Theo ông Trần Xuân Hà, Thành phố đã cho chỉ đạo tạm dừng triển khai dự án xây dựng TTTM tại bãi đỗ xe chợ Nành (do Công ty Vĩnh Phát đầu tư theo hình thức xã hội hoá) để làm rõ một số nội dung liên quan. Đáng chú ý, theo ông Hà, Thành phố sẽ xử lý nghiêm những người cố tình gây mất trật tự an ninh ở địa phương.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tới đây Hà Nội có tiến hành rà soát, hoãn hoặc tạm dừng việc xã hội hoá đầu tư các TTTM hay không khi vừa qua nhiều TTTM xây mới nhưng hoạt động không hiệu quả, ông Trần Ngọc Nam, Phó giám đốc Sở KHĐT Hà Nội cho hay, việc xã hội hoá đầu tư xây dựng các TTTM là chủ trương rất lớn trong thu hút đầu tư, tận dụng nguồn vốn của xã hội.
Tuy nhiên, ông Nam cũng thừa nhận, một số TTTM xây dựng theo phương án xã hội hoá như chợ Hàng Da, Cửa Nam… đã nhận được rất nhiều đơn thư, kiến nghị khi triển khai. Khi xây xong thì hiệu quả không cao, không ai vào.
Theo ông Nam, cách đây 3-4 năm, HĐND thành phố Hà Nội cũng đã có cảnh báo về việc này. Hiện, Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương nghiên cứu, thiết kế mô hình chợ kết hợp TTTM. Tuy nhiên, đến nay mô hình này vẫn chưa có nên Hà Nội chưa thực hiện tiếp các dự án chợ truyền thống chuyển đổi theo mô hình chợ - TTTM.
“Nếu như đã xây dựng chợ, TTTM rồi mà không hiệu quả thì không sửa sai được, do đó, chủ trương trong xã hội hóa xây TTTM là không được nóng vội”, ông Hà nói.
Dẫn chứng dự án xây dựng TTTM Xuân La (nay thuộc Bắc Từ Liêm) cách đây 4 năm, ông Nam cho biết, trước đó, khu đất này là chợ dân sinh, có tập đoàn xin làm TTTM, qua tiếp thu nhiều ý kiến nên đã dừng và thực hiện chợ dân sinh.
“Việc này đã có rà soát, kiểm tra và Sở đã có tham mưu với UBND TP, và bây giờ cũng đã có những dự án đã dừng lại”, ông Nam nói.
Trước đó, báo cáo về tình hình ANTT trên địa bàn xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Phó Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Việt cho biết, trong những ngày vừa qua, một bộ phận nhân dân và một số hộ kinh doanh ở chợ Nành, xã Ninh Hiệp tập trung đông người tại Trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND xã Ninh Hiệp và khu vực xung quanh chợ Nành khiếu nại, yêu cầu Chủ đầu tư không triển khai thi công công trình xây dựng Chợ và Trung tâm thương mại tổng hợp.
Theo đó, trong các ngày từ 13 đến 21/12, xuất hiện hiện tượng người dân phản đối xây Chợ - Trung tâm thương mại rất quyết liệt, với các hình thức như: đưa quan tài, vòng hoa, bàn thờ, đồ mã, di ảnh liệt sĩ… gây áp lực, gây khó khăn không cho Chủ đầu tư làm Lễ khởi công dự án. Hàng chục phụ nữ và trẻ em cũng kéo đến trụ sở UBND xã Ninh Hiệp và nhà riêng Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp hoặc mang theo băng rôn... kéo sang Trụ sở UBND TP Hà Nội yêu cầu hủy bỏ dự án.
Đáng chú ý, ngày 21/12, có 2.316 học sinh bỏ học không đến trường, trong đó có khoảng 400 học sinh trường TH và THCS xã Ninh Hiệp đã tham gia cùng cha mẹ tập trung tại bãi xe và trước cổng trường rồi kéo về trụ sở UBND xã Ninh Hiệp mang theo cờ, trống, chiêng hô hào yêu cầu chính quyền hủy bỏ dự án.
Ngày 22/12, chủ đầu tư dự án đã tạm dừng khởi công trình để đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Hiện nay, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành các Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo và Tổ công tác tập trung giải quyết tình hình khiếu kiện đông người nói trên, họp phân công nhiệm vụ các thành viên và triển khai thực hiện đảm bảo ổn định an ninh trật tự trên địa bàn và tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Trong những năm qua, việc phá chợ truyền thống để xây trung tâm thương mại đã gặp nhiều phản ứng của người dân và các tiểu thương. Trên thực tế, những trung tâm thương mại được xây lên cũng đã cho thấy nhiều tồn tại, hoạt động thiếu hiệu quả, gây phát sinh nhiều chợ cóc, buôn bán vỉa hè... Đặc biệt, hoạt động "chợ" trong các trung tâm thương mại này rất èo uột, thậm chí là "chết" hẳn như: chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam, chợ Ô Chợ Dừa...
Theo VnMedia