Thế giới Di Động lãi hơn 2.000 tỷ đồng nửa đầu năm 2020

VietTimes – Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của Thế giới Di Động đạt 55.639 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.027 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành lần lượt 51% và 59% kế hoạch năm 2020.
Tòa nhà văn phòng của Thế giới Di Động (Nguồn: MWG)
Tòa nhà văn phòng của Thế giới Di Động (Nguồn: MWG)

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2 và lũy kế 6 tháng đầu năm 2020.

Theo đó, riêng tháng 6/2020, doanh thu của MWG giảm 8% so với cùng kỳ năm 2019, do sức cầu tiêu thụ các sản phẩm điện tử tiêu dùng bắt đầu giảm. Tuy nhiên, MWG cho biết sẽ nỗ lực bảo vệ biên lợi nhuận ròng ở mức 3,7%, tương đương biên lợi nhuận ròng tháng 6/2019.

Quý 2/2020, doanh thu thuần của MWG đạt 26.285 tỷ đồng, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 894 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2019.

Hoạt động kinh doanh năm 2020 của MWG bị ảnh hưởng rõ rệt do dịch Covid-19. Việc đóng cửa gần 30% số cửa hàng Thế giới di động (TGDĐ) và Điện máy xanh trong tháng 4 là một bất lợi vì đây là tháng cao điểm hàng năm.

Trong khi đó, các chi phí hoạt động trọng yếu mặc dù đã được tích cực điều chỉnh nhưng không thể cắt giảm hoàn toàn trong thời gian giãn cách xã hội dẫn đến tác động đáng kể lên biên lợi nhuận ròng của MWG.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của MWG đạt 55.639 tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với cùng kỳ năm 2019 và lợi nhuận sau thuế đạt 2.027 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2019. Với kết quả này, MWG đã hoàn thành 51% kế hoạch doanh thu và 59% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.

Kết quả kinh doanh quý 2 và lũy kế 6 tháng đầu năm 2020 của Thế giới Di Động
Kết quả kinh doanh quý 2 và lũy kế 6 tháng đầu năm 2020 của Thế giới Di Động

Doanh thu online của MWG chiếm hơn 9% tổng doanh thu 6 tháng đầu năm, tương đương đạt 4.993 tỷ đồng. Nếu chỉ tính riêng TGDĐ và Điện máy xanh, tỷ trọng doanh thu online của hai chuỗi này đạt khoảng 11%.

Trong nửa đầu năm 2020, doanh thu của MWG từ nhóm sản phẩm gia dụng và điện lạnh vẫn duy trì mức tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ năm 2019, doanh số máy tích xách tay tăng mạnh 95%, ngành đồng hồ mang về hơn 620 tỷ đồng với sản lượng bán ra hơn 400.000 chiếc. Doanh số từ thực phẩm và nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCGs) gấp 2,3 lần so với 6 tháng năm 2019.

Về quy mô hoạt động, trong 6 tháng đầu năm 2020, MWG đã tăng thêm 26 cửa hàng Điện máy xanh, phần lớn do chuyển đổi từ cửa hàng TGDĐ. Cuối tháng 6/2020, MWG đã quyết định đóng cửa toàn bộ chuỗi Điện thoại Siêu Rẻ do chưa đạt được hiệu quả kinh doanh như kỳ vọng. Tuy nhiên, MWG cho biết, thử nghiệm này cũng mang lại nhiều giá trị.

Trong tháng 6/2020, MWG khai trương thêm 121 cửa hàng Bách hóa xanh, trung bình 4 cửa hàng mới mỗi ngày. Tính đến cuối tháng 6/2020, MWG có 1.486 cửa hàng Bách hóa xanh, trong đó có 999 cửa hàng ở khu vực tỉnh, chiếm 67% và 245 cửa hàng lớn (trên 300m2), chiếm 17% tổng số cửa hàng.

Mục tiêu của Bách hóa xanh là mở rộng mạnh mẽ, tăng cường độ phủ dày đặc nhằm nhanh chóng cải thiện công suất phục vụ của các kho, trung tâm phân phối ở khu vực tỉnh, dẫn đến doanh thu bình quân cho mỗi của hàng ghi nhận ở mức 1,1 tỷ đồng.

Cụ thể, 40% số cửa hàng đã hoạt động tối thiểu 12 tháng, trong đó các cửa hàng khai trương trước ngày 1/1/2019 có doanh thu bình quân đạt 1,4 tỷ đồng/cửa hàng. Các cửa hàng khai trương trước ngày 1/7/2019 có doanh thu bình quân đạt 1,3 tỷ đồng/cửa hàng.

Số cửa hàng còn lại (60%) hoạt động dưới 12 tháng, chủ yếu ở các tỉnh mới, đi sâu vào tuyến huyện, xã ghi nhận mức doanh thu bình quân gần 1 tỷ đồng/cửa hàng. Tuy nhiên, chi phí vận hành các cửa hàng này cũng thấp hơn so với cửa hàng đang hoạt động tại các tỉnh lớn./.