Những mô hình kinh doanh thất bại của Thế giới Di Động

VietTimes – CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (MWG) nhanh chóng khai tử một số mô hình kinh doanh không hiêu quả như trang thương mại điện tử vuivui.com và gần đây nhất là chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ.

CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (MWG) hiện đang sở hữu mạng lưới hơn 3.400 cửa hàng trên toàn quốc, chủ yếu là các chuỗi bán lẻ thegioididong.com, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần hợp nhất của MWG đạt 47.492 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm 2019, lợi nhuận sau thuế giảm 4% về mức 1.723 tỷ đồng.

Tuy nhiên, không phải mô hình kinh doanh nào của MWG cũng mang lại lợi nhuận. Vài năm gần đây, MWG không ngần ngại khai tử nhiều mô hình kinh doanh sau một thời gian thử nghiệm nhưng không đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Trang thương mại điện tử vuivui.com

Vuivui.com là trang thương mại điện tử được MWG cho ra mắt vào tháng 12/2016 với mục đích mang đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm trực tuyến thực sự an toàn, tin cậy, thuận tiện cùng giá cả cạnh tranh với gần 40.000 sản phẩm.

“Chúng tôi đầu tư cho Vuivui là đầu tư cho tương lai, khi thế hệ trẻ có xu hướng thay đổi phương thức mua sắm. Có thể kỳ vọng đóng góp của Vuivui từ năm 2020 trở đi” - Chủ tịch Nguyễn Đức Tài nói tại ĐHĐCĐ năm 2017 của MWG.

Trang thương mại điện tử vuivui.com
Trang thương mại điện tử vuivui.com từng bị Thế giới Di Động khai tử (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, kết thúc năm 2017, doanh thu của Vuivui chỉ đạt 75 tỷ đồng, đóng góp không nhiều vào cơ cấu doanh thu của MWG.

Cuối năm 2018, MWG chính thức đóng cửa trang thương mại điện tử này sau 2 năm hoạt động, dù trước đó, Vuivui được kỳ vọng sẽ tăng trưởng vượt bậc sau 4 – 5 năm và doanh thu bán hàng sẽ vượt cả chuỗi thegioididong.com.

Toàn bộ nền tảng website, hậu cần và giao nhận của vuivui.com đã được chính thức chuyển sang cho bachhoaxanh.com từ ngày 27/11/2018.

Kính mắt bị khai tử sau 9 tháng

Cuối tháng 6/2019, nhận thấy thị trường giàu tiềm năng, MWG bắt đầu thử nghiệm mô hình kinh doanh kính mắt bằng cách kê thêm tủ kính mắt tại cửa hàng điện thoại thuộc chuỗi thegioididong, nằm tại phường Phước Long B, quận 9, Tp. HCM. Đây cũng là cửa hàng đầu tiên bán mắt kính theo mô hình “shop in shop” của MWG.

Lúc này, cửa hàng có khoản 600 mẫu mắt kính các loại nhắm đến phân khúc trung cấp, giá bán trong khoảng 600.000 đồng đến 3 triệu đồng/sản phẩm.

MWG cho rằng, cặp đôi đồng hồ và mắt kính thường đi chung với nhau và tập đoàn muốn tăng doanh thu từ mặt hàng này. Tuy nhiên, trong khi đồng hồ liên mục được MWG mở rộng thì mắt kính lại sớm bị khai tử.

Đến tháng 3/2020, sau 9 tháng ra mắt, MWG quyết định ngừng bán kính mắt. Lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, việc phải dừng kinh doanh vì các cửa hàng nhỏ lẻ bên ngoài có lợi thế về kính thuốc. Nếu đưa máy đo mắt vào các cửa hàng điện thoại, điện máy thì có phần không phù hợp.

Đóng cửa Điện Thoại Siêu Rẻ

Chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ (ĐTSR) ra đời vào tháng 8/2019, các sản phẩm tại đây chủ yếu là điện thoại dưới 8 triệu đồng và được bán với giá rẻ hơn tại chuỗi Thế giới Di Động khoảng 10%.

Mô hình này được ra đời nhằm mục đích chiếm lấy 20% thị phần từ các cửa hàng di động nhỏ và hộ gia đình. Cửa hàng ĐTSR đầu tiên được mở thử nghiệm trên đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh với diện tích khoảng 15m2, một nhân viên phục vụ.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em – CEO chuỗi Thế giới Di Động từng cho biết, doanh số các cửa hàng ĐTSR vào khoảng 350 – 400 triệu đồng/tháng.

Website của Điện Thoại Siêu Rẻ thông báo sẽ ngừng hoạt động từ ngày 29/6

Website của Điện Thoại Siêu Rẻ thông báo sẽ ngừng hoạt động từ ngày 29/6

Tuy nhiên, đến ngày 29/6 vừa qua, website của ĐTSR thông báo sẽ ngừng hoạt động và chuyển hướng về thegioididong.com. Trao đổi với truyền thông trong nước, đại diện MWG xác nhận về việc đống cửa hệ thống ĐTSR và cho biết đây là bước đầu để chuyển đổi sang mô hình thử nghiệm mới.

Từ thành lập đến đóng cửa chưa đầy 1 năm, MWG đã mở 17 cửa hàng chuỗi ĐTSR, tuy nhiên, với cam kết phân phối hàng chính hãng, giá rẻ nên biên lợi nhuận thấp. Trong khi đó, các cửa hàng di động nhỏ và hộ gia đình thường có lợi thế khi đi kèm loạt dịch vụ khác như vừa bán vừa sửa chữa.

Nhà Thuốc An Khang liên tục thua lỗ

Về lĩnh vực dược phẩm, MWG cho rằng, đây là thị trường tiềm năng khi chưa có chuỗi cửa hàng nào chiếm đến 20% thị phần.

Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 2 năm đầu tư vào chuỗi nhà thuốc An Khang, hệ thống vẫn chỉ mới có khoảng 20 điểm bán tại Tp. HCM. Trong khi đó, chuỗi cửa hàng này liên tục thua lỗ và đốt dần khoản đầu tư hàng chục tỷ đồng của MWG.

Chuỗi cửa hàng Nhà thuốc An Khang của Thế giới Di Động
Chuỗi cửa hàng Nhà thuốc An Khang của Thế giới Di Động

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 của MWG, trong 3 tháng đầu năm, chuỗi nhà thuốc An Khang lỗ 1,4 tỷ đồng. Dù ngành dược được cho rằng sẽ hưởng lợi trong dịch bệnh COVID-19, nhưng tình hình kinh doanh của chuỗi nhà thuốc này cũng không nhiều khả quan.

Lũy kế đến hết tháng 3/2020, tổng lỗ của chuỗi An Khang xấp xỉ 7 tỷ đồng. Như vậy, khoản đầu tư 62 tỷ đồng của Thế Giới Di Động tại chuỗi nhà thuốc An Khang chỉ còn lại 55 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Đức Tài, do quy định của pháp luật về việc kinh doanh nhà thuốc còn chưa rõ ràng, hoàn thiện nên doanh nghiệp chưa sẵn sàng đầu tư lớn vào chuỗi nhà thuốc.

"Chúng tôi vẫn đang chờ để cho luật pháp rõ ràng. Nếu luật pháp làm ngon lành, ai cũng như ai được tự do kinh doanh thì Thế Giới Di Động sẵn sàng nhảy vào, bởi hiện nay dễ gây rủi ro lớn cho doanh nghiệp làm ăn bài bản" - Chủ tịch Nguyễn Đức Tài nói với cổ đông và khẳng định MWG không có chủ trương bán chuỗi này để kiếm lời./.