Tại sao rất nhiều nhà khoa học Liên Xô bị đàn áp vào những năm 1930?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tháng 7/1941, Tòa án quân sự tối cao Liên Xô đã xét xử vụ việc của viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa Học Liên Xô Nikolai Vavilov, tuyên án phạt cao nhất đối với ông là tử hình, không được khiếu nại.
Andrei Tupolev - nhà thiết kế máy bay của Liên Xô, bị bắt năm 1937 (Ảnh: AIF)
Andrei Tupolev - nhà thiết kế máy bay của Liên Xô, bị bắt năm 1937 (Ảnh: AIF)

Tuy nhiên, phán quyết của tòa đã được thay đổi. Vì tháng 6/1942, Thứ trưởng Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô (NKVD) Vsevolod Merkulov đã gửi thư tới Tòa án quân sự tối cao, đề nghị: “Vì Nikolai Vavilov có thể được sử dụng vào những công việc quốc phòng quan trọng, nên Bộ Dân ủy Nội vụ đề nghị thay đổi phán quyết của tòa, từ tử hình sang lao động cải tạo tại Bộ Dân ủy Nội vụ”.

Đề nghị này đã được chấp thuận, Vavilov thoát án tử hình. Lẽ ra, số phận của Vavilov đã đi theo hướng khác, nếu trên thực tế, người ta trưng dụng ông vào những “công việc quốc phòng quan trọng” như đã hứa. Thế nhưng, ngày 26/1/1943 Vavilov đã chết trong nhà tù Saratov, nguyên nhân ban đầu được cho là viêm phổi cấp tính trên nền loạn dưỡng cơ, dẫn đến suy tim.

Những cuộc đại thanh trừng của những năm 30 chưa phải là những chuyện buồn nhất trong lịch sử Liên Xô. Đặc biệt là những chuyện xảy ra với giới khoa học. Tại sao người ta lại thích lập lại những lỗi lầm của lãnh đạo tối cao thời đó và vận hành hết công suất cỗ máy truy tìm “những kẻ có lỗi” đến thế? Và “những kẻ có lỗi” đó lại được tìm ra rất nhanh.

Ai là người đã gây ra cái chết của viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô Nikolai Vavilov? Ai là người đã kết án những nhân vật có tầm cỡ, như chuyên gia thiết kế tên lửa, tổng công trình sư của chương trình chinh phục không gian vũ trụ của Liên Xô Sergei Korolev? Ai là người đã kết án nhà khoa học, viện sĩ, cha đẻ của nghành công nghiệp chế tạo máy bay Liên Xô Andrei Tupolev?

Câu trả lời ở đây có thể là Joseph Stalin. Đặc biệt, khi sự việc lại xảy ra với những cái tên sáng giá như: Vavilov, Tupolev, Korolev. Điều này làm cho người ta nghĩ rằng không phải Stalin, cũng không phải Bộ Dân ủy Nội vụ là người đã trực tiếp đề xướng và chủ mưu của những vụ đàn áp đó.

Những gì diễn ra trong giai đoạn những năm 30 ở Liên Xô có nhiều nét tương đồng với những năm 90 – giai đoạn mà còn nhiều người nhớ rất rõ, đó là cuộc tranh giành nguồn lực đã mất kiểm soát và biến thành những hành động bạo lực không thương tiếc và giết chóc lẫn nhau. Nếu có sự khác nhau, thì chỉ là: những gì diễn ra trong những năm 30 cũng chính là những gì xảy ra vào những năm 90 theo chiều hướng ngược lại.

Trong những năm 90, cuộc đấu đá, cạnh tranh nguồn lực có sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước, và phụ thuộc vào các nhiệm vụ đã đề ra.

Tại Hội nghị toàn liên bang về nền công nghiệp xã hội chủ nghĩa, diễn ra ngày 4/2/1931, Stalin xác định: “Chúng ta đã tụt hậu 50 đến 100 năm so với các nước tiên tiến, chúng ta phải bứt lên được 10 năm, nếu không làm được điều này, chúng ta sẽ bị nghiền nát”.

Và cuộc đua bắt đầu. Giới khoa học cũng không đứng ngoài cuộc đua này. Những người chiến thắng đã giành được những phần thưởng vô cùng hậu hĩnh về vật chất.

Lấy đội ngũ những nhà thiết kế là ví dụ, thời điểm đó họ được chia ra làm 3 đẳng cấp: Đẳng cấp thứ nhất gồm những tinh hoa của giới thiết kế, mức lương của các nhà thiết kế ở đẳng cấp này là 4.000 rup và nhiều giải thưởng. Đẳng cấp thứ 2 có mức lương từ 2.000 đến 3.000 rup. Đẳng cấp thứ 3 là các nhà thiết kế loại 3 có mức lương 1.500 rup. Đây là những nhân viên thiết kế thuần túy, họ không phát minh ra một sản phẩm nào mà chỉ làm việc theo các dự án của tương lai.

Trong cuộc chiến để tranh giành sự ưu tiên, ưu đãi cho cá nhân, để được công nhận là người giỏi nhất, triển vọng nhất, người ta đã tìm đến mọi phương thức. Nếu những năm 90, để giành được những hợp đồng béo bở, người ta thường dùng đến “xã hội đen”, thì những năm 30, người ta sử dụng chiến thuật tố cáo.

Lấy trường hợp của viện sĩ Vavilov làm ví dụ. Những tố cáo trong trường hợp này chỉ là phần nổi của tảng băng. “Những nhà quản lý hiệu quả” thời điểm này hoạt động hoàn toàn chỉ căn cứ vào chỉ số hoàn thành công việc KPI. Đặc biệt, Viện khoa học nông nghiệp mang tên Lenin VASKhNIL luôn luôn giữ quan điểm là: “Phải kiểm tra tất cả thật cẩn thận, phải nghiên cứu công việc của từng nhân viên, của từng phòng thí nghiệm, của từng viện thì mới tạo ra thành tích cơ bản, mới khắc phục được khoảng cách giữa khoa học và nhu cầu thực tế ngày càng gia tăng của từng nông trang”.

Xét từ góc độ của khoa học cơ bản thì đây hoàn toàn là quan điểm sai lầm, và người đứng ra phản đối đầu tiên là viện sĩ Vavilov. Trong đơn tố cáo ông có đoạn viết “Đồng chí Vavilov thường xuyên công khai tuyên bố: mọi cuộc kiểm tra đối với chuyên viên cao cấp đều là xúc phạm, là không thể chấp nhận”.

Như vậy, viện sĩ Vavilov không phải là nạn nhân của Bộ Dân ủy Nội vụ, cũng không phải là nạn nhân của Stalin, mà là nạn nhân của “Những nhà quản lý hiệu quả”.

Chuyện của cha đẻ của ngành công nghiệp chế tạo máy bay Liên Xô Andrei Tupolev lại hoàn toàn khác. Ở thời điểm đó, hàng không là một ngành rất quan trọng của Liên Xô. Nhà thiết kế Tupolev đã bị tố cáo trực tiếp, bị bôi nhọ là “sử dụng ngân sách không đúng mục đích”.

Phi công lái máy bay thử nghiệm của Nga Mikhail Gromov nhớ lại: “Tupolev bị bắt là vì trong hàng ngũ các nhà thiết kế tố cáo lẫn nhau, ai cũng ca ngợi mẫu mã của mình, gièm pha sản phẩm của người khác”.

Năm 1936, Tupolev đi Mỹ để mua giấy phép chế tạo máy bay, những máy bay này không đáp ứng mọi yêu cầu như mong đợi. Sau vụ việc này, nhà thiết kế Tupolev nhận được 21 đơn tố cáo, trong đó có nói: “Đây là hành động phá hoại không phải vì thiếu nhận thức, mà là có chủ ý. Hơn nữa, đồng chí Tupolev còn mang theo cả vợ đi Mỹ - người không có liên quan gì đến ngành hàng không, và đây là hành vi sử dụng ngân quỹ không đúng mục đích”.

Tháng 10/1937 Tupolev bị bắt, từ đó ông phải làm việc trong phòng thiết kế được bố trí trong trại giam. Như vậy, Tupolev là nạn nhân của chính những đồng nghiệp của mình.

Tình hình ở Viện phản lực – nơi Korolev làm việc cũng không nằm ngoài quy luật: dùng những lá đơn tố cáo để đấu đá nhau. Viện nghiên cứu phản lực được thành lập vào năm 1933, là sự kết hợp của hai tổ chức: Tổ nghiên cứu phản lực của Moscow – do Korolev dẫn đầu và Phòng thí nghiệm khí động học của Leningrad – do Ivan Kleymenov dẫn đầu.

Giai đoạn đầu chưa phát sinh mâu thuẫn và xung đột. Cuộc chiến âm thầm phát triển từ khi Kleymenov thay thế vị trí cấp phó của mình - Korolev bằng Georgy Langemak - người đến từ Leningrad. Bắt đầu những lá đơn tố cáo. Đầu tiên là Korolev tố cáo: tên lửa nhiên liệu rắn của Kleymenov sẽ không đạt được tốc độ, không đạt được độ cao và tầm bắn. Rồi các thông số của động cơ của Glushko không đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật v.v…

Về sau, kĩ sư tên lửa Mikhail Tikhonravov đã viết đơn tố cáo tất cả Viện nghiên cứu phản lực, nội dung chủ yếu là: viện nghiên cứu phản lực không đáp ứng tiến độ công việc, chỉ tập trung việc phát triển động cơ của Glushko – người của đội Leningrad. Trong 2 năm liền, động cơ của viện nghiên cứu không thực hiện phóng ngư lôi dù chỉ một lần, kéo theo rất nhiều dự án quốc phòng quan trọng khác cũng bị ảnh hưởng. Nói chung là, Langemak đã chi phối hoạt động của Viện nghiên cứu phản lực. Năm 1938, Korolev và Glushko bị bắt.

Trong các tình huống mâu thuẫn, tố cáo, đấu đá lẫn nhau đó, để phân tích, mổ xẻ xem ai đúng, ai có lỗi, ai là nạn nhân…là việc làm gần như không thể. Về sau này, Korolev và Glushko đã tiếp tục hợp tác và trung thành với nhau trong công việc.