Alexej Savreux, 34 tuổi ở thành phố Kansas, cho biết mình đã làm đủ loại công việc trong nhiều năm từ bán bánh mì, bảo vệ và vận chuyển rác. Giờ đây công việc đã ít nặng nhọc hơn khi anh đầu quân cho một công ty với vai trò huấn luyện mô hình AI, tuy nhiên mức lương lại có phần bèo bọt.
Savreux là một phần của đội quân giấu mặt đang thực hiện công việc hậu trường là dạy các hệ thống AI cách phân tích dữ liệu để chúng có thể tạo ra các loại văn bản và hình ảnh khiến những người sử dụng các sản phẩm mới phổ biến như ChatGPT phải thán phục. Để cải thiện độ chính xác của AI, nhiệm vụ của anh là gắn nhãn ảnh và đưa ra dự đoán về văn bản mà ứng dụng sẽ tạo tiếp theo. Được biết, Savreux chỉ nhận được 15 USD mỗi giờ, không có phúc lợi.
Savreux và các nhà thầu khác đã dành vô số thời gian trong vài năm qua để dạy các hệ thống của OpenAI đưa ra phản hồi tốt hơn trong ChatGPT.
Savreux, người đã làm việc cho các công ty khởi nghiệp công nghệ, trong đó có OpenAI, cho biết: “"Chúng tôi làm công việc nặng nhọc. Bạn có thể tạo công cụ bằng hệ thống AI mạnh mẽ với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu. Nhưng nếu không có người gắn nhãn, sẽ không có ChatGPT và cũng chẳng có gì cả".
Đó không phải là công việc mang lại danh tiếng hay sự giàu có cho Savreux, nhưng nó là một công việc thiết yếu và thường bị bỏ qua trong lĩnh vực AI, nơi mà dường như phép thuật của công nghệ mới có thể làm lu mờ sức lao động của những người làm việc theo hợp đồng.
Sonam Jindal, trưởng nhóm nghiên cứu về AI, lao động và kinh tế tại Partnership on AI - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại San Francisco chuyên thúc đẩy nghiên cứu và giáo dục về trí tuệ nhân tạo - cho biết: "Rất nhiều cuộc thảo luận xung quanh AI thời gian qua. Nhưng chúng ta đang bỏ lỡ phần quan trọng của câu chuyện rằng một cỗ máy dù thông minh đến đâu vẫn phải phụ thuộc vào yếu tố con người đứng sau", Sonam Jindal, chia sẻ.
Công nghệ đã phát triển trong nhiều thập kỷ và trong suốt thời gian đó, các doanh nghiệp vẫn phải phụ thuộc vào lao động của hàng nghìn công nhân, từ những người làm chip đục lỗ cho máy tính trong những năm 1950, đến nhân viên phân loại dữ liệu trong thời hiện đại. Tuy nhiên, công việc như huấn luyện trí tuệ nhân tạo (AI) là không ổn định và thay đổi tùy theo nhu cầu của thị trường. Những người được tuyển dụng thường thông qua các đối tác bên thứ ba và chỉ làm việc khi có đơn hàng. Họ thường được yêu cầu giữ bí mật danh tính và ít hoặc không có các phúc lợi như bảo hiểm y tế.
Gần đây, mô hình tạo sinh AI đã phát triển mạnh mẽ, dẫn đến sự tăng đột biến về nhu cầu thuê người huấn luyện AI. Tuy nhiên, họ chỉ nhận mức lương rất thấp. Theo Time, OpenAI (công ty tạo ra ChatGPT) đã thuê lao động ở Kenya với mức giá chưa đến 2 USD một giờ để thực hiện công việc gắn nhãn và kiểm duyệt thông tin. Những người này phải liên tục xem và xác định nội dung liên quan đến nhiều chủ đề như lạm dụng tình dục trẻ em, giết người, tự tử, tra tấn, tự hại và loạn luân để huấn luyện AI lọc thông tin. Vào tháng 4/2022, Technology Review cho biết các công ty xe tự lái như Tesla đã thuê công nhân ở Venezuela với mức giá trung bình 0,9 USD mỗi giờ để thực hiện công việc đánh dấu dữ liệu.
Tổ chức Partnership on AI đã công bố một báo cáo vào năm 2021 rằng nhu cầu đối với “công việc làm giàu dữ liệu” đang tăng đột biến. Tổ chức này khuyến nghị ngành công nghiệp cam kết trả thù lao công bằng và cải thiện phúc lợi lao động. Năm ngoái, Partnership on AI đã xuất bản hướng dẫn để các công ty tự nguyện tuân theo.
Một số nhân viên đang bắt đầu yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp nhiều phúc lợi hơn thay vì chỉ trả lương theo giờ làm việc. Ở Nairobi (Kenya), hơn 150 người đang tham gia vào việc phân loại dữ liệu cho Facebook, TikTok và ChatGPT đã bỏ phiếu thành lập một công đoàn, với lý do là mức lương thấp và công việc gây tổn hại tinh thần.
OpenAI đã thuê khoảng 1.000 nhà thầu từ xa ở những nơi như Đông Âu và Mỹ La tinh để dán nhãn dữ liệu hoặc đào tạo phần mềm của công ty về các nhiệm vụ kỹ thuật máy tính.
OpenAI vẫn là một công ty nhỏ, với khoảng 375 nhân viên tính đến tháng 1, Giám đốc điều hành Sam Altman cho biết trên Twitter, nhưng con số đó không bao gồm các nhân công làm thuê và không phản ánh toàn bộ quy mô hoạt động hoặc tham vọng của công ty.
Công việc tạo dữ liệu để đào tạo các mô hình AI không phải lúc nào cũng đơn giản và đôi khi nó đủ phức tạp để thu hút các kỹ sư AI tương lai.
Jatin Kumar, 22 tuổi ở Austin, Texas, cho biết anh đã làm công việc AI theo hợp đồng được một năm kể từ khi anh tốt nghiệp đại học với tấm bằng khoa học máy tính và anh cho biết điều đó giúp anh có cơ hội khám phá công nghệ AI thế hệ mới.
“Công việc này cho phép bạn làm việc và suy nghĩ về cách sử dụng công nghệ này trước khi nó được tung ra thị trường đại chúng” Kumar nói. Anh cũng đang làm việc cho công ty khởi nghiệp công nghệ của riêng mình, Bonsai, chuyên sản xuất phần mềm giúp thanh toán hóa đơn cho bệnh viện.
Kumar cho biết công việc chính của anh ấy là tạo ra lời nhắc: tham gia vào cuộc trò chuyện qua lại với công nghệ chatbot, đây là một phần của quá trình đào tạo hệ thống AI lâu dài. Anh ấy nói các nhiệm vụ đã trở dần nên phức tạp hơn theo kinh nghiệm, nhưng chúng thường bắt đầu rất đơn giản.
Kumar cho biết: “Cứ sau 45 hoặc 30 phút, bạn sẽ nhận được một nhiệm vụ mới, tạo ra những lời nhắc mới. Lời nhắc có thể đơn giản như, "Thủ đô của nước Pháp là gì?" anh chia sẻ.
Kumar nói rằng anh đã làm việc với khoảng 100 người khác trong các nhiệm vụ tạo dữ liệu đào tạo, câu trả lời chính xác và tinh chỉnh mô hình bằng cách đưa ra phản hồi về câu trả lời.
Theo NBC News
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu