRDP ước đạt 25% trong năm 2019. |
Nhất là hiện tại Đà Nẵng chưa có quy hoạch cụm hoạt động du lịch, du lịch riêng biệt dẫn đến xung đột giữa sinh hoạt của cộng đồng dân cư với hoạt động du lịch, giữa khách vui chơi giải trí với khách lưu trú khiến hiệu quả hoạt động du lịch chưa thật sự như mong đợi.
Kèm theo đó, Đà Nẵng còn thiếu sản phẩm dịch vụ đêm đặc sắc để thu hút khả năng chi tiêu và gia tăng thời gian lưu trú của du khách. Một loạt các sản phẩm như Khu phố du lịch An Thượng, phố ẩm thực đêm, phố chuyên doanh dịch vụ bar, pub,… vẫn chưa đa dạng, quy mô nhỏ, chưa đáp ứng tốt nhu cầu giải trí của người dân khi thời gian đóng cửa khá sớm.
Một góc bờ tây sông Hàn, TP Đà Nẵng
|
Nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng, để giữ chân du khách và kích thích chi tiêu, Đà Nẵng cần có những sản phẩm du lịch, giải trí mới, lạ, nhất là dịch vụ đêm, dịch vụ giải trí kích thích chi tiêu...
“Để phát triển du lịch, bên cạnh các khu nghỉ dưỡng, những điểm tham quan, ẩm thực, thì không gian vui chơi, giải trí vào ban đêm rất cần thiết. Tuy nhiên, thực tế này ở Đà Nẵng đang còn rất thiếu. Trong khi dịch vụ này không chỉ kích thích chi tiêu của du khách mà còn tạo điểm nhấn ấn tượng, kéo du khách quay lại. Ví dụ như ở Pattaya (Thái Lan), khách đến tham quan gì đi nữa cũng phải một lần vào các quán bar nơi đây để thưởng thức cái khác biệt của bản xứ. Không những vậy, dịch vụ đêm là nơi trộn lẫn các văn hóa, cùng tận hưởng và đó chính là dấu ấn của một điểm đến, chứ không phải chỉ là những vị trí check-in, sống ảo. Vấn đề là làm sao kiểm soát được an ninh trật tự để các hoạt động này hoạt động lành mạnh, tuân thủ luật pháp”- ông Nguyễn Văn Hùng - Hội Lữ hành TP Đà Nẵng nêu ý kiến.
Cùng quan điểm trên, một số doanh nghiệp du lịch cho rằng, việc kéo dài lưu trú hay chi tiêu của du khách đến Đà Nẵng còn tùy thuộc rất nhiều vào thời gian hoạt động của các dịch vụ, nhất là dịch vụ giải trí đêm.
“Khó có thể chấp nhận khi một TP đẹp, hấp dẫn về đêm như Đà Nẵng lại đi ngủ vào 22h đêm” – một Giám đốc Công ty lữ hành chia sẻ.
Đột phá với “biển không ngủ”, phố đêm 24/7
Theo ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, trước thực trạng sản phẩm du lịch còn đơn điệu, hạn chế, cùng áp lực cạnh tranh với các địa phương lân cận, Đà Nẵng đã đưa ra định hướng ưu tiên phát triển theo 4 nhóm sản phẩm chính: du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; mua sắm, hội nghị hội thảo; du lịch sinh thái, làng nghề và du lịch đô thị.
Với du lịch biển, nghỉ dưỡng, Đà Nẵng sẽ phát triển các hoạt động thể thao giải trí biển tiêu chuẩn quốc tế, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, thiết kế cảnh quan biển để thu hút du khách.
Đối với du lịch mua sắm, vui chơi giải trí, Đà Nẵng tiếp tục đầu tư các trung tâm thương mại, mua sắm, của hàng miễn thuế, đồng thời, kêu gọi đầu tư các khu trò chơi có thưởng dành cho người nước ngoài, các show diễn nghệ thuật đặc sắc, kêu gọi đầu tư dự án các khu đô thị mới như Khu đô thị Đa Phước, Thủy Tú, trường đua ngựa,…
Còn với du lịch văn hóa tâm linh, làng nghề, Đà Nẵng sẽ ưu tiên đầu tư nâng cấp các di tích quốc gia như Hải Vân Quan, danh thắng Ngũ Hành Sơn, thành Điện Hải, Bảo tàng Đà Nẵng, gắn kết đầu tư tôn tạo các di tích Chăm tại làng Phong Lệ..
Song song với đó là phát triển, nâng tầm các lễ hội văn hóa như lễ hội Quán Thế Ân, lễ hội Cầu ngư, đình làng Hải Châu,… nhằm tạo dựng những sản phẩm đặc sắc cho Đà Nẵng.
Đà Nẵng cũng sẽ phát triển tuyến du lịch đi bộ tại trung tâm TP kết hợp với khám phá các địa điểm văn hóa lịch sử như Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Chăm, nhà thờ Chính tòa, mua sắm tại chợ Hàn và thưởng thức văn hóa ẩm thực, âm nhạc đường phố.
Đà Nẵng đang lên kế hoạch để các quán bar, pub trên các tuyến Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo,... được mở cửa đến 2h sáng nhằm thu hút du khách
|
Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ phát triển dịch vụ vui chơi, giải trí đêm mang chủ đề “bãi biển không ngủ”, đa dạng các dịch vụ vui chơi giải trí tại quận Ngũ Hành Sơn như: Phố đêm 24/7, với dịch vụ bar kết hợp ẩm thực, DJ, âm nhạc đường phố,…; kêu gọi đầu tư tàu lưu trú tiêu chuẩn 4-5 sao hoạt động trên vịnh Đà Nẵng; biểu diễn nghệ thuật ánh sáng tại công viên Phạm Văn Đồng; kéo dài thời gian hoạt động của các quán bar, nhà hàng dọc tuyến Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo…
“Công tác thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển du lịch Đà Nẵng đã được thực hiện từ trước đến nay. Riêng với những sản phẩm mới, mang tính đột phá, UBND TP đã báo cáo Ban cán sự đảng UBND TP cho ý kiến chỉ đạo. Hiện UBND TP đang giao cho Sở Du lịch chủ trì, ngay khi được chấp thuận, chúng tôi sẽ bắt tay thực hiện ngay và hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp để du lịch Đà Nẵng tiếp tục phát triển bền vững” – ông Lê Trung Chinh chia sẻ.