Hai bộ não thì lúc nào cũng hơn một, và khi một bộ não được kết nối với hàng triệu bộ não khác thì lúc đó bạn là siêu nhân.
Đây là mục tiêu mà rất nhiều các công ty lớn đang chạy đua để đạt được, nhằm kết nối trí nhớ của người với máy móc bằng thông qua một cái gọi là giao diện não bộ -máy tính. Bộ não người - máy tính sẽ mở đường cho người đó liên kết một cách liên tục, tức thời, với bất cứ ai, bất cứ điều gì mà họ muốn.
Cho đến nay, đã có hai nhân vật nổi tiếng công khai hướng đến cuộc đua này, đó là tỷ phú công nghệ Elon Musk và ông chủ Facebook Mark Zuckerberg. Các dự án bí mật của họ có tên là Neuralink và Building 8 đang tập trung vào các phương pháp đòi hỏi phải mổ não.
Nhưng vẫn có một phương pháp ít tham vọng và đỡ nguy hiểm hơn để giải quyết vấn đề giao diện não người - máy tính. Phương pháp này liên quan đến việc chuyển từ sóng não sang các lệnh đơn giản để ứng dụng hoặc thiết bị điện tử xử lý được. Một công ty khởi nghiệp có tên là Nuro đang tiến bước theo hướng này. Công ty Nuro hy vọng rằng nền tảng phần mềm của họ có thể tạo ra khả năng kết nối liên lạc trở lại với những người bị mất trí nhớ do bị tai nạn hay bệnh nặng.
Các nhà nghiên cứu cho biết phương pháp này đơn giản hơn các phương pháp phẫu thuật khác, nhưng lại dễ ứng dụng vào thực tế hơn.
Nếu như sản phẩm của Nuro thành công trên thị trường ban đầu của họ, thì công ty này sẽ lên kế hoạch mở rộng công nghệ và thử nghiệm rộng hơn trên ô tô hay trong các hộ gia đình. Từ đó, công ty có thể định hình nên nền tảng tương lai công nghệ kết nối giữa máy tính và bộ não người.
Biểu đạt suy nghĩ trên máy tính
Tháng 4/2018, lần đầu tiên Nuro đã công bố một phiên bản phần mềm của họ có tên Nuos, được thiết kế để tạo ra giọng nói cho những người đã phải trải qua các chấn thương tủy sống hoặc những căn bệnh nặng khác làm cho họ không thể nói được như bình thường.
Ông Francois Gand, CEO và là nhà sáng lập Nuro cho biết công ty đang phát triển một hệ thống để sử dụng trong bệnh viện hoặc các trung tâm chăm sóc sức khỏe đặc biệt. Hệ thống này cho phép những bệnh nhân “bị liệt toàn thân” thực hiện các yêu cầu đơn giản như là yêu cầu lấy cốc nước uống hoặc phát nhạc trên chiếc loa thông minh Amazon Echo.
Ông Gand đã chạy thử nghiệm công cụ này ít nhất là trên một bệnh nhân bị rối loạn cuống não nghiêm trọng và đã chứng minh được mức độ người dùng sản phẩm của Nuro có thể tương tác với công nghệ thông qua một chiếc tablet. Màn hình chiếc tablet được chia thành các ô mục với các biểu tượng và các thông điệp đã được viết sẵn hiển thị các lệnh cơ bản như là “Tôi cần nước uống” hoặc “Tôi cảm thấy lạnh”. Bằng cách tập trung vào một biểu tượng hay một dòng lệnh đã có sẵn, người dùng có thể lựa chọn ô mục đó.
Đây cũng là ý tưởng đã được sử dụng trong neurofeedback, một ứng dụng trong đó con người sử dụng các hiển thị hoạt động não ở thời gian thực để thực hiện các lệnh như là chơi game thông thường nhằm điều chỉnh sóng não của họ tốt hơn.
Người dùng ứng dụng Nuos thậm chí có thể sử dụng kỹ năng này để viết các tin nhắn thông thường bằng cách sử dụng bàn phím trên màn hình.
Một hệ điều hành OS để chạy trên sóng não
Các giao diện máy tính được điều khiển bằng sóng não cũng không phải là hoàn toàn mới.
Nhà vật lý Stephen Hawking (Ảnh Flickr)
|
Trước khi nhà vật lý Stephen Hawking để lại phần cài đặt Intel mà ông đã sử dụng rất nhiều để liên lạc, ông cũng đã thử nghiệm rất nhiều “cap” (lập kế hoạch bằng máy tính) dựa trên công nghệ EEG (điện não đồ). Nhưng vì điều kiện tuổi tác và bệnh tật nặng, nên các cap này không đủ mạnh để tín hiệu não hoạt động trơn tru.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng các công nghệ EEG có rất nhiều tiềm năng để giúp hàng ngàn người khuyết tật. Theo số liệu của Tổ Chức Y tế Thế giới, mỗi năm, có khoảng nửa triệu người trên toàn cầu bị chấn thương tủy sống. Các tác giả trong một bài báo khoa học xuất bản năm 2018 trên tạp chí chuyên ngành Frontiers in Human Neuroscience đã gọi việc sử dụng công nghệ EEG cho những người khuyết tật là “một phương pháp mới của thế kỷ 21”.
“Sự phát triển của công nghệ não người - máy tính không thay thế nhưng giúp bổ sung các phương pháp điều trị hiện nay là một lĩnh vực đầy tiềm năng”, bài báo cho biết.
Công nghệ của Nuro – về cơ bản đây là một hệ điều hành chạy trên sóng não – không chỉ ứng dụng trong bệnh viện mà còn được sử dụng ở nhà hay trên xe của người dân. Đây chính là điểm đang thu hút sự quan tâm của các nhà sản xuất ô tô. Tháng 1/2018, tập đoàn sản xuất ô tô Nissan cho biết họ đang nghiên cứu việc hỗ trợ lái xe tránh được các va chạm bằng cách sử dụng dữ liệu EEG.
“Về cơ bản, chúng tôi là một công ty OS”, ông Gand nói.
Các nhà đầu tư cũng đang thấy được tiềm năng phát triển của Nuro. Đội ngũ phát triển của công ty ở Waterloo, Canada và San Francisco, California, Mỹ, đã được Google tài trợ 100.000 USD để phát triển một phần trong hệ thống của họ trên nền tảng Google Cloud. Nuro gần đây cũng nhận được 250.000 USD kinh phí ban đầu từ IndieBio, một tập đoàn về công nghệ sinh hóa ở thung lũng Silicon, và 40.000 USD từ Waterloo Accelerator Centre, trung tâm khởi nghiệp Canada. Và họ cũng đã giành chiến thắng trong hai cuộc thi MIT (Hacking Medicine và MIT Barracuda Bowl) tại Bắc Mỹ với số tiền thưởng là 7.500 USD.
Bà Karen Moxon, người đang điều hành một phòng thí nghiệm chuyên về các giao diện não người - máy tính tại đại học California cho tờ Business Insider biết bà hoàn toàn không bất ngờ với tầm nhìn của ông Gand. Một giao diện ít mang tính xâm nhập và thân thiện với người dùng là lĩnh vực đầy tiềm năng cho những tiến bộ công nghệ trong tương lai.
Nhưng bà Moxon cũng thể hiện sự quan ngại đối với một số thách thức về mặt công nghệ và tài chính mà ông Gand phải đối mặt, như vấn đề làm sao để huy động và kiếm đủ tiền thực hiện dự án trong dài hạn.
“Có rất nhiều người có thể làm tốt việc này – nhưng chỉ là trong phòng thí nghiệm. Để có thể thực hiện điều đó không phải là điều gì đáng ngạc nhiên; nhưng đưa nó vào một công ty có đủ năng lực tài chính để thực hiện lại là chuyện khác”, bà nói.
Cuộc đua trí tuệ siêu việt: Neuralink và Facebook đang ở đâu?
Tỷ phú công nghệ Elon Musk (Ảnh Reuters)
|
Bởi các loại smartphone ngày càng nhỏ và hiện đại, nên chúng ta ngày càng phụ thuộc vào nó. Các thiết bị được đặt vào trong cơ thể và trong não ta là một bước đi hợp lý tiếp theo.
Năm ngoái, ông Zuckerberg đã nói rằng Facebook đang nghiên cứu về công nghệ giao diện não người - máy tính mà “một ngày nào đó công nghệ này sẽ cho phép con người thông tin liên lạc với nhau chỉ bằng cách sử dụng ý nghĩ, trí nhớ”.
Dù giao diện não người – máy tính có chạy trên nền tảng công nghệ EEG hay bất cứ nền tảng nào khó truy cập hơn đi nữa, thì công ty đầu tiên đạt được công nghệ này sẽ cầm chắc ưu thế để phát triển thần kỳ trong hàng thập kỷ tới.
“Chỉ cần có khả năng liên lạc với tốc độ một BCI (giao diện não người – máy tính) mà không cần nói thành tiếng hay đánh máy sẽ có một ảnh hưởng cực lớn. Một cuộc đua phát triển trí tuệ siêu việt trong đó người giành chiến thắng sẽ có một vị thế tối cao”, một cựu nhân viên giấu tên làm việc cho dự án Neuralink cho tờ Business Insider biết.
Tỷ phú Musk và Zuckerberg đều giữ kín tuyệt đối các chi tiết về sự tiến bộ của họ trong việc phát triển bộ não siêu việt.
Nhưng cũng đã xuất hiện một số thông tin về những gì mà các dự án của hai nhân vật này đã đạt được. Một số cựu nhân viên làm việc cho dự án Neuralink cho tờ Business Insider biết rằng họ đã tham gia phát triển các con chip siêu nhỏ và các thiết bị điện tử rất nhỏ để thử nghiệm trên động vật. Họ cho biết những người tham gia dự án Neuralink thường xuyên tương tác với những người nghiên cứu các đối tượng là động vật.
Andy Fell, giám đốc thông tin liên lạc tại đại học California, xác nhận với tờ Business Insider rằng rất nhiều nhân viên làm việc ở trường đại học này đang tích cực tham gia vào Neuralink về các dự án nghiên cứu trên chuột.
Trong khi đó, Facebook vẫn chưa có kế hoạch nào để mở một cơ sở thí nghiệm trên động vật ở California, theo Cơ quan quản lý Y tế California cho biết.
Dựa trên thực tế là chúng ta đang biết quá ít về bộ não của mình, các chuyên gia cho biết chưa thể có một BCI mang tính xâm nhập, phẫu thuật để áp dụng trên người trong vài năm tới.
Nuro đang ở đâu?
“Chúng tôi muốn đảm bảo càng an toàn càng tốt. Chúng tôi đang ưu tiên nghiêng về phương án không mổ não. Một số người có thể hỏi ‘liệu có phải chúng ta đang truy cập vào bộ não của mình’? Thực hiện điều này theo phương pháp an toàn, không phải mổ não là một vấn đề”, ông Gand nói.
Từ bệnh viện đến hộ gia đình: đưa các ứng dụng vào hệ sinh thái Nuro
Ảnh minh họa (Shutterstock)
|
Ngoài khả năng cho phép các bệnh nhân bị chết não có thể liên lạc được, hệ thống Nuro của ông Gand còn được cài đặt để cho phép các bác sỹ và các chuyên gia điều trị có thể truy cập vào một giao diện riêng để từ đó người dùng nhìn thấy. Như vậy sẽ tạo điều kiện cho việc theo dõi từ xa những người bị chấn thương nghiêm trọng hoặc những người có nguy cơ bị đột quỵ.
Phần mềm này cũng có khả năng thu thập một cách thụ động các dữ liệu về hoạt động của não, trong đó có nhiều mức độ sóng não khác nhau liên quan đến trạng thái tỉnh và ngủ của con người.
Do đó, hệ thống Nuro có thể phát hiện các dạng khác thường của hoạt tính sóng não, liên kết các dạng biểu đồ từ sóng não của những người có nguy cơ bị các vấn đề về thần kinh như là đột quỵ, ông Gand nói. Các chuyên gia y tế theo dõi tình trạng này từ xa có thể sử dụng các hình ảnh quan sát được để đưa ra các quyết định yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp.
Nhưng ông Gand hy vọng rằng nếu như hệ thống OS của ông được ứng dụng không chỉ trong các cơ sở y tế, thì những người sử dụng Nuro trong nhà mình sẽ được truy cập vào một phạm vi các hoạt động thực hiện nhờ EEG rộng hơn so với những người trong bệnh viện.
Những người dùng sản phẩm ở nhà có thể thấy được các tính năng được thiết kế để đẩy nhanh quá trình xử lý liên lạc. Trong tương lai, ông Gand cũng hướng tầm nhìn đến các nhà phát triển nhằm tạo ra các phiên bản ứng dụng của họ có tính tương thích với hệ sinh thái Nuro, giống như những ứng dụng hiện nay trên hệ điều hành Android hay iOS.
“Chúng tôi có thể mang lại cho bạn khả năng điều khiểu ứng dụng của mình bằng thần kinh”, ông Gand nói.