Trong các cuộc chiến tranh từ trước đến nay, con người thường tận dụng động vật để giúp đỡ mình. Con vật gắn liền với chiến tranh nhất là ngựa.
Thời điểm thủ lĩnh Thành Cát Tư Hãn dẫn quân Mông Cổ chinh phạt thế giới vào thế kỷ XIII, vũ khí mạnh mẽ nhất của ông là những chú ngựa thiện chiến được huấn luyện kỹ càng trên thảo nguyên.
Tuy nhiên ở thời hiện đại, không phải ngựa mà chó mới là loài vật phổ biến trong quân ngũ. Vào năm 2016, quân đội Mỹ ước tính sở hữu khoảng 1.740 chó nghiệp vụ hoạt động trên chiến trường và trong các doanh trại. Những chú chó này thường thuộc giống chó chăn cừu Đức hoặc chó Malinois của Bỉ. Chúng được huấn luyện bài bản cho các nhiệm vụ bảo vệ căn cứ, thâm nhập lòng địch và đánh hơi bom, mìn ngay từ khi còn bé.
Quân đội thường trọng dụng những chú chó nhờ chiếc mũi có khả năng dò tìm chất nổ của chúng. Khứu giác của loài nhó được ước tính nhạy bén hơn 10.000 đến 100.000 lần so với con người. Đặc biệt, chó có thể đánh hơi được các chất nổ phi kim loại được chế tạo từ phân bón và đồ gia dụng. Loại thuốc nổ này không thể bị phát hiện bởi các máy dò kim loại thông thường.
Có những tổ chức khoa học đã cố gắng phát minh ra thiết bị vượt trội hơn khứu giác loài chó nhưng thất bại. Năm 1997, DARPA (Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Mỹ) đầu tư 25 triệu USD để phát triển máy dò bom mìn có tên "Dog's Nose". Chiếc máy được trang bị các ống bọc polymer sẽ báo động khi tiếp xúc với chất nổ.
Thoạt đầu, "Dog's Nose" hoạt động khá hiệu quả trong phòng thí nghiệm. Nhưng khi được đưa vào thực tiễn năm 2001, chiếc máy vẫn thua kém so với các chú chó - với khả năng dò chất nổ nhạy bén hơn chiếc máy nhân tạo gấp 10 lần. Một số thiết bị "Dog's Nose" còn phát hiện nhầm thực vật và sỏi đá thành bom mìn.
Những thiết bị dò tìm chất nổ tiên tiến nhất đã có thể hoạt động nhạy bén hơn loài chó. Nhưng nhược điểm của những chiếc máy này là kích cỡ lớn và bất tiện trong sử dụng. Matthew Staymate, kỹ sư cơ khí và nhà động lực học chất lỏng tại NIST (Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ) cho biết: "Phải cần đến phích cắm điện, khí, bơm chân không và cả mẫu chất nổ để chiếc máy này có thể hoạt động hiệu quả".
Nhận thấy vai trò không thể thay thế của những chú chó, các nhà khoa học đã không còn dốc sức phát minh các máy dò bom mìn nhân tạo nữa. Thay vào đó, họ tập trung nghiên cứu và chế tạo những thiết bị bổ trợ và gia tăng khứu giác của loài động vật trung thành này.