Công bằng mà nói, chẳng cứ gì ông Trịnh Xuân Thanh, nhiều cán bộ mỗi khi bị cơ quan điều tra hoặc tòa án triệu tập đều có “lý do chính đáng” là đang nằm viện hoặc đi chữa bệnh! Có lần nguyên chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã phải thốt lên rằng: “Tại sao tham nhũng lại bị tâm thần nhiều thế!”.
Có lẽ ở nước ta câu thành ngữ “ốm tha, già thải” ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Trước đây, vào đầu những năm 1990, trong vụ án tham nhũng xảy ra ở Cục Dự trữ quốc gia, vai trò chính trong vụ án là ông T., phó cục trưởng, nhưng chẳng hiểu vì sao ông T. bị “tâm thần”, thế là vụ án bị “cắt khúc”.
Còn ở Tiền Giang, có ông Nguyễn Văn Nên - nguyên phó phòng cảnh sát điều tra công an tỉnh - sắp bị truy tố thì cũng bị tâm thần, phải tách ra không xử được.
Nhiều trường hợp chỉ vì người tham gia tố tụng “bị bệnh” mà gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng.
Trong vụ Lã Thị Kim Oanh, tòa định triệu tập nguyên một vị lãnh đạo cấp cao ra tòa với tư cách người làm chứng, nhưng mới nghe như vậy ông này đã phải “vào viện cấp cứu”.
Còn một ông nguyên là bộ trưởng bị truy tố trong vụ đại án Dương Chí Dũng chưa ra tòa thì đã cáo bệnh nên phải tách ra xử lý sau.
Gần đây, Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại TP Vũng Tàu, một số cán bộ có liên quan cũng “cáo bệnh” nên được tại ngoại.
Tình trạng cán bộ sai phạm cáo bệnh khá phổ biến hiện nay nhưng chưa có “thuốc” nào đặc trị.
Trong lúc Tổng bí thư chỉ đạo và Bộ Chính trị đang cho kiểm tra, làm rõ việc để xảy ra thua lỗ hơn 3.000 tỉ đồng ở Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí (PVC); Thủ tướng giao Bộ Công an và Thanh tra Chính phủ làm rõ những sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh thì ông này xin nghỉ phép để “trị bệnh”!
Không biết công tác quản lý cán bộ như thế nào mà việc ông Thanh xin nghỉ phép trị bệnh ở đâu hay tình trạng bệnh tật của ông Thanh thế nào ít ai biết?
Dư luận đang rất quan tâm đến “bệnh tình” của ông Trịnh Xuân Thanh. Có lẽ sắp tới ông Trịnh Xuân Thanh sẽ xuất trình một “bệnh án” hoặc một bản kết luận giám định pháp y về tình trạng bệnh tật của ông cho tổ chức biết, và nếu tình trạng bệnh tật của ông Trịnh Xuân Thanh “nghiêm trọng” thì liệu việc tiến hành kiểm điểm, xử lý đối với ông Thanh có được tiếp tục hay không?
“Chạy bệnh”
Nhiều người cho rằng nên bổ sung cụm từ “chạy bệnh” vào sau các từ: chạy chức, chạy quyền, chạy án, chạy luân chuyển...
Trong đó “chạy bệnh” dễ hơn chạy các thứ khác. Hơn nữa, có ai kiểm tra được tính xác thực của các bệnh án và bản giám định pháp y đâu!
Mặc dù theo quy định của pháp luật thì kết luận pháp y cũng chỉ là một nguồn chứng cứ để cơ quan tiến hành tố tụng tham khảo, có quyền tin hay không tin.
Tuy nhiên, thực tiễn thì dù không tin cơ quan tiến hành tố tụng cũng không dám bác bỏ, bởi lẽ mình không có chuyên môn này.
Cùng lắm là yêu cầu giám định lại, chứ chưa có trường hợp nào cơ quan tiến hành tố tụng thẳng thừng bác bỏ.
Đây cũng là cái “mai rùa” rất cứng và an toàn để những quan tham ẩn nấp!
Theo Tuổi trẻ