Vừa lọt lòng đã nộp quỹ họp dân
Trong thông báo của các thôn ở xã Minh Lộc ghi rất rõ với nội dung: “Thông báo công khai về việc thu tiền nhân dân đóng góp phục vụ phong trào văn hóa xã hội, thanh thiếu niên, vui trại hè bóng đá hằng năm với các mục thu: Thu quỹ thiếu niên, bóng đá là 30.000đ/khẩu/năm, phúc lợi xã hội 20.000đ/khẩu/năm, quỹ thôn làng văn hóa 20.000đ/khẩu/năm, quỹ khuyến học 10.000đ/khẩu/năm, quỹ họp dân là 50.000đ/hộ/năm”.
Hộ ông Nguyễn Lợi Thành thôn Hợp Minh có 6 khẩu, tổng số tiền phải nộp là 540.000đ. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Lợi Thành nói: “Khi nhận được thông báo tôi rất bức xúc, mọi năm các khoản thu thiếu nhi có 10 - 20 nghìn đồng nhưng năm nay tăng lên đến 30 nghìn đồng. Với 6 khẩu trong gia đình thì số tiền đóng góp ở thôn năm nay cao gần gấp đôi so với xã năm 2015”.
Bức xúc hơn, trẻ em vừa mới lọt lòng, cứ đi đăng ký khai sinh, có tên trong hộ khẩu là phải nộp phí như người lớn. Chị Lê Thị Diệu Huyền, thôn Hợp Minh sinh cháu Nguyễn Lê Phương Nhi mới được 9 tháng tuổi nhưng năm nay cháu Nhi cũng phải “cõng” khoản phí 80.000đ như bố, mẹ, ông bà… Tất cả các cháu nhỏ trong xã đều như vậy.
Nhiều người không biết thôn thu như thế nhưng chi như thế nào. “Tôi thấy họ thu quỹ thiếu niên, bóng đá 30.000đ/khẩu/năm vậy nhưng cứ đến mỗi mùa hè cắm trại hay tổ chức giải bóng đá cho các cháu là họ lại thành lập đoàn đi vận động kinh phí. Tôi chẳng biết họ chi vào cái gì” - một người dân xin giấu tên (vì sợ bị gây khó dễ), nói.
Về khoản thu có tên “phúc lợi xã hội” 20.000đ/khẩu/năm, nhiều người không hiểu là chi vào cái gì. Đem những thắc mắc của dân đến trao đổi với ông Hoàng Đình Bảo - Bí thư Chi bộ thôn Minh Hợp, ông Bảo cho hay việc thu này đã được sự đồng ý của xã, còn bà con nào chưa đồng ý chẳng qua họ “không đi họp” và “nhà báo muốn biết rõ đi mà hỏi cấp trên”.
Tự nguyện nhưng… không nộp không xong
Thực tế, theo tinh thần chỉ thị số 24 ngày 1.11.2007 của Chính phủ thì các khoản đóng góp của nhân dân, nếu có đóng góp thì sẽ dựa trên nguyên tắc tự nguyện, không mang tính ép buộc. Nhưng trong văn bản thông báo của các thôn ở xã Minh Lộc ghi rất rõ: “Yêu cầu ông bà chuẩn bị đủ số tiền trên về giao nộp cho thôn đúng thời gian bắt đầu từ ngày
28.6.2016”. Nếu hộ nào chưa nộp đủ tiền đúng lịch sẽ bị bêu tên hằng ngày trên loa phóng thanh và doạ bị cắt điện. Theo phản ánh của nhân dân, mỗi khi đi xin dấu, câu đầu tiên cán bộ xã hỏi là đã đóng hết tiền chưa, nếu chưa sẽ bị gây khó dễ.
Xã Minh Lộc có 2.900 hộ với hơn 14.000 khẩu thì riêng một năm, số tiền mà người dân đóng góp phục vụ quỹ ở thôn lên đến hàng tỉ đồng. Đây là một con số không hề nhỏ với xã nghèo chỉ để phục vụ cho các phong trào đoàn thể.
Không chỉ thôn tự đặt ra các khoản thu mà năm nào thôn thu xong đến lượt xã. Cụ thể, năm 2015 trở về trước, sau khi thôn thu đủ các loại phí trên trời kể trên, xã lại ra thông báo chỉ tiêu các khoản thu. Năm 2016 thu đóng góp như: Quỹ đền ơn đáp nghĩa 7.000đ/lao động/năm; Quỹ bảo trợ trẻ em: 5.000đ/hộ/năm; Quỹ chăm sóc người cao tuổi: 10.000đ/lao động/năm; Quỹ an ninh - quốc phòng: 40.000đ/hộ/năm; Quỹ phòng, chống thiên tai: 15.000đ/lao động/năm… Năm 2016, xã cũng đang chuẩn bị ra thông báo.
Các khoản thu của thôn, của xã khiến người dân vùng bãi ngang vốn nghèo khó càng thêm xây xẩm mặt mày.
Gấp sách, đè dân để thu
Từ ngày 16.7.2009, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành chỉ thị số 19/CT-UBND chấn chỉnh việc thu các khoản đóng góp mang tính tự nguyện nhưng lại quy định mang tính bắt buộc; đã chỉ đạo “dừng ngay việc huy động đóng góp các quỹ đã được bãi bỏ như: Quỹ lao động công ích; Quỹ phòng, chống bão lụt…” vậy nhưng ở Hậu Lộc, cán bộ xã, thôn vẫn gấp sách đè dân ra để thu cho bằng được các khoản phí trên trời.
Trao đổi với PV, ông Vũ Huy Bổ - Chủ tịch UBND xã Minh Lộc thừa nhận rằng: “Các khoản thu ở thôn là có, vấn đề này đã được các thôn gửi lên báo cáo và UBND xã đồng ý với mức thu trên dựa trên thực tế từng thôn”.
Ông Lê Duy Hưng - Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch cho biết: “Huyện không đồng tình với việc huy động các cháu đóng góp như vậy”.
Thực tế thì huyện Hậu Lộc hầu như năm nào cũng ban hành văn bản chấn chỉnh việc lạm thu ở nông thôn. Tuy nhiên, việc ban hành văn bản chỉ là một cách thực hiện chỉ đạo của tỉnh, còn thực tế, xã, thôn vẫn thu.
Theo Lao Động