Chị H. cho rằng bác sĩ của Bệnh viện FV kê sai đơn thuốc khiến vết bỏng của con trai chị trở nặng - Ảnh: Chị H. cung cấp |
Sáng 15-3, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM -cho biết thanh tra Sở đã ghi nhận vụ việc này và đã có buổi làm việc với Bệnh viện FV.
Bệnh viện FV được yêu cầu báo cáo kết quả họp Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện; cách xử lý của Bệnh viện về việc này với thanh tra Sở Y tế.
Sau khi thanh tra Sở Y tế xem xét vụ việc, nếu người khiếu nại vẫn chưa hài lòng với cách giải quyết của bệnh viện thì sẽ lập hội đồng chuyên môn cao hơn là cấp Bộ Y tế để giải quyết.
Trước đó, chị H.A.H., 32 tuổi, trú ở quận 7, TP.HCM, đã gửi đơn khiếu nại vụ việc này đến Bộ Y tế, Sở Y tế TP. HCM với nội dung:
Ngày 14-5-2021 chị đến Bệnh viện FV (quận 7, TP.HCM) để theo dõi sinh. Chị H. được đặt thuốc giục sinh và được yêu cầu nằm chờ. "Sau đó, tôi bị chảy máu không ngớt và gục ngã trong nhà vệ sinh, nhưng trong suốt quá trình này, không có bác sĩ vào thăm khám. Đến hơn 1h sáng ngày 15-5, tôi gần như nghẹt thở, tim thai suy, bác sĩ thấy tình hình nguy cấp nên đưa tôi đi mổ đẻ cấp cứu", chị H. kể và cho rằng chính sự chậm trễ của bác sĩ đã làm chị rơi vào tình trạng nguy kịch, suýt tử vong.
Vào ngày 31-12-2021, tức 6 tháng sau, chị H. và chồng chị tiếp tục đưa con trai đến phòng cấp cứu Bệnh viện FV để điều chị bỏng bàn tay trái cho bé. Tuy nhiên chị H. cho rằng bác sĩ Bệnh viện FV tiếp tục kê sai đơn thuốc khiến vết bỏng của con trai chị trở nặng.
“Con tôi bị bỏng là tình huống cấp cứu nhưng nhân viên y tế bắt chờ suốt 1 giờ, bác sĩ thì đi mở sách cẩm nang y khoa để trị bỏng cho bé. Thuốc họ kê bị sai đã khiến con tôi sau khi về nhà bị nôn ói, viêm dạ dày cấp tính phải chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng điều trị. Một sự cố đơn lẻ tôi và gia đình có thể bỏ qua nhưng mẹ con tôi đã cùng lúc bị 2 tai biến vì sự tắc trách của bệnh viện thì không thể chấp nhận được” – chị H. nói.
Về phía Bệnh viện FV, đã có thông báo chính thức về sự việc này. Theo đó, các bác sĩ không vi phạm quy định trong khám chữa bệnh, không có sai sót chuyên môn.
Bệnh viện cho biết, chỉ định khởi phát chuyển dạ theo yêu cầu bệnh nhân ở sau tuần thai thứ 39 là phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19. Bác sĩ đã chỉ định mổ lấy thai kịp thời. Bệnh viện FV đã kịp thời xử lý băng huyết sau sinh phù hợp đối với bệnh nhân. Đây là một biến chứng có thể xảy ra ở bất cứ ca sinh nở nào và cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu ngay cả ở các nước phát triển. Bác sĩ đã theo dõi hậu sản 2 tháng sau sinh và bệnh nhân hoàn toàn bình phục.
Còn về trường hợp vết bỏng bàn tay của con chị H, Bệnh viện cho biết, thuốc Alphachymotrypsine được kê toa để giảm viêm, vì vậy việc kê toa thuốc này để điều trị vết bỏng độ 2 không phải là một sai sót, mặc dù hiệu quả của nó có thể thấp. Thuốc này hoàn toàn không chống chỉ định ở trẻ em và chưa bao giờ là nguyên nhân của vấn đề nôn ói hoặc loét dạ dày.