Văn tài Nguyễn Huy Thiệp vừa khuất núi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – “Nguyễn Huy Thiệp là một trong số ít nhà văn Việt Nam xuất sắc nhất thế kỷ XX. Theo ông, sau Nam Cao thì Việt Nam chỉ có Nguyễn Huy Thiệp là một người viết có văn và có tư tưởng"- Họa sĩ Phan Cẩm Thượng.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp quê gốc Thanh Trì Hà Nội sinh ngày 20/4/1950. Trước khi anh giáo Nguyễn Huy Thiệp thành nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, ông đã có mười mấy năm dạy học ở rừng núi Sơn La. Thời gian ấy ông gọi là “úp mặt vào núi mà đọc sách”.

Mãi đến năm 1986 ông mới nổi danh trên báo Văn Nghệ với những truyện ngắn: “Tướng về hưu”, “Muối của rừng”, “Không có vua”, “Con gái thủy thần”, “Những người thợ xẻ”, “Thương nhớ đồng quê”, “Sang sông”; bộ ba truyện ngắn lịch sử “Kiếm sắc”, “Vàng lửa”, “Phẩm tiết”…

Ngay và luôn, Nguyễn Huy Thiệp trở thành hiện tượng văn chương!

Ngoài truyện ngắn, Nguyễn Huy Thiệp còn sáng danh với tiểu thuyết, kịch bản, thơ, tiểu luận. Ba cuốn tiểu thuyết của ông đã xuất bản gồm: “Tiểu long nữ”, “Gạ tình lấy điểm”, “Tuổi 20 yêu dấu”.

Gần chục năm nay, vướng bệnh tật, giang hồ văn bút Nguyễn Huy Thiệp gác bút. Sức khỏe hầu như đổ dốc và kiệt quệ từ khi người vợ thuở tao khang về cõi. Chúng ta hãy ngẫm thêm nhận xét của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng về Nguyễn Huy Thiệp:

“Nguyễn Huy Thiệp là một trong số ít nhà văn Việt Nam xuất sắc nhất thế kỷ XX. Theo ông, sau Nam Cao thì Việt Nam chỉ có Nguyễn Huy Thiệp là một người viết có văn và có tư tưởng. Trong khi Nam Cao viết rất hay về người nông dân Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX thì Nguyễn Huy Thiệp cũng xuất sắc trong việc viết về người Việt Nam những năm cuối thế kỷ XX.

Cái xuất sắc của Nguyễn Huy Thiệp là ông dám đi đến tận cùng cái ác của con người, làm một cuộc phẫu thuật vào cái ác của con người và phơi bày nó ra mà “chữa bệnh” cho con người.

Đó là điều mà dân viết lách Việt trước ông nói chung luôn rón rén lẫn khiếp đảm không dám bước đến tận cùng”.

Chiều muộn một ngày rây bụi mưa ẩm Hà thành ngày 20/3/2021 Nguyễn Huy Thiệp đã trút hơi thở cuối cùng bên cạnh con cái và người thân.

Tưởng nhớ nhà văn tài danh Nguyễn Huy Thiệp, VietTimes xin đăng lại bài phỏng vấn của Xuân Ba 19 năm trước rút từ cuốn "Ngọn cỏ gió vờn" (NXB Hội Nhà Văn năm 2013), khi Nguyễn Huy Thiệp đang ở đỉnh cao của tài văn.

Nguyễn Huy Thiệp

Nguyễn Huy Thiệp

Năm 2002, ở nhà Nguyễn Huy Thiệp

Bữa cơm

Một đĩa ba chỉ luộc. Đĩa đậu phụ cũng luộc. Một thứ luộc nữa là bầu đất, một đĩa. Trứng cá kho. Một bát con nước mắm dầm cà chua hấp. Một bát con nữa. Nghe giới thiệu là tương Cự Đà? Và một chai rượu sáu lăm trắng nút lá chuối.

Đó là các thức trong bữa cơm mà Nguyễn Huy Thiệp đãi tôi, một người quen cũ...

Cũ vì hơn mười năm trước đến nhà Thiệp ở xóm Cò, một làng ven đô Hà Nội lối vào đường xá cứ thông thống, ven đường những búi tre rậm rịt la đà. Những hàng rào ô rô xén tỉa vuông vức.

Bây giờ những thứ ấy chẳng còn. Gần như tất tật đã mái bằng ban công bụng chửa lẫn lồi với thót và nhoang nhoáng nhôm kính.

Căn nhà cấp 4 tít sâu trong ngõ của Nguyễn Huy Thiệp nay cũng đã mái bằng và chủ nhân khuôn mặt nhàu nát ệch vàng dạo ấy nay cũng có tí thịt gọi là...

Cũng chả lâu la chi mấy, chai trắng “sáu lăm’’ cùng với buổi sáng đã vợi non nửa, tất nhiên với tính điều độ cố hữu, chủ nhân chỉ nhấp nhấp tí ti...

Dạo này đang viết gì? Lâu lắm mới ngó được vài thứ vụn trên báo... Hình như Marcel Proust có kiêu ngầm rằng nhà văn lớn chả viết gì khác hơn là tác phẩm duy nhất... Tất nhiên ông ấy đã đóng một cái đinh Đi tìm thời gian đã mất vào thiên hạ...

- Tiểu thuyết là một thể loại khó khăn. Tôi phải viết nếu còn muốn tiến xa hơn... Tôi hy vọng sẽ vượt qua được cửa ải này. Dạo này đang chuyển "Không có vua" cho đạo diễn Đặng Nhật Minh để làm phim.

Tiến xa hơn? Mấy nhà xuất bản ở Pháp đã in của anh trên 30 truyện ngắn. Thuỵ Điển 10 truyện. Mỹ đã và đang in cỡ 20 truyện nữa. Chưa kể ở Italia... Thiên hạ lại đang rầm lên là sau chuyến công du Châu Âu tháng tư vừa rồi anh “com măng’’ với nhiều nhà xuất bản ở bên đó hốt cũng bộn bạc?

- Tôi được các nhà xuất bản ở Châu Âu và Mỹ giới thiệu là tác giả đáng chú ý Việt Nam ... Tiêu chí lẫn tiêu chuẩn của họ khắt khe. Nhưng tôi thích thế. Nhà xuất bản Editions de Laube ở pháp in nhiều truyện của tôi từ lâu, trong đó có "Tướng về hưu" (un Gereral à la retaite) đã từng nhiệt thành giới thiệu Haven của Séc và Cao Hành Kiện.

Nhưng tôi cũng đồng tâm trạng như họ, nghĩa là muốn in những cuốn tiểu thuyết chứ không chỉ dừng ở những truyện ngắn và những vở kịch! Họ đang chờ những cuốn tiểu thuyết. Họ có lý. Họ là những nhà kinh doanh, những người làm xuất bản có kinh nghiệm. Với lại hơn mười năm qua tôi cũng có chút ít kinh nghiệm ở những trung tâm văn học thế giới. À chuyện tiền bạc cũng là một thứ đáng quan tâm, tỷ như nhà Editions de Laube họ trả 9 phần trăm giá bìa...

Không ít những xì xào rằng Nguyễn Huy Thiệp không có khoái gì việc xuất bản tác phẩm của mình ở trong nước?

- Có lẽ họ nhầm... Tôi nào có khoái gì việc vác sách sang Âu Mỹ. Nếu thực là báu vật thì dân ta phải hưởng cái đã... Nhưng anh thấy đấy, mỹ nhân rồi cổ vật... bao thứ ta có giữ được đâu... Tôi không rút kinh nghiệm nhưng có phần sốt ruột bởi cũng bị câu thúc nhiều thứ. Mà anh có coi World Cup không đấy? Với những đội bóng với cầu thủ hạng trung thì tình huống ấy thông thường người ta sẽ phải chuyền nhưng Ronaldinho lại rót vào góc khung thành đội Anh từ rất xa... Tôi viết sách tôi làm sách cũng có khát vọng na ná như thế. Nhưng thành bại cũng phải có một chút may mắn nữa. Có lẽ tôi cũng đã gặp may...

Biên tập viên văn nghệ ở một tờ báo lớn hôm nọ có phàn nàn với tôi là vừa đọc một truyện ngắn gửi đến cuả một tác giả cũng có danh đấy nhưng anh ta nhăn mặt “mà sao giống Thiệp quá... cũng chủng chẳng, trúc trắc cũng ỡm ờ lững lờ, khinh mạn nhưng mà...vô lối! Hao hao Thiệp mà chả phải Thiệp...’’ Này, anh có nhận thấy dạo này đã “bặt’’ đi khá nhiều kiểu viết hao hao Nguyễn Huy Thiệp ?

- Nào tôi có lắm thời giờ như thế đâu... (Cười) Nghe anh nói tôi lại nhớ đến nhận xét của anh Nguyễn Khải, mà chả biết anh ấy khi nào thật khi nào đùa rằng có hai Hội Nhà văn, một của ông Hữu Thỉnh một của Nguyễn Huy Thiệp(!?)

Các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp

Các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp

“ Thâm ý’’ ông Nguyễn Khải có thể là Nguyễn Huy Thiệp đã vô tình bùa mê thuốc lú một đám đông những người viết trẻ lẫn sồn sồn hứng lẫn hoắng lên bắt chước Thiệp nhưng cũng có thể anh đã dụng công nâng đỡ khích lệ không nhiều lắm những người viết khả dĩ...

- Nguyễn Du có câu "phong vận kỳ oan ngã tự cư" (nỗi oan khiên của những kẻ phong vận riêng ta chỉ muốn gánh lấy). Lại có câu "văn chương vô mệnh luỵ phần dư" (văn chương không có mệnh thế mà nó theo người ta xuống mồ đấy). Văn chương là khó. Ma nữa. Bởi ma nên theo được nó chắc chả nhiều người. Có thể sinh kế hay những thú vui ở đời giữ họ lại làm họ tỉnh lại...

Khiến họ trở thành người bình thường?

- (lắc đầu) Mình cũng chẳng biết nữa... Văn chương à? Thứ hão huyền thôi mà...

Anh khen Đồng Đức Bốn (tác giả những tập thơ trong đó có Trở về với mẹ ta thôi, Chăn trâu đốt lửa- XB) trích nhiều thơ Bốn trong truyện ngắn của mình rồi khen Nguyễn Việt Hà (tác giả Cơ hội của Chúa- XB) ca ngợi Lê Kim Giao (một nhà giáo mới đang viết) là tên nghiện văn chương (chữ của Nguyễn Huy Thiệp) vv... Người ta nghi ngại không biết có phải Nguyễn Huy Thiệp khen thực không? Rằng anh tự đặt ra một cái “lim’ (giới hạn) một chuẩn mực cho riêng mình chả có theo một tiêu chuẩn hay mặt bằng nào hết! Và chính cái “lạ’’ này khiến thiên hạ mới đầu sững sờ vồ vập nhưng rồi sau đó mới ngớ ra ngãng ra... Hay là Nguyễn Huy Thiệp tự khen y (!?) Rồi người ta đâm khiếp khi Thiệp khen ai đó! Một nhà thơ có tiếng đã từng “áp dụng’’ phương pháp này nhưng không “ma’’ bằng Thiệp nên dễ bị “nghĩa lộ’’?

-Ai vậy?

Nghe bảo là thi sĩ họ Trần, Trần Đăng Khoa...

- (Cười ruồi, nhưng nhớ đến nhận xét của một anh bạn rằng mỗi khi không muốn hoặc chẳng buồn nói, Thiệp hay có cái cười như thế gọi là cười tủm, và người đó nói thêm, Thiệp mà cười tủm thì kinh lắm nhưng không có cái cười tủm ấy thì Thiệp chẳng còn là Thiệp! Vẫn nguyên cái cười ấy chủ nhân đốt một điếu thuốc rồi chẳng nói gì. Hình như đang hút lại bởi nghe nói đã bỏ) Mình mới hút lại mấy bữa nay... Bỏ một dạo dài cũng nhờ mấy chuyến sang bên ấy. Người ta sạch sẽ quá đi... Mình chẳng nên làm phiền họ cũng như làm khổ làm nhục mình,

Mấy chuyến đi Âu, Mỹ anh không “lập ngôn’’(trả lời phỏng vấn) như nhiều người khác trên báo chí? Sự im lặng của anh là cái gì vậy? Đó là “quãng lặng’’ cần thiết cho việc sáng tác như một người bạn của anh nói chăng? Người ấy còn nói Thiệp không giống họ vì họ không chịu được cô đơn và không chịu được cái cảm giác mình không thể không nổi tiếng?

- (Cười rồi dụi điếu thuốc... Ân cần gắp cho khách một bìa đậu Mơ luộc) Mình không làm thế vì đơn giản mình không thích thế và không có thời giờ...

Có người nói là Thiệp thường không đọc cái gì và ít đọc ai cho đến đầu đến đũa... Nhưng Thiệp có cách đọc cách nắm, biết kiểu gạn và biết cách hớt váng (!?)

- Người ta nói thế à? (cười) Thú thực mình cũng chẳng có thời gian lẫn hơi sức đâu để mà nghe ngóng này khác. Nhưng mười năm ở Sơn La là mười năm lợi hại của mình... Thư viện tỉnh , huyện vớ sách gì cũng cày tất. Chính trong thời gian này giúp cho mình ‘‘ngộ’’ ra nhanh là cuốn nào cần đọc, có cuốn chỉ nên đọc vài trang. lại có cuốn chỉ nên đọc vài dòng. Thậm chí có cuốn chả cần đọc...

Này, xin lỗi, nghe nói trong quan hệ với phái đẹp, anh thuộc dạng nghiêm cẩn lại khéo nữa ? Bởi “khéo’’ nên chả có tai tiếng gì?

- Hình như tôi đã nghe nói hoặc đọc được ở đâu một vấn đề khoa học rằng có những đấng chân tu họ tìm thấy sự khoái cảm và giải thoát xác thịt mỗi khi họ tập trung cao độ vào việc luyện kinh kệ hay dốc hết mình vào chủ thuyết nào đó.... Chỉ có trong trạng thái cực kỳ “vô ngã’’ ấy, họ mới thoát xác? Tôi cũng thuộc dạng như nhiều người khi nghe vậy cũng biết vậy “tin không tin thì thôi’’! Nhưng hình như với tôi, sự khoái cảm lớn nhất chủ đạo nhất có lẽ là việc viết? Tôi đã nói nhiều rồi, thời gian lúc nào cũng thấy thiếu.

Tài văn Nguyễn Huy Thiệp

Tài văn Nguyễn Huy Thiệp

Biết là bận nhưng anh có quan tâm đến thời sự không? Năm Cam chẳng hạn?

- Năm Cam à? Tôi cũng có nghe... Đó cũng là một cái may. May vì tội ác ấy nó không sạch sẽ cũng chẳng trí tuệ và không có dáng dấp một bàn tay nhung mà là thô lậu, võ biền. Chỉ mới hé ra tí ơn xuỳ ra tí tiền thế mà thiên hạ lớn bé thay nhau mà mắc mà đổ! Nếu Mafia kích cỡ và kiểu hành sự như xứ người thì sự thể còn bi hài nữa. Chẳng hạn nó vây bọc chiều chuộng những ngôi sao như điện ảnh, bóng đá, nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà chính trị vv... tóm lại là bảo kê nuôi dưỡng các tài năng chứ không dừng ở mức đâm thuê chém mướn cứu vớt một cách lặt vặt những thân phận hèn mọn. Lòng tốt lớn mới cứu được nhiều người, cũng như cái xấu lớn cái ác lớn mới đủ tha hoá giết chóc một cộng đồng một thể chế.

Mặc dù vắng bặt trên báo chí nhưng người ta vẫn biết được trong những chuyến đi Âu, Mỹ để “làm xuất bản’’ ấy Nguyễn Huy Thiệp được “vây bọc’’ rất nhiều trong những đám đông, khi thì cộng đồng người Việt, khi thì người nước ngoài, đón rất nồng nhiệt. Chả hạn như ở Đức, ở Mỹ, một nhóm gia đình và thanh niên người Việt cứ lẽo đẽo theo anh đến nhiều nơi...

- Vác sách sang xứ người, xuất bản ở xứ người như tôi nói rồi đó là một việc chẳng đã... Họ hoan nghênh tôi nhiệt tình với tôi nhưng tôi cứ nghĩ cao hơn lớn hơn cả sự kiện ấy là với đất nước mình. Báo chí bên ấy giành những lời trang trọng cho tác phẩm của tôi những là “siêu việt, kỳ diệu’’, “ kết hợp hiện thực cuộc sống với huyền thoại dân gian’’- Báo Tin tức hàng ngày của Thuỵ Điển sau khi dẫn Kim Vân Kiều truyện được dịch từ những năm chống Mỹ cứu nước, rồi "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh và bây giờ là truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, nêu rõ “Hiểu biết về văn hoá Việt nam ở Thuỵ Điển quá hạn chế và quá phụ thuộc vào các sản phẩm văn hoá của Hollywood đến nỗi nhiều khi ta cũng không biết là có tồn tại ở Thuỵ Điển một kiến thức văn hoá Việt Nam hay không...” Vâng, công việc và những chuyến đi của tôi, góc độ nào đấy như người ta vẫn thường nói là vì màu cờ sắc áo. Chính bởi người ta trọng và mến mình nên khi nói năng giao tiếp lại càng phải cẩn trọng.

Việc đi đi về về như thế có thuận? Có được đài thọ gì không?

- Nói chung là thuận lợi và tôi cứ lầm lụi đi đi về về như vậy thôi. Có một việc nhỏ mà sau ngẫm lại thấy nhớ lâu. Lần ấy đi. một cán bộ có trách nhiệm bảo tôi làm một tờ như cam đoan rằng đại để sang bên ấy tôi sẽ không nói gì, phát ngôn gì, viết gì để ảnh hưởng đến...

Nhớ khi ấy tôi đã kìm được cơn nóng giận bột phát nhưng cũng tỏ rõ thái độ là nếu làm như vậy tôi sẽ không đi nữa! Sau đó một cán bộ cấp tướng ngành công an có gặp vỗ vai “ Thiệp mà nghĩ như vậy thì còn thấp(!?) Thiệp cứ đi đi. Đi để làm sang cho nước mình sao lại không đi, lại tự ái là thế nào nhỉ?”. Thế là giấy chẳng phải “chứng’’ mà đi thì vẫn đi. Đi làm sang cho nước thì người ta phải tự trọng và tự tôn... Khi ngồi ở quán cà fé của Jean Paul Sartre ở Paris do nhà Editions de Laube mời mà mọi thứ ở đó đều đắt hơn 8 lần so với những quán khác, chả phải vì đắt và chả phải tôi thiếu tiền, mà Nhà xuất bản chỉ đãi những người được coi là danh tiếng, được coi là “bồ’’ ruột của họ thì tôi lờ mờ chợt “ngộ’’ ra lời khuyên của vị tướng nọ...

Đến giờ mà anh vẫn không dùng vi tính?( Hỏi vậy vì chợt ngó thấy tập bản thảo kịch bản Không có vua viết cho đạo diễn Đặng Nhật Minh đang bày bề bộn trên chiếc tràng kỷ tre. Một tập dày tuyền một thứ chữ viết tay”tháu’’ như thế. Nghe đâu nhiều nhà sưu tập cỡ này cỡ khác ở Hà Nội đã “thuổng’’ của Nguyễn Huy Thiệp người thì một tệp người thì vài trang. Nói “thuổng’’ vì không có việc mua bán bản thảo. Hầu hết là Thiệp cho) Hình như Marquez phàn nàn rằng nếu như nhân loại phát minh ra computer sớm hơn thì khối lượng tác phẩm của ông sẽ gấp 10 lần bây giờ.

- (Cười) Ấy là ông Marquez... ở tuổi mình thay đổi một thói quen hơi khó. Với lại tiếng giấy sột soạt rồi âm thanh bút chạy trên giấy nó gợi hứng cho mình hơn.

Cũng có người nói Nguyễn Huy Thiệp “chơi ngông’’ bày đặt ra nhà hàng Hoa ban bên Gia Lâm rồi nhà hàng Thái Thịnh nữa... Bây giờ hết “cơn’’ rồi quay về nhà ngồi viết?

- (Lắc đầu) Trước khi đi làm nhà hàng tôi phải kiếm thêm bằng cách ngày nào cũng phải sang Bát Tràng làm gốm may thì được 25.000 đồng/ngày. Sao thiên hạ lại có thể nghĩ ra cái thứ sang trọng ấy cho tôi vậy nhỉ! Chạy đôn chạy đáo tất tả mửa mật ra với hai cái nhà hàng ấy chứ ngông nghênh gì? Bây giờ thì có tí tiền xuất bản mới đỡ phải hành xác (Thiệp chỉ tay ra tứ phía cái căn nhà mái bằng) nếu không có thời gian làm ở Hoa Ban và Thái Thịnh thì làm sao dựng nổi thứ này...

Nhà văn và vợ con

Nhà văn và vợ con

Vợ và con và...

... Cái chai “sáu lăm’’ đã vơi đi kha khá và mâm cơm đã đưa xuống nhà ngang. Bên những chiếc bát đàn của “lò’’ gốm Chi đựng nước chè xanh, tôi ngồi với Bách, con trai trưởng nhà văn đang học khoa điêu khắc năm cuối của trường Yết Kiêu. Hết ngó “phiên bản’’ của Nguyễn Huy Thiệp đang ngồi bên, tôi thầm nghĩ chắc cái hồi bố nó lên Sơn La dạy học cũng “trật’’ như sinh viên Bách đây. Rồi tôi lại ngó bức tượng bán thân Nguyễn Huy Thiệp bằng thạch cao do con trai dựng được bày trên nóc tủ sách.

Cháu nặn, à xin lỗi cháu tạc tượng bố cháu hồi nào?

- Mấy năm rồi. Từ bé cháu thích đồ hoạ nhưng cái hồi bố cháu với chú Hưng (hoạ sĩ kiêm điêu khắc gia Hồng Hưng, bạn Thiệp) dựng bức tượng Phật ở ngoài vườn kia nên cháu mê luôn cả điêu khắc. Những sự bàn soạn trao đổi giữa hai người những buổi ngày buổi đêm dựng tượng ngoài vườn khiến cháu sau này theo học điêu khắc, tất nhiên có sự gợi ý của bố. Bố cháu bảo nghề này khốn nạn nhưng cháu vẫn thích.

Dựng Nguyễn Huy Thiệp có khó lắm không?

- (Cười bẽn lẽn) Bây giờ thì cháu có nhiều cái nhưng bức kia (chỉ tay lên nóc tủ) gần như đầu tay... Những cái sau thì thường có mẫu. Nhưng cái kia cháu nghĩ bố cháu như thế nào thì tạo ra như thế...

Có nghĩ là mình đang tạc tượng một danh nhân?

- Gì cơ ạ? Trong trường các thày cháu dạy khi dựng tượng ai đó thì nhất thiết phải có sự hiểu biết về họ. Nhưng hiểu biết không tạo nên "thần" của tượng mà cần có sự đồng cảm nữa... Nhưng đây là bố cháu. Cháu là con bố cháu.

Khách ta rồi khách tây cứ nườm nượp đến nhà rồi báo chí trong, ngoài nước, rồi những chuyến đi tây tàu của bố có lúc nào đó khiến cháu sẽ rợp, sẽ cớm mãi trong bóng râm của bố?

- (Cười, ngập ngừng...) Dạ không. Cháu có công việc của cháu. Cháu ít có thời gian để ý đến việc của bố cháu... Mà cháu biết gì đâu...

Một lần ghé qua, cũng đã lâu rồi, dạo bức tượng Phật ở vườn nhà Nguyễn Huy Thiệp sắp đi vào giai đoạn kết thúc. Một người đàn bà dáng gày mảnh hay ngồi ở góc sân ngó chăm chắm về phía bức tượng trắng toát đang dần lên hình Phật bà. Người ấy là vợ Thiệp. Cũng như chồng, dạo này chị có vẻ đẫy hơn...

Chị có biết chồng mình là người ... nổi tiếng?

- Vâng (cười) nhiều người nói thế, bảo thế... Mười ba năm dạy học ở Bắc Ninh rồi “mất’’ cả dạy, rồi cặm mặt vào những trang bản thảo bao năm ở Nhà xuất bản sách giáo khoa để đến bây giờ được nghe những lời như vậy của anh đấy anh ạ! Nổi thì ai cũng thích nhưng cầu mong sao đừng nổi... phềnh phềnh lên thôi. Tôi có lần nói với ông ấy rằng hết cả tuổi xuân mới được nghe thiên hạ khen. Ông ấy ừ hữ : làm chi có tuổi xuân mà mất với chả hết.

“Không có vua’’ nhưng “vua’’ chồng đã biến căn nhà cấp 4 cũ nát thành nhà mái bằng với nhiều tiện nghi như thế này, rồi những chiếc xe máy nữa...

- (cười) Vợ “vua” cũng góp vào đấy kha khá bằng tiền sửa bài ngày lẫn đêm nhiều năm ở Nhà xuất bản.

“Vua’’ chồng tiếng tăm thế rồi còn bận bịu với viết lách với những in sách ở tây ở tàu, có nhiều thời gian hỏi han đến vợ con? Mà có khi nào “vua’’ vợ có ý nghĩ “vua’’ chồng sẽ tuột khỏi tay mình, khỏi cái “vương quốc’’ xóm Cò này?

- Cũng có lúc... Nhưng tôi nghĩ anh Thiệp không dám...

Tại sao?

-Vì tôi là vợ anh ấy tôi biết...

Báo chí nước ngoài người ta viết về chồng chị như thế này này: “Thiệp là người phiền phức’’ nào là “đọc Thiệp bao giờ cũng làm ta bối rối’’ vv... Chị nghĩ thế nào?

- Chả nghĩ thế nào cả... Phiền phức thì có đấy chả hạn như khách khứa liên miên, rồi điện thoại đêm điện thoại ngày. Có khi ông ấy thức đến 3, 4 giờ sáng để viết, thế là phải liệu kiếm thức gì cho ông ấy dằn bụng. Được cái ông nhà tôi ăn uống loàng xoàng thứ gì cũng xong. Nhớ cái đận nhà túng lại đói nữa, đã hết đâu lại bị khám xét lục soát... Đi làm mà cứ ngay ngáy về nhà chồng mình có còn ở nhà không!? Rồi bạn bè không biết ở những đâu, đến ăn ở nhà hàng tháng trời. Có cái ông nhà thơ tên là Bốn hay ông Năm gì đó ở lâu nhất hay ngâm nga câu đi bán vàng bán bạc gì đấy...

A, nhà thơ Đồng Đức Bốn cầm lòng bán cái vàng đi / Để mua nhiều thứ lắm khi không vàng có phải ông ấy không?

- Chắc là thế. Ngày ấy bận thật khổ thật và phiền phức như ông Tây nào đó viết, nhưng mà vui anh ạ. bây giờ anh Thiệp ra ngoài thì không biết thế nào là ông này ông nọ, nhưng về nhà ông ấy cứ đánh cái quần lửng lõng thõng đi lại trong nhà rồi ngồi liền tù tì trên cái tràng kỷ tre kia mà viết thì tôi thấy anh ấy cũng bình thường như bao năm nay, như vợ chồng chúng tôi với nhau, chứ làm gì mà phải bối rối!

Nhà văn đã về với tổ tiên

Nhà văn đã về với tổ tiên

Thôi quấy phiền cả nhà như vậy là đủ rồi... Mong ông Thiệp in được nhiều sách bên Tây kiếm được nhiều tiền... Mà có nhiều tiền rồi biết đâu ông ấy hứng lên đưa chị đi du lịch một chuyến để tìm lại... tuổi xuân cho vợ!

- (cười vui vẻ) Chả dám mong thế đâu ạ... Điều mà tôi lo lắng nhất bây giờ là hai đứa con. Chăm cho chúng ăn chúng lớn đã là cực nuôi dạy chúng còn cực hơn. Cái dạo nhà tôi cứ biền biệt cả ngày lẫn đêm ở nhà hàng Hoa Ban và Thái Thịnh, có hôm thằng cu út hỏi tôi thế này mới kinh chứ lị: “Mẹ ơi, nhà mình có bố không? Con thấy chúng nó được bố mẹ đưa đi chơi luôn còn con thì chẳng bao giờ...’’ Bây giờ ông ấy ngồi lù lù ở nhà mà viết là chỗ dựa chỗ đỡ đần cho mẹ con tôi là quí lắm rồi...

7/2002