Theo báo cáo từ The Drum, vừa qua BBC đã ra mắt Project Songbird, một giọng nói tổng hợp được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) được cho là có thể đọc các bài báo trực tuyến trên trang của họ.
“Dự án Songbird mang đến "cách tiếp cận thứ ba" mà độc giả có thể sử dụng để tiêu thụ nội dung số của BBC, nó được thiết kế để kết hợp gọn gàng chặt chẽ cùng với tin tức dạng văn bản và video, hỗ trợ làm tăng thêm sự khăng khít trong mối quan hệ giữa chúng tôi với độc giả”, ông Errol Baran, Phó Chủ tịch cấp cao Toàn cầu về Phát triển Kinh doanh và Đổi mới tại BBC, cho biết.
“Qua kết quả thành công của việc kinh doanh podcast trên World Service, chúng tôi nhận thấy rằng nhu cầu về audio (âm thanh) không hề có dấu hiệu giảm đi và điều này cho phép độc giả của chúng tôi có thể thực hiện nhiều tác vụ nếu họ như muốn làm như vậy.”, ông Errol Baran cho biết thêm.
Âm thanh đã nổi lên một cách lặng lẽ
Sự thành công của định dạng podcast đã khiến các đơn vị báo chí, truyền thông ngày càng quan tâm đến các cơ hội mà âm thanh có thể mang lại. BBC hiện đã tham gia vào nhóm tìm kiếm tiềm năng từ podcast nhằm tích hợp audio rộng rãi hơn trên nội dung của họ.
Việc chuyển đổi các bài viết dưới dạng văn bản thành âm thanh giúp người đọc có thêm một cách tiếp cận nội dung hoàn toàn mới. Chiến lược này đã và đang mang lại lợi nhuận cho một số đơn vị báo chí truyền thông - những người đã sớm nhận ra và thực hiện chiến lược này.
Nhà báo Charlotte Ricca cho biết: “Mặc dù việc cung cấp các bài báo ở định dạng có thể nghe được không còn là mới và lạ, nhưng định dạng này hiện đang có xu hướng bùng nổ lớn, khi độc giả, những người không có nhiều thời gian, không ngừng tìm kiếm những cách thức thuận tiện hơn để “tiêu thụ” phương tiện truyền thông trực tuyến. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, tỷ lệ theo dõi tin tức bằng giọng nói đã tăng 30% trong vòng sáu năm qua và 8% chỉ trong năm ngoái”.
“Các bài báo âm thanh đang tạo ra tiếng vang lớn trong ngành báo chí nói chung. Việc tạo ra các tính năng và tin tức mà độc giả của chúng ta có thể nghe được là một cơ hội về âm thanh mà chúng ta không nên bỏ qua”, bà Charlotte Ricca, phóng viên tại Independent Media cho biết thêm.
Ông Jim Bodor, Giám đốc điều hành Chiến lược Sản phẩm số HBR đã trao đổi với NiemanReports: “Âm thanh đã lặng lẽ nổi lên như là một phương pháp ưa thích để độc giả cảm nhận nội dung. Mặc dù không phải là phương tiện thống trị trên internet, nhưng nếu âm thanh ngày càng trở thành một phần quan trọng, gây ấn tượng hơn, thì chúng tôi phải chuẩn bị sẵn sàng cho điều đó”.
Sự chấp nhận và sử dụng ổn định của độc giả đối với tin tức bằng giọng nói
Điều khiến cho âm thanh ngày càng trở nên thú vị hơn đó là việc các tổ chức báo chí truyền thông đang nghiên cứu các phương pháp khác nhau trong việc trình bày phiên bản âm thanh của các bài báo cho độc giả.
Một số đơn vị báo chí tạo ra âm thanh bằng cách sử dụng người lồng tiếng (The New York Times với Audm) hoặc các nhà báo, những đơn vị khác dựa vào các công cụ chuyển văn bản thành giọng nói (The Washington Post).
Ảnh: The New York Times |
Tờ New York Times đã mua lại Audm, ứng dụng âm thanh dựa trên đăng ký, sử dụng những người tường thuật sách nói để chuyển đổi các bài báo từ định dạng văn bản thành âm thanh.
Họ đã làm việc với Audm từ mùa thu năm ngoái, để tạo ra các phiên bản âm thanh của một số bài báo dạng văn bản dài trước khi mua lại vào tháng 3. “Đây là một cách mà báo chí văn bản dạng dài có thể phù hợp hơn với cuộc sống của độc giả”, bà Stephanie Preiss, Phó Chủ tịch Truyền hình và Âm thanh của The New York Times đã chia sẻ.
Ngoài New York Times, The New Yorker, Wired, Rolling Stone, Vanity Fair, The Atlantic và BuzzFeed News cũng sử dụng giải pháp tương tự. Người đăng ký (Subscribers) sẽ phải trả 7,99 USD/tháng để được nhận các bản tin tức âm thanh này.
Họ cũng có thể trả theo năm với chi phí 56,99USD để có thể truy cập toàn bộ thư viện âm thanh của tòa soạn. Ứng dụng có sẵn để tải xuống cho các thiết bị sử dụng hệ điều hành iOS và Android.
Mặt khác, Washington Post sử dụng giọng nói do máy tính tạo ra. Đơn vị này đã thử nghiệm các bài báo âm thanh từ năm 2017 và phát hành tất cả các bài báo của họ ở định dạng âm thanh trên các ứng dụng Android và iOS vào tháng 7, bằng cách sử dụng các tính năng chuyển văn bản thành giọng nói trên hệ điều hành di động Android và iOS.
Bà Leila Siddique, Giám đốc Sản phẩm cao cấp tại The Washington Post, cho biết: “Khi chúng tôi lần đầu tiên thử nghiệm các bài báo âm thanh trên ứng dụng Android của mình, chúng tôi nghĩ rằng tính năng này sẽ thu hút người đọc trong suốt quá trình của họ. Khi nhiều độc giả tiếp tục phải làm việc tại nhà, chúng tôi rất ngạc nhiên và vui mừng khi thấy việc áp dụng và sử dụng ổn định trong những tháng qua”.
Chiến lược đa dạng
Trong khi chiến lược của The Washington Post là cung cấp cho độc giả giả tùy chọn nghe bất kỳ bài báo nào của họ, thì The New York Times lại đang tập trung vào chất lượng (việc này giới hạn số lượng bài báo có sẵn dưới dạng âm thanh).
“Chúng tôi quan tâm đến việc xây dựng các sản phẩm mà độc giả cảm thấy đáng để trả tiền. Chúng tôi cảm thấy định nghĩa về "đáng để trả tiền" không bao gồm giọng nói từ máy tính”, bà Preiss chia sẻ.
“Chúng tôi rất vui mừng về việc hình thành thói quen âm thanh của độc giả. Nhưng thật khó để xây dựng những thói quen đó nếu chúng ta chỉ cung cấp số lượng những bài báo hạn chế”, Biên tập viên Quản lý của The Washington Post - cô Kat Downs Mulder bày tỏ quan điểm.
“Độc giả của chúng tôi cho biết rằng họ luôn có tùy chọn âm thanh trên tất cả các bài báo, điều này thực sự củng cố tính khả dụng của âm thanh”, cô Mulder nhận định.
Cô Mulder cho biết thêm rằng những người đăng ký nghe các bài báo âm thanh dành thời gian trong ứng dụng của The Washington Post nhiều hơn gấp 3 lần so với những người không sử dụng âm thanh.
“Chúng tôi hiểu được rằng công chúng thích nghe những bản tin - vì podcast của chúng tôi đã chứng minh điều đó. Việc mở rộng nhiều nội dung âm thanh hơn giúp họ tương tác với The Washington Post dễ dàng hơn, giúp thu hút độc giả vào hệ sinh thái của chúng tôi sâu hơn nữa. Điều đó cải thiện tỷ lệ giữ chân khách hàng (retention rate - tỷ lệ khách hàng ở lại mà một doanh nghiệp giữ được trong một khoảng thời gian nhất định)”, cô Mulder chia sẻ thêm.
Trong khi đó, công ty khởi nghiệp Zetland của Đan Mạch sử dụng các nhà báo của chính họ để đọc các bài báo. Ông Tav Klitgaard - Giám đốc điều hành Zetland, cho biết: “Giọng nói cá nhân của các nhà báo là khá quan trọng đối với sự thành công của các sản phẩm âm thanh của chúng tôi. Ban đầu chúng tôi đã thử sử dụng các diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp, tuy nhiên nó nghe quá chuẩn chỉnh”.
“Chúng tôi muốn xây dựng thứ mà chúng tôi gọi là “sản phẩm của con người”, bao gồm tất cả những tình huống trục trặc và sự ngẫu nhiên. Điều quan trọng là nội dung của chúng tôi phải truyền tải được niềm đam mê và sự tò mò chân thực nhất và chúng tôi nhận thấy rằng điều đó được thể hiện rất tốt khi các nhà báo tường thuật”, ông Klitgaard cho biết.
Thực tế đã chứng minh phương pháp này dường như có hiệu quả với Zetland vì họ đã có được mức tăng trưởng 650% kể từ khi ra mắt mô hình âm thanh vào đầu năm 2017.
“Việc chuyển đổi tin tức thành dạng âm thanh có một tác động to lớn đối với chúng tôi. Nó đã giúp chúng tôi cải thiện tỷ lệ giữ chân khách hàng (retention) và sự hài lòng của các thành viên. Người nghe đã tiêu thụ sản phẩm nhiều hơn, họ ở lại lâu hơn với mỗi câu chuyện và điều đó cũng mang lại cho chúng tôi tăng thêm cảm giác về lòng trung thành và sự cam kết.”, Sara Alfort, một nhà báo tại Zetland chia sẻ.
Tuy nhiên, Zetland chỉ xuất bản 3 bài báo dạng dài mỗi ngày, điều này khiến các nhà báo của họ có thể đọc tất cả chúng, việc này có thể là bất khả thi đối với các tổ chức báo chí, truyền thông có lượng sản phẩm đầu ra nhiều hơn.
Tăng lượng giả, sự uy tín của tòa soạn và nguồn doanh thu mới tiềm năng
Dự án Songbird của BBC dường như đã tìm ra giải pháp cho câu hỏi dành cho các tổ chức báo chí có lượng tin tức phát hành lớn, đó là công nghệ có thể đọc các bài báo với các tông điệu khác nhau.
“Ngữ điệu của giọng nói cũng là một phần trong điểm bán hàng độc nhất (unique selling point - một yếu tố được tạo ra với mục đích làm nên khác biệt rõ rệt với các đối thủ cạnh tranh cũng như khẳng định vị trí sản phẩm của doanh nghiệp và bản sản phẩm) của chúng tôi và chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để làm cho nó trở nên dễ cảm thụ và thoải mái hơn. Tham vọng của chúng tôi là phát triển những ngữ điệu này hơn nữa để phù hợp với sự đa dạng về nội dung mà chúng tôi cung cấp”, ông Baran giải thích.
“Trong tương lai, có thể có các “phông” (font) giọng nói khác nhau cho phép mở rộng phạm vi ngữ điệu; ví như kiểu “trang trọng” cho những tin tức nghiêm túc, “kịch tính” cho tin thể thao, “thoải mái” cho các tin giải trí hoặc kết hợp tất cả tùy chọn vào câu chuyện cá nhân,” ông chia sẻ thêm.
Dự án Songbird đã tích hợp phần mềm nhận thức và hành vi cho phép nó khai thác các mô hình tiêu dùng của người đọc. Điều đó cho phép Songbird ưu tiên những nội dung “dựa trên sở thích của người dùng, trong khi vẫn duy trì hoạt động báo chí cân bằng của BBC”, ông Baran cho hay.
Âm thanh làm tăng thêm tính hấp dẫn và có giá trị cho bài báo
Các phương thức khác nhau mà các tổ chức báo chí, truyền thông sử dụng để tiếp cận chiến lược âm thanh rõ ràng sẽ phụ thuộc vào các yêu cầu và khả năng riêng của họ. Điều có thể thấy là về lâu dài, âm thanh có thể giúp xây dựng mức độ tương tác và lòng trung thành, cũng như thu hút người đăng ký mới và tạo ra doanh thu quảng cáo.
“Sự thành công của podcast đã cho thấy báo chí âm thanh sẽ ngày càng có được lượng độc giả lớn, tăng thêm uy tín của ban biên tập (giải Pulitzer âm thanh đầu tiên sẽ được trao trong năm nay) và thông qua quảng áo podcast hoặc đăng ký ứng dụng âm thanh sẽ là một nguồn doanh thu tiềm năng”, theo Gabe Bullard, biên tập viên cấp cao tại WAMU 88.5.
Theo What’s New In Publishing