Thi vào lớp 10 THPT: Cố gắng giảm áp lực cho các em học sinh

Viettimes – Chỉ còn hai tuần nữa là các em học sinh sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2019. Vào thời điểm hiện tại, các em học sinh đang nỗ lực ôn tập, chuẩn bị đầy đủ kiến thức để bước vào kỳ thi đầy quan trọng này.
Các em học sinh chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: kenhtuyensinh
Các em học sinh chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: kenhtuyensinh

Cần cân nhắc kỹ giữa các sự lựa chọn

Được biết, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay sẽ được tổ chức từ ngày 2-3/6 với các môn thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và lịch sử. Các em học sinh sẽ làm bài thi toán và ngữ văn với thời gian làm bài là 120 phút; làm bài thi môn ngoại ngữ và môn lịch sử trong thời gian là 60 phút.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hiện đã công bố số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 không chuyên của các trường THPT công lập năm học 2019 – 2020. Theo đó, trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay,  Hà Nội có 85.873 học sinh đăng ký (kể cả tuyển thẳng), trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lập là 63.090. Như vậy, thông qua các con số có thể thấy sẽ có gần 23.000 học sinh sẽ không thể vào học tại các trường công lập trên địa bàn Hà Nội do sự chênh lệch giữa nguyện vọng và chỉ tiêu xét tuyển.

Có thể thấy, mặc dù đang trong giai đoạn nước rút, cấp tập ôn thi nhưng các em học sinh vẫn cần phải cân nhắc thật kỹ giữa các sự lựa chọn, để được xét tuyển vào trường theo đúng nguyện vọng của bản thân và gia đình. Vì trên thực tế, đã có không ít những em học sinh không được vào trường mình mong muốn chỉ vì sai lầm khi đăng ký nguyện vọng. Để giúp các em học sinh có sự đánh giá và nhìn nhận chính xác về khả năng được xét tuyển vào trường mình mong muốn, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã công bố tỷ lệ chọi vào các trường công lập trên địa bàn Hà Nội.

Theo đó, các trường có số lượng học sinh đăng ký vào đông và có tỷ lệ chọi nguyện vọng 1 cao đó là các trường: THPT Chu Văn An (1/2,4); THPT Sơn Tây (1/2,3); THPT Trung Văn (1/2,2); THPT Yên Hòa (1/2,2); THPT Nhân Chính (1/2,1); THPT Kim Liên (1/2.0); THPT Nguyễn Văn Cừ (1/2,0); THPT Cầu Giấy (1/2,0); THPT Lê Quý Đôn - quận Hà Đông (1/1,9); Hai Bà Trưng - huyện Thạch Thất (1/1,9); THPT Trương Định (1/1,9); THPT Quang Trung - quận Hà Đông (1/1,8); THPT Việt Đức (1/1,8); THPT Kim Liên (1/1,8)...

Giảm áp lực cho các em học sinh

Hiện, nhiều em học sinh đã và đang trong quá trình ôn thi căng thẳng vì đây là năm đầu tiên Hà Nội đưa môn lịch sử vào là môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Để giảm áp lực cho các em học sinh và các bậc phụ huynh, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng các bậc phụ huynh không nên tạo áp lực quá lớn cho các em học sinh. Bởi nếu thường xuyên trong trạng thái tâm lý căng thẳng quá mức, các em học sinh sẽ không thể tập trung tiếp thu kiến thức dẫn đến kết quả học tập bị giảm sút.

Bên cạnh đó, ngoài việc tập trung cho quá trình ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi, các em học sinh cần phải tìm hiểu và nắm rõ các quy định trong Quy chế thi vào lớp 10 THPT để tránh mắc các sai phạm.

Ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, “điều lưu lý đầu tiên đối với các thí sinh là phải tham dự đủ 4 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ xét tuyển những thí sinh có đủ 4 bài thi, không có bài thi nào bị điểm 0 và không vi phạm đến mức bị hủy kết quả bài thi. Bài thi sẽ quyết định toàn bộ kết quả của thí sing thay vì thi tuyển và xét tuyển học bạ 4 năm ở bậc THCS như năm học trước”.

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS. Đề thi môn Toán và môn Ngữ văn sẽ đảm bảo 4 cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao. Đề thi môn ngoại ngữ và môn lịch sử chủ yếu ở mức độ nhận biết, thông hiểu và một số câu vận dụng cấp độ thấp.