Trong đợt dịch Covid-19 hồi năm 2020, hầu như tất cả các trường tiểu học và trung học tại Việt Nam đã tổ chức các lớp học online trên ứng dụng Zoom. Sở dĩ Zoom được sử dụng là do nó không giới hạn số người tham gia một lớp học, miễn phí thời gian mỗi phiên học là 40 phút. Giao diện của Zoom khá trực quan, dễ dùng. Với điều kiện có đường truyền Internet đủ tốt, một lớp học trên Zoom sẽ rất tiện lợi.
Nhưng cũng chính vì sự tiện lợi, dễ dùng mà ứng dụng này đã bị kẻ xấu lợi dụng để chọc phá. Bản chất của Zoom cho phép người tham gia lớp học online chỉ cần nhập đúng số ID và mật khẩu là có thể vào lớp. Một số học sinh cá biệt đã chia sẻ ID và mật khẩu của lớp mình lên các diễn đàn, các group mạng xã hội để “mời” mọi người vào “chơi”. Kết quả là một số kẻ xấu đã vào các lớp học, sử dụng tính năng vẽ màn hình để tô màu nguệch ngoạc vào bài giảng của thầy cô giáo, đăng tải các clip độc hại hoặc bật nhạc phá rối lớp học.
Các giáo viên sau đó đã nghĩ ra cách ngăn chặn tình trạng “vẽ bậy” nói trên bằng cách yêu cầu học sinh khi tham gia vào lớp học online phải gõ đầy đủ họ tên để được duyệt đăng nhập. Mặc dù vậy, vẫn có lẻ tẻ các trường hợp quấy phá tiếp tục diễn ra khi mà Zoom có một hạn chế là không xác định được ai (tài khoản nào) là người vẽ vào màn hình chung.
Cho đến tuần này, khi cả nước lại tiếp tục ghi nhận những ca Covid-19 mới trong cộng đồng, học sinh các trường lại tiếp tục sử dụng Zoom để học tập. Và đây lại là cơ hội để kẻ xấu nghịch ngợm quấy phá. Đã có những phản ánh về tình trạng này tại một số group của cha mẹ học sinh.
Màn hình bị kẻ xấu vẽ bậy |
Lần này, với những kinh nghiệm đã có từ năm ngoái, một số trường học đã tìm ra các biện pháp để bảo vệ lớp học online. Tại trường tiểu học Trung Hòa – quận Cầu Giấy, học sinh khi đăng nhập vào lớp học phải ghi rõ số thứ tự + số lớp + họ tên và yêu cầu phải bật camera trong suốt quá trình học tập. Trường cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ theo dõi con cái trong lúc học tập, không để trẻ tự ý làm gì mà cha mẹ không biết.
Còn tại trường THCS chất lượng cao Cầu Giấy, các thầy cô giáo đã lên kế hoạch sử dụng ứng dụng Microsoft Teams từ ngày 19/2 sau khi tập huấn ứng dụng này cho giáo viên toàn trường. Về cơ bản, Microsoft Teams cũng là phần mềm hỗ trợ học online với đầy đủ các tính năng giống như Zoom, nhưng khả năng bảo mật và quy trình đăng nhập chặt chẽ hơn, hạn chế kẻ xấu vào quấy phá lớp học.
Bên cạnh Microsoft Teams, một số trường học, cơ quan, tổ chức cũng còn sử dụng ứng dụng Meets của Google cho việc học tập và làm việc nhóm online. Rất tiếc, một ứng dụng được Việt Nam đầu tư phát triển là Jitsi lại chưa được trường học nào sử dụng. Tương phản với nó, Zoom hiện là ứng dụng có lượt tải xuống nhiều thứ hai tại Việt Nam trên các kho Play Store và App Store.