Thanh tra thi tốt nghiệp THPT tại Sơn La: 5 cán bộ đã sửa điểm thi, nhưng sai phạm “có khác với Hà Giang“

VietTimes -- Trưa 23/7/2018, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT đã chủ trì họp báo cùng ông Phạm Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La với nội dung về những dấu hiệu bất thường liên quan tới điểm thi tốt nghiệp THPT tại tỉnh này .
Rất đông báo chí đã dự cuộc họp báo trưa 23/7 về thanh tra kết quả thi THPT 2018 tại Sơn La. Ảnh: báo Tiền Phong
Rất đông báo chí đã dự cuộc họp báo trưa 23/7 về thanh tra kết quả thi THPT 2018 tại Sơn La. Ảnh: báo Tiền Phong

Tiếp sau vụ sai phạm về điểm thi tốt nghiệp THPT tại tỉnh Hà Giang bị phát giác, Bộ GD-ĐT đã cho thanh tra tại tỉnh Sơn La do kết quả thi tại đây cũng có những dấu hiệu bất thường.

Bằng các nghiệp vụ, tổ công tác phát hiện nhiều sai phạm như: Có hiện tượng sao dữ liệu ảnh bài thi dữ liệu ảnh ra khỏi phòng thi; Tổ chức khu vực chấm thi lỏng lẻo, không có niêm phong, các  thùng phiếu trả lời trắc nghiệm không bảo quản đúng quy định; Máy tính chấm trắc nghiệm không được niêm phong.

Qua thẩm định, tổ công tác  của Bộ GD-ĐT phát hiện nhiều bài Ngữ văn được nâng điểm; riêng bài trắc nghiệm có dấu hiệu tẩy xóa. 5 cán bộ, trong đó có Phó Giám đốc Sở GD-ĐTSơn La, thực hiện hành vi gian lận này.

Căn cứ thực tế, tổ công tác đã tiến hành đối chiếu bài thi môn ngữ văn: cơ bản có sự giống nhau, có 17 bài có sự vênh nhau giữa bài thi và nhập điểm từ 0,25 đến 0,2 điểm. Vì vậy, tổ công tác yêu cầu cập nhật lại điểm cho thí sinh.

Qua chấm thẩm định: Hội đồng chấm thẩm định 110 bài thi môn ngữ văn có dấu hiệu bất thường, kết quả có 12 bài chấm thấp hơn so với lần đầu, trong đó có 1 bài thấp hơn 4,5 điểm.

"Tất cả những trường hợp vi phạm khi đã đủ chứng cứ phải xử lý theo quy chế, còn phức tạp hơn là theo quy định hiện hành. Khi chưa có chứng cứ đầy đủ, được phản ánh cơ quan chức năng sẽ có nhiệm vụ xác minh.

Hiện nay có 5 đồng chí có liên quan, có dấu hiệu sửa bài thi. Khi có kết quả điều tra thì chúng ta kiên quyết xử lý. Kỳ thi 2018 vẫn chưa kết thúc. Chúng tôi sẽ làm đến nơi đến chốn trả lại công bằng cho thí sinh." - Ông Mai Văn Trinh cho biết.

Ông Mai Văn Trinh: Tính chất sai phạm trong thi THPT của Sơn La và Hà Giang có khác nhau. Ảnh: báo Tiền Phong
 Ông Mai Văn Trinh: Tính chất sai phạm trong thi THPT của Sơn La và Hà Giang có khác nhau. Ảnh: báo Tiền Phong

Ông Phạm Văn Thủy cho hay: Trách nhiệm của địa phương là chỉ đạo làm theo đúng quy định. Trước hết, chúng tôi sẽ chỉ đạo Sở GD-ĐT và các ngành liên quan xử lý triệt để kết luận của tổ công tác Bộ GD-ĐT. Quan điểm không bao che, lỗi đến đâu, xử lý đến đó. Giải pháp thời gian tới: khắc phục kịp thời kiên quyết những thiếu sót mà đoàn công tác chỉ ra. Xử lý những thiếu sót đó. Xử lý những cá nhân có liên quan. Chúng tôi cũng rút kinh nghiệm sâu sắc về đợt thi vừa qua.

Ông Mai Văn Trinh bổ sung: Tính chất của Sơn La và Hà Giang có khác nhau. Tôi đã nói là vi phạm nghiêm trọng. Vì vậy nên vẫn tiếp tục xác minh làm rõ.

Cũng theo ông Mai Văn Trinh Sau khi xác minh thì thấy vượt quá khả năng của tổ công tác nên vẫn đang làm tiếp. Chưa đưa được số liệu bao nhiêu bài thi trắc nghiệm bị can thiệp.

Còn ông Phạm Văn Thủy cho rằng: Không ai vui gì khi sự việc xảy ra. Về trách nhiệm như chúng tôi đã nói ban đầu là chúng tôi cầu thị. Sai đến đâu sửa đến đó, sai từ ủy ban tỉnh sửa từ ủy ban, cá nhân tôi trách nhiệm đến đâu chịu đến đó.

Trước đó, chiều 19/7, Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La khẳng định toàn bộ quy trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại cụm Sơn La được thực hiện "rất nghiêm ngặt, không hề có tiêu cực". Tuy nhiên, ông này đã vắng mặt tại buổi họp báo. 

Trước câu hỏi có xem xét lại kỳ thi này không?, Ông Mai Văn Trinh cho biết không đặt vấn đề xem xét lại kỳ thi. Kỳ thi THPT quốc gia 2018 có sai phạm và sẽ xử lý. Không riêng gì kỳ thi THPT quốc gia, các kỳ thi khác cũng phải nghiêm túc. "Những kỳ thi tới, chúng tôi sẽ điều chỉnh quy chế để giảm thiểu những sai phạm." - Ông Mai Văn Trinh nói.

Sai phạm của Hà Giang hay Sơn La không thể là đại diện cho 63 tỉnh thành. Không thể vì sai phạm đó mà chùn bước. Trách nhiệm của nhà quản lý phải nhìn được nguyên nhân của sai phạm để tham mưu, chỉnh sửa.

Về thanh tra cắm chốt, ông Tống Duy Hiến - Phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết: Bộ điều hai thanh tra cắm chốt từ trường ĐH Xây dựng Hà Nội tham gia vào tất cả các khâu của chấm thi. Thực hiện thanh tra trực tiếp chấm thi trắc nghiệm là của Sở GD-ĐT. Khi làm, chúng tôi đã yêu các đồng chí thanh tra giải trình quá trình nhiệm vụ. Chúng tôi chưa xác minh được sai phạm của thanh tra cắm chốt. Vấn đề này vượt quá vai trò của thanh tra cắm chốt.