Thêm một nghiên cứu cho thấy tính năng Night Shift không có tác dụng như Apple quảng cáo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Khi bật chế độ Night Shift, màn hình điện thoại của bạn sẽ chuyển về một trạng thái ám vàng nặng để khử toàn bộ ánh sáng xanh dương "blue light" – tác nhân được cho là sẽ khiến bạn bị mất ngủ.
Tính năng Night Shift trên iPhone (Ảnh: The Verge)
Tính năng Night Shift trên iPhone (Ảnh: The Verge)

Trong phần mô tả, Apple nói rằng tính năng Night Shift trên các thiết bị di động của hãng "có thể giúp người dùng ngủ ngon hơn". Lý do được hãng đưa ra là khi người dùng bật chứ năng này, ánh sáng từ màn hình sẽ chuyển thành "ánh sáng xanh" qua đó giúp người dùng dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn. Nhưng trong một nghiên cứu gần đây lại cho thấy điều hoàn toàn ngược lại, không những không làm cho người dùng dễ ngủ, chế độ này còn khiến chất lượng giấc ngủ của người dùng kém hơn.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sleep Health đã theo dõi giấc ngủ của 167 người trong một tuần. Những người này được chia thành 3 nhóm: một nhóm sử dụng điện thoại bật chế độ Night Shift trong vòng 1 tiếng trước khi ngủ, một nhóm làm tương tự nhưng không bật chế độ Night Shift và một nhóm hoàn toàn không sử dụng điện thoại trước khi ngủ.

Chad Jensen, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "Không có sự khác biệt giữa ba nhóm. Thậm chí có những người mà với họ việc bật Night Shift còn không tốt bằng việc sử dụng điện thoại mà không kích hoạt tính năng đó".

Kết quả này phù hợp với những hoài nghi ban đầu cho rằng tính năng Night Shift thực sự không giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ của người dùng, đặc biệt khi Apple không công bố bước sóng ánh sáng nào sẽ bị chặn khi người dùng bật tính năng này. Trong khi ánh sáng xanh và việc sử dụng điện thoại trước khi ngủ có thể khiến giảm chất lượng giấc ngủ của bạn, vẫn còn có nhiều biến số khác cần được xem xét.

Các nhà nghiên cứu cũng khá bất ngờ khi nhóm người không sử dụng điện thoại trước khi ngủ cũng chưa chắc có một giấc ngủ hoàn hảo. Trước thí nghiệm, Jesen và các đồng nghiệp đã giải định rằng mình phải thấy nhóm không sử dụng điện thoại có giấc ngủ ngon nhất, sau đó đến nhóm bật Night Shift và cuối cùng là nhóm tắt nó. "Nhưng chúng tôi đã hơi ngạc nhiên khi kết quả thu lại không như những gì chúng tôi dự đoán".

Điều này đặc biệt đúng với những người tham gia là sinh viên đại học đã bị thiếu ngủ từ trước. "Khi mọi người đã rất buồn ngủ, việc họ có hay không sử dụng điện thoại trước khi ngủ không còn quá quan trọng nữa. Vì nhu cầu của bạn rất cao vào giai đoạn đó nên bạn sẽ đi vào giấc ngủ khá dễ dàng cho dù bạn có bật hay tắt Night Shift hay thậm chí không sử dụng điện thoại". Jasen chia sẻ.

Những khác biệt nhỏ liên quan đến thói quen sử dụng điện thoại mà nhóm nghiên cứu quan sát được liên quan đến thời lượng ngủ của những người tham gia. Trong số sinh viên ngủ nhiều hơn 7 tiếng đồng hồ, những người không sử dụng điện thoại sẽ ngủ ngon hơn và ít bị thức giấc giữa đêm so với những người sử dụng điện thoại trước khi ngủ. Nhưng với những người ngủ ít hơn 7 tiếng, không có sự khác biệt nào về chất lượng giấc ngủ, bất kể họ có sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ hay không.

Để giải thích cho hiện tượng kỳ lạ này, Jensen liệt kê vô số yếu tố có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn ngoài việc sử dụng điện thoại, ví dụ như sử dụng caffeine, tập thể dục, nhiệt độ, lượng ánh sáng, tiếng ồn, giờ đi ngủ ...

Kết quả cho thấy không phải chỉ riêng ánh sáng xanh mới gây ra tình trạng khó ngủ. Tâm lý, cảm xúc và tình trạng sức khỏe cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bạn. Raj Dasgupta, một chuyên gia về y học giấc ngủ tại Đại học Nam California, cho biết: "Giấc ngủ là một yếu tố được cá nhân hóa nên sẽ không có một tính năng nào phù hợp với tất cả mọi người. Một số người nhạy cảm hơn với ánh sáng và có thể thấy khả năng lọc ánh sáng xanh là hữu ích, nhưng đó sẽ không phải là giải pháp duy nhất dẫn đến giấc ngủ ngon hơn cho những người khác".

Theo Jensen, đối với điện thoại, có nhiều điều cần xem xét hơn là việc tiếp xúc với ánh sáng xanh. "Tất cả những hình thức kích thích khác không liên quan đến ánh sáng đều có thể tác động đến chất lượng giấc ngủ của bạn. Nếu bạn đang đọc một bài báo nhàm chán hoặc xem một video hài hước trên TikTok trước khi đi ngủ, mức độ tỉnh táo và mức độ tương tác đó có thể sẽ cản trở khả năng đi vào giấc ngủ của bạn. Việc lọc ánh sáng xanh bây giờ sẽ không thể bù đắp được cho ảnh hưởng đó".

Theo The Verge