Bỏ môn ngoại ngữ khỏi kỳ thi tuyển lớp 10:

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Có thể đó là quyết định để bảo đảm công bằng

VietTimes - Ngay trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2010 diễn ra chỉ vài tuần, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng bất ngờ thông báo thay đổi quy định với việc loại ngoại ngữ ra khỏi danh sách môn thi. Điều này lập tức trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều học sinh và phụ huynh. Để có thêm thông tin về vấn đề này, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với GS. Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
GS. Nguyễn Minh Thuyết
GS. Nguyễn Minh Thuyết

Năm nay, trong khi Hà Nội và nhiều địa phương đưa môn ngoại ngữ trở thành một môn thi vào lớp 10, thì Đà Nẵng lại bất ngờ bỏ môn ngoại ngữ khỏi kỳ thi. Điều này gây nhiều ý kiến trái chiều, ngay tại TP Đà Nẵng. Là người rất am hiểu về giáo dục cũng như Luật Giáo dục, xin giáo sư cho biết ý kiến về việc này ạ?

 - Thực ra, theo phân cấp, việc tuyển sinh vào lớp 10 thuộc quyền quyết định của Sở GD&ĐT các địa phương. Các địa phương có thể căn cứ vào tình hình cụ thể của mình mà tổ chức tuyển sinh và xác định các môn thi tuyển. Các địa phương chọn ngoại ngữ là một trong ba môn để thi tuyển đầu vào lớp 10  là rất phù hợp với yêu cầu học ngoại ngữ hiện nay của các em học sinh và nhu cầu hội nhập quốc tế.

Trên thực tế, từ lâu môn ngoại ngữ đã được đưa vào chương trình học từ trung học cơ sở trở lên. Nếu chúng ta ra đề đúng với trình độ của học sinh thì  môn thi này không phải là rào cản học sinh. Tuy nhiên, Đà Nẵng có thể có những đặc điểm riêng để đi đến quyết định như vậy, nhằm phù hợp hơn đối với học sinh trên địa bàn. Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương, là một thành phố đang phát triển rất mạnh, nhưng vẫn còn nhiều  địa bàn khó khăn.

GS. Nguyễn Minh Thuyết
GS. Nguyễn Minh Thuyết (ảnh: Minh Thúy)

Có thể việc bỏ môn ngoại ngữ khỏi kỳ thi tuyển vào lớp 10 là một quyết định để tính đến những học sinh ở các vùng khó khăn, bảo đảm những em ở những vùng đó, ngoại ngữ có thể không bằng các bạn ở khu vực trung tâm, vẫn có thể thi vào lớp 10 ở  trường mà các em mong muốn.

Cũng có thể quy định của Sở GD&ĐT thành phố cho học sinh được quyền thay thế môn thi ngoại ngữ bằng chứng chỉ ngoại ngữ không nhận được sự tán thành của dư luận vì không bảo đảm công bằng, cho nên Sở phải đi đén quyết định bỏ môn thi ngoại ngữ.

Thưa giáo sư! Đồng ý rằng, Bộ GD&ĐT đã phân cấp, Sở có quyền quyết định các môn thi ở địa phương, nhưng trong bối cảnh hội nhập, vấn đề ngoại ngữ cũng rất cần với các em học sinh, giúp các em có thể trang bị kiến thức để phát triển sau này, vì thế, nhiều nước vẫn tổ chức thi có môn ngoại ngữ. Với tư cách một nhà sư phạm, giáo sư có khuyến khích thi ngoại ngữ hay không?

- Đà Nẵng là một trong những thành phố phát triển ấn tượng nhất ở trong cả nước và là một thành phố đầy triển vọng, khi rất nhiều người đến để đầu tư và du lịch, tăng cường cơ hội hợp tác. Chính vì vậy, trong những năm tới, Đà Nẵng cần quan tâm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Bên cạnh đó, cũng cần tính toán lộ trình đến lúc nào đó đưa ngoại ngữ vào thành môn thi chuyển cấp.

Việc thay đổi môn thi trong khi chỉ còn 15 ngày nữa kỳ thi tuyển sinh sẽ diễn ra, liệu có tác động xấu đến việc ôn thi của các em học sinh hay không, thưa giáo sư?

- Nếu như bây giờ chúng ta bổ sung môn thi thì rõ ràng có tác động rất xấu, bởi chỉ còn 15 ngày nữa là đến ngày thi. Tuy nhiên, bớt môn thi thì điều đó cũng không  gây tác động xấu . Có thể điều này ảnh hưởng đến những bạn học sinh thời gian vừa qua học  ngoại ngữ tốt, ôn luyện chú trọng vào môn ngoại ngữ. Bởi các bạn đó đã ôn luyện và có năng lực tốt rồi thì với ưu thế về ngoại ngữ, sẽ có khả năng để cạnh tranh vào các trường tốt. Đó là một sự thiệt thòi đối với các em học sinh yêu thích và giỏi môn ngoại ngữ.

Nhìn ở khía cạnh khác thì thi ngoại ngữ rất có thể là điều khó  đối với các bạn học sinh ở vùng khó khăn, nơi có điều kiện học tập chưa cao.

Có ý kiến cho rằng việc thi tuyển chỉ còn 2 môn toán và ngữ văn sẽ giúp cho kỳ thi được công bằng hơn và loại trừ việc thi lấy chứng chỉ để bù đắp điểm đối với các môn khác. Giáo sư có suy nghĩ gì về quan điểm này ?

- Theo tôi, nếu thi ngoại ngữ thì phải tổ chức thi một cách công bằng. Tức là thi chung một đề, chung một biểu điểm và được chấm chung, chứ không nên cho phép thay môn thi này bằng cách lấy chứng chỉ ở các trung tâm ngoại ngữ.

Hiện, Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo thầy thì việc thi tuyển vào lớp 10 nên thực hiện như thế nào, để một mặt không gây quá tải cho học sinh, phụ huynh nhưng vẫn đảm bảo việc chú trọng phát triển năng lực học sinh tương ứng với những thay đổi của chương trình giáo dục phổ thông mới?

- Thực ra phải tổ chức thi tuyển là do  sau trung học cơ sở có yêu cầu phân luồng. Bởi không phải tất cả các học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đều vào học các trường trung học phổ thông. Trong khi các em ở bậc tiểu học thì tất cả đều được lên trung học cơ sở.

Bên cạnh đó, các trường trung học phổ thông cũng chênh nhau về điều kiện và chất lượng nên muốn thi được vào những trường tốt thì buộc phải tuyển sinh vì chỗ học ít. Theo tôi, để giải quyết những vấn đề này, chúng ta cần những giải pháp căn cơ hơn. Ví dụ như tỉnh  cần đầu tư cho các trường có điều kiện học tập tốt hơn và đồng đều hơn . Cần tránh để diễn ra tình trạng nhiều trường có điều kiện quá tốt, trong khi nhiều trường lại có điều kiện quá yếu.

Cùng với đó, chúng ta cần thực hiện giải pháp luân chuyển giáo viên, để giáo viên giỏi được phân bố đồng đều ở các trường, góp phần nâng cao chất lượng dạy học và đảm bảo sự công bằng cho học sinh. Nếu không luân chuyển được những giáo viên có kinh nghiệm đến các  địa bàn khó khăn thì những địa bàn này luôn luôn chỉ là nơi tạm trú cho các giáo viên mới ra trường; được ít năm đủ lông đủ cánh họ lại bay về những địa bàn thuận lợi.

Xin cảm ơn giáo sư về cuộc trò chuyện!