Tác giả "Xúc xắc mùa thu" đã về với thiên thu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chiều ngày 20/4/2021, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đột ngột qua đời. VietTimes xin đăng bài viết của nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình như một lời tiễn biệt! 
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm

Tôi biết Cầm và đọc thơ Cầm từ những năm đầu của thập kỷ 70, khi anh còn là một thiếu niên Hà Nội. Thơ anh được ký dưới các bút danh rất mùi mẫm như Hoài Thương, Ánh Biếc… gì đó. Rồi Cầm vào đại học văn, đi bộ đội, được giải thơ báo Văn Nghệ và trở thành người của làng điện ảnh (đóng phim, đạo diễn , viết kịch bản), tôi vẫn thi thoảng gặp anh, đọc và xem anh.

Mới năm nào, Nhà xuất bản Hội Nhà văn in tập thơ thứ ba của anh, tập "Xúc xắc mùa thu", anh đưa tôi xem. Tôi đọc liền mạch và cảm thấy Cầm vẫn là Hoàng Nhuận Cầm, chẳng lẫn vào với ai được. Đọc "Xúc xắc mùa thu", có người bảo ấy là một giọng thơ “duy cảm”, “duy mỹ” chẳng biết đúng hay sai. Riêng tôi, tôi thấy rõ ấy là một tập thơ của một người Hà Nội “gốc”, một quân nhân, một con người đã trải qua thời trận mạc.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm

Ở "Xúc xắc mùa thu", mặc dù tác giả của nó đã vào tuổi “tứ tuần” nhưng kỷ niệm trẻ trai vẫn cứ tràn đầy: "Ta ngây thơ hát lại khúc ban đầu”, “Ta đã đi như mèo trên phố vắng” và “ta cười như chưa khổ”, “ta cười như chưa yêu”... Kỷ niệm trong thơ Hoàng Nhuận Cầm là những bâng khuâng, nuối tiếc rất thu và rất thơ. Bên những kỷ niệm về Hà Nội, những sân trường, góc phố, hàng cây, mái tóc người bạn gái và những kỷ niệm khác cũng thật khó mờ phai.

Ấy là những kỷ niệm về một thời đánh giặc chưa xa “Anh về Hà Nội chưa hết nhớ”. Nhớ cánh rừng ran tiếng ve trước khi trận đánh bắt đầu, nhớ “anh bộ đội” và “tiếng nhạc la”… nhớ những ngày mưa Trường Sơn, nhớ hơn cả là những con người, những đồng đội, người mất kẻ còn. Và có “ai biết vì sao anh đã khóc”, có ai hiểu vì sao anh “đang ngồi uống rượu mắt rưng rưng” mới thấu hiểu vì sao những câu thơ mùa thu của anh có “lá rừng sốt rét” rơi xuống (bài Xuất ngù).

Đừng trách thơ anh nhiều nước mắt. Nước mắt trong thơ Hoàng Nhuận Cầm là tấm lòng anh, là tình người chiến sĩ có may mắn trở về khóc bè bạn đã hy sinh. Tôi nói những bài thơ viết về đồng đội trong tập "Xúc xắc mùa thu" của Cầm là những bài thơ hay nhất, xúc động nhất. Những bài loại này ít thôi nhưng sự lay động người đọc thật nhiều.

Ấy là các bài "Nhớ Vũ Đình Văn", "Dưới màu hoa rất đỏ", "Mùa hoa bất tử", "Xuất ngũ"... Đây là những bài thơ viết ra từ sự chắt lọc, chắt lọc không phải chỉ ở góc độ ngôn từ, mà là sự chắt lọc của tháng ngày, của sự chiêm nghiệm, của vui buồn, yêu ghét. Tôi biết cuộc dời cầm súng của Cầm không dài, có dăm bảy năm gì thôi. Nhưng ấy là những năm tháng “không thể nào quên” của anh.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm trình diễn thơ

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm trình diễn thơ

Anh gọi đó là những mùa hoa của tuổi xuân anh, dẫu vẫn biết đấy chẳng là thứ hoa trong ngày sinh nhật, hoa trước tối tân hôn mà là những mùa hoa phượng đỏ “rơi ngút ngàn trên những hố bom đen”, là mùa hoa bất tử trổ trên đồi và “ nở hoài trên mũ quân nhân”. Trong những mùa hoa “bi tráng” ấy của cuộc đời nhà thơ có “những căn hầm, nấm mộ, nhắc tên đã thấy bơ phờ”, có những cơn khát “bóp méo bi đông”.

Lại có những người anh, người bạn, “thơ” như Vũ Đình Văn, mà sự nhớ, sự thương của tác giả đã như theo, như gần trùng vơí từng bậc cầu thang, từng bước chân đi mỗi sáng mỗi chiều: “Đây mười ba bậc cầu thang/ Bàn chân Cầm xéo vội vàng vào chân/ Nhớ Văn mỗi lúc đến thăm/ Mỗi bậc thang mỗi vết bầm vào tim” (Bài nhớ Vũ Đình Văn)...

Chiến tranh là như thế, chiến tranh trong thơ Hoàng Nhuận Cầm là như thế, chiến tranh qua đi chỉ còn có “cỏ héo đi” quanh những nấm mồ, chỉ còn có gió có “cỏ luồn qua đống sắt còng queo” nhưng đó còn là “một mùa hoa bất tử” trong đời.

Đọc "Xúc xắc mùa thu" thấy vẫn một Hoàng Nhuận Cầm trong “những câu thơ viết đợi mặt trời”, rất đa cảm, thật thi sĩ, nhưng dường như tâm hồn ấy, nhà thơ ấy “đằm” hơn, sâu sắc và da diết hơn rất nhiều. Nếu quả đúng như vậy, thì có lẽ phải cảm ơn thời gian. Thời gian đã cho nhà thơ có một độ lùi xa để nhìn cuộc chiến và thời gian cũng đã là nguồn nuôi dưỡng hồn thơ anh để nó lớn lên, chín thêm…

Đọc thơ Cầm, tôi bị ám ảnh bởi không chỉ ở một góc phố phường, một tuổi thơ Hà Nội mà ám ảnh hơn về một miền đất, về một thời lửa máu hy sinh, trong đó có bài bài thơ "Phương ấy"…

Bài thơ phác họa một vùng đất thời đạn bom lửa khói với những gương mặt, những số phận, những cuộc đời của những người lính sinh viên 69, 71; đồng thời cũng là một phần đời trai trẻ của chàng thanh niên phố Hàng Bún (Hà Nội)…

Rồi khi anh được quân đội mời tham gia Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật nhân Kỷ niệm 50 năm thành lập QĐND Việt Nam (1944 – 1994) anh đã mang đến đưa cho nhà văn Phạm Hoa (bấy giờ là người phụ trách Phòng Văn nghệ Tổng cục Chính trị) tập bản thảo kịch bản “Mùi cỏ cháy” và được mọi người rất hoan nghênh, động viên hoàn thiện.

Lấy cảm hứng từ nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc -người bạn cùng thời Đại học Tổng hợp Hà Nội của minh, Hoàng Nhuận Cầm không hề làm công việc chuyển thể một cách đơn giản, mà anh viết "Mùi cỏ cháy" như viết về chính thế hệ của anh - thế hệ học sinh, sinh viên “xếp bút nghiên”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, viết cho chính anh và những người trẻ cùng thời. Và phim “Mùi cỏ cháy” (Đạo diễn Hữu Mười), vì nhiều lý do trong đó có lý do quan trọng là kinh phí, nên mãi 5 năm sau mới được dựng thành phim (khởi quay tháng 12 năm 2010)

Bối cảnh chính của phim là sự kiện “mùa hè đỏ lửa” 1972 với trận chiến tại thành cổ Quảng Trị. Nhân vật chính trong phim là bốn sinh viên đại học Hà Nội.

Có lẽ, truyền thống “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của người Hà Nội năm nào chưa khi nào được bộc lộ rõ nét như ở thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm năm ấy!. Dù trong tay chỉ còn cây súng AK hết đạn, Thành vẫn dũng cảm gương lưỡi lê xông lên, đâm một nhát chí mạng vào tên lính ngụy cầm cờ Mĩ và anh dũng hi sinh!

... Và khi xem hết phim “Mùi cỏ cháy”, không hiểu sao trong tâm trí tôi cứ luẩn quẩn cái bóng vươn cao của cây bạch đàn trong nắng chiều Quảng Trị - thứ cây mà người lính trẻ trong phim trước giờ ra trận đã ước được trồng trên mộ mình nếu phải hy sinh cùng câu thơ :

"Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy

Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai

Ngôi sao rơi trên dãy thép gai dài

Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy

Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn..." trong bài “Phương ấy” cùa đồng tác giả bộ phim - nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm…

Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến

(Hoàng Nhuận Cầm)

Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến

Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi

Còn sót lại trên bàn bông cúc tím

Bốn cành tàn, ba cánh sắp sửa rơi

Hò hẹn mãi cuối cùng em đã tới

Như cánh chim trong mắt của chân trời

Ta đã chán lời vu vơ, giả dối

Hót lên! dù đau xót một lần thôi.

Chần chừ mãi cuối cùng em cũng nói

Rằng bồ câu không chết trẻ bao giờ

Anh sợ hãi bây giờ anh mới nhớ

Em hay là cơn bão tự ngàn xa.

Quả tim anh như căn nhà bé nhỏ

Gió em vào - nếu chán - gió lại ra

Hò hẹn mãi cuối cùng em đứng đó

Dẫu mùa thu, hoa cúc cướp anh rồi...