Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn vừa ban hành Thông báo số 3958/TP-TTCP, thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác giao đất, giao rừng trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2008 – 2013.
Thông báo này đã nêu rõ nhiều sai phạm có liên quan đến việc việc quản lý và sử dụng đất đai tại Bình Phước.
Cụ thể gồm, trong tổng số 8 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh Bình Phước đã chia nhỏ 4 KCN thành 15 KCN, nhưng không báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý trước khi thực hiện.
Có 2 KCN (diện tích 5.099 ha) không có trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng lại được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết, đến thời điểm thanh tra cả 2 KCN này chưa được triển khai thực hiện, trong đó đã thu hồi chủ trương đầu tư 1 KCN.
Trong số 17 cụm công nghiệp (CCN), với tổng diện tích 525 ha được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có 13 CCN (diện tích 438 ha) chưa được triển khai thực hiện; 3 khu dân cư thương mại với diện tích 180,98 ha triển khai thực hiện trước, sau đó mới được bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 2011 – 2015. Trách nhiệm thuộc về UBND các huyện, thị xã, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Bình Phước.
Đồng thời, kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ, việc quản lý, sử dụng quỹ đất tách khỏi lâm phần sau khi rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng là chưa chặt chẽ, chủ trương chính sách thiếu nhất quán và có nội dung chưa đúng quy định của luật pháp, dẫn đến nhiều hộ dân không đồng thuận và không thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý về đất đai...
Trong diện tích đất do Tổng công ty Cao su Việt Nam giao về địa phương quản lý, UBND tỉnh Bình Phước đã bố trí sử dụng 638 ha ngoài mục đích phát triển công nghiệp và khu dân cư, không đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; giao đất cho các tổ chức kinh tế thực hiện 11 dự án đô thị khu dân cư không qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Miễn giảm tiền sử dụng đất không đúng cho 3 khu dân cư của CTCP Đại Nam, CTCP Đầu tư kinh doanh nhà Bình Phước và CTCP Quang Minh Tiến với tổng số tiền hơn 13,6 tỷ đồng.
Thu hồi đất của các dự án đầu tư có sai phạm, thu hồi đất rừng bị lấn chiếm và thu hồi đất giao khoán sai đối tượng thiếu đồng bộ, nhất quán và chưa kiên quyết, thiếu sự chuẩn bị, chưa quan tâm đúng mức đến nhu cầu và năng lực đầu tư của tổ chức....
Trong số 27 dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh có 14 dự án đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 79ha nhưng chưa thực hiện các thủ tục pháp lý về thuê đất, không đúng theo các quy định của pháp luật.
Công tác quản lý bảo vệ rừng còn yếu kém, dấn đến nhiều diện tích rừng bị phá, lấn chiếm kéo dài trong nhiều năm, trách nhiệm thuộc về các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, UBND tỉnh Bình Phước, các huyện và sở ngành có liên quan.
Theo Bizlive