Tất cả chúng ta đều dính “quả lừa” này hàng ngày mà không hay biết

 Hầu hết mọi người không đủ kiên nhẫn để đợi vài giây cho cửa thang máy tự đóng, do đó, họ thường ấn nút “đóng” để hi vọng đẩy nhanh mọi việc. 
Ấn nút “đóng” không giúp cửa thang máy đóng nhanh hơn (Ảnh: Shutterstock)
Ấn nút “đóng” không giúp cửa thang máy đóng nhanh hơn (Ảnh: Shutterstock)

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho biết nút “đóng” này đã lỗi thời từ những năm 1990 và đây hoàn toàn là nút giả, không giúp cho cửa thang máy đóng nhanh hơn.

Các chuyên gia tiết lộ thêm rằng rất nhiều nút trên thế giới không hoạt động giống như tên gọi của nó, mà chỉ để giúp người dùng có cảm giác kiểm soát được mọi việc.

Theo quy định về người tàn tật của Mỹ thông qua năm 1990, cửa thang máy phải mở đủ lâu để người khuyết tật có thể kịp vào bên trong, giám đốc điều hành Liên hợp Công nghiệp Thang máy Quốc gia Karen W. Penafiel cho biết.

Mặc dù nút “đóng” này hoàn toàn vô ích với người dùng nhưng nó thực hiện đúng chức năng đóng cửa nhanh với lính cứu hỏa và nhân viên bảo trì – trong trường hợp có mã hoặc chìa khóa.

Bà Penafiel giải thích rằng tuổi thọ của thang máy vào khoảng 25 năm, sẽ là tốt hơn nếu không có nút “đóng” – nhưng vẫn có nút “mở” hoạt động đúng chức năng.

Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng các nút giả trong thang máy hay nhiều thiết bị khác có những lý do rất chính đáng để tồn tại.

“Kiểm soát nhận thức là điều rất quan trọng,” giáo sư tâm lý học Đại học Harvard Elle J. Langer, người đang nghiên cứu về ảo tưởng kiểm soát, cho biết. “Nó làm giảm căng thẳng và thúc đẩy hạnh phúc.”

Một chuyên gia khác, giáo sư tâm lý học Đại học Drexel John Kounios, đồng ý rằng các nút giả tăng ảo tưởng kiểm soát. Nếu không có nó, nhiều người cảm thấy thiếu kiểm soát và dẫn tới trầm cảm.

Những người không biết về các nút giả sẽ vẫn tiếp tục ấn nó bởi cánh cửa cuối cùng cũng đóng thật và đó là điều họ muốn.

Không chỉ nút “đóng”, nhiều nút khác quen thuộc thật ra cũng là giả như nút điều chỉnh nhiệt độ ở văn phòng hay nút ấn xin đi bộ qua đường.

Theo Vntinnhanh.vn