Một loạt các cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sĩ trong vòng chưa đầy 2 tuần, tiền đề là cú sập của Silicon Valley Bank (SVB), đã buộc các nhà phân tích ở các ngân hàng, bao gồm cả JPMorgan Chase, phải đánh giá lại dự báo suy thoái của họ.
Ngay cả khi sự can thiệp từ chính phủ có thể ngăn chặn thành công sự sụp đổ lây lan, nó vẫn để lại những hậu quả lâu dài cho hệ thống tài chính Mỹ. Sự hỗn loạn của thị trường và những quy định chặt chẽ hơn có thể dẫn tới cuộc khủng hoảng tín dụng – các ngân hàng không đủ nguồn vốn để cho vay.
Hàng loạt ngân hàng nhỏ khác tại Mỹ vẫn đang trong tình trạng bấp bênh. First Republic có trụ sở tại San Francisco vẫn có rủi ro cao, mặc dù các nhà băng lớn của Mỹ đã chung tay cung cấp một khoản tiền gửi 30 tỉ USD để hỗ trợ tài chính cho nó.
Các nhà phân tích gọi những thách thức hiện tại là ‘Minsky Moment’ (hay Khoảnh khắc Minsky) – đặt theo tên nhà kinh tế học người Mỹ Hyman Minsky.
Nó đề cập tới hiện tượng các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro đến mức đi vay vượt quá số tiền có thể trả, rồi sẽ đến lúc họ cảm thấy sai và hốt hoảng bán tháo.
Đó cũng là hồi chuông báo hiệu sự kết thúc của một thời kỳ bùng nổ kinh tế. Tại thời điểm đó, bất kỳ sự kiện gây bất ổn nào – như việc tăng lãi suất - cũng có thể buộc các nhà đầu tư phải bán tài sản để lấy tiền mặt trả nợ, gây ra một cuộc khủng hoảng.
Theo Bloomberg, ‘khoảnh khắc Minsky’ – sự sụp đổ đột ngột của thị trường và nền kinh tế đang ngập trong nợ - cũng đủ khiến nhiều nhà hoạch định chính sách phải rùng mình.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008 được coi là một ‘khoảnh khắc Minsky’ vì bắt nguồn từ cú sập của thị trường thế chấp dưới chuẩn của Mỹ.
‘Khoảnh khắc Minsky’ ở Việt Nam
Theo CTCP Chứng khoán DSC (DSC), có cơ sở để cho rằng đã xảy ra một ‘khoảnh khắc Minsky’ dạng nhẹ trên thị trường tài sản Việt Nam trong năm 2022.
Trên thị trường tài chính, dấu hiệu rõ nhất của hiện tượng này là giai đoạn sụt giảm mạnh từ đỉnh khi trạng thái margin căng cứng cực độ từ tháng 4/2022 – 6/2022 và giai đoạn ‘call margin’ ở cấp độ doanh nghiệp, ‘call margin’ chéo do siết thị trường trái phiếu và hết ‘room’ tín dụng vào tháng 10 và 11/2022.
“Đặc điểm chung của những đợt sụt giảm trên là việc thị trường rơi thẳng đứng và thanh khoản sụt giảm mạnh sau đó”, DSC cho biết.
Ở các thị trường tài sản khác, bao gồm bất động sản, cũng chứng kiến trạng thái tương tự. Sau nhiều năm, giá nhà đất giảm ở nhiều địa phương, nguy hiểm hơn là nhiều nơi mất thanh khoản.
Việc sử dụng đòn bẩy trên thị trường bất động sản cũng là rất phổ biến, không chỉ với nhà đầu tư cá nhân mà còn cả doanh nghiệp. Nhiều bên tham gia thị trường vẫn sẽ cần loay hoay để tìm hướng giải quyết trong năm 2023./.
Nguồn tham khảo: Fortune, Bloomberg