Nông nghiệp mùa đại dịch:

Tác động của Covid-19 đối với nông dân

VietTimes – Kể từ tháng 03/2020, việc bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp chủng mới của virus Corona (Covid-19) đã lan rộng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất có thể, kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ rơi vào thời kỳ suy thoái mạnh mẽ trong thời gian tới. Trong đó lĩnh vực nông nghiệp gần như chắc chắn cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Người nông dân trồng hồ tiêu lo lắng cho mùa vụ. Ảnh: Anh Lê.
Người nông dân trồng hồ tiêu lo lắng cho mùa vụ. Ảnh: Anh Lê.

Vì vậy những người làm nông cần có nhận thức và lên kế hoạch để đối phó với  6 các tác động chính của COVID-19 lên nông nghiệp như sau:

Tác động đến đầu ra và giá nông sản

Ngày 11/3, Tổ chức Y tế Thế giới đã chính thức tuyên bố sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra là đại dịch toàn cầu.  Đối với Việt Nam chính phủ luôn coi “Chống dịch như chống giặc”, với hàng loạt các thông điệp, hay khuyến nghị được gửi đi như: giảm đi lại, tránh đám đông, đóng các cửa biên, đóng đường bay, hạn chế vận tải,… thậm chí ở các thành phố hàng loạt các hàng quán tiêu thụ lượng nông sản hàng ngày phải đóng cửa để làm chậm lại sự lây lan của virus. Người tiêu dùng đứng trước khó khăn trong việc lựa chọn thực phẩm hoặc hạn chế tiêu dùng.

Đối với thị trường nhập khẩu cũng gặp rất nhiều khó khăn, lượng hàng hóa, nhất là nông sản từ các nước trong khu vực và EU hầu như bị bế quan tỏa cảng, vì các nước đều ưu tiên cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Nếu dịch bệnh kéo dài thêm vài tháng nữa, nền kinh tế các nước sẽ rơi vào tình trạng đại suy thoái như những năm 2007-2008, chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường và giá nông sản. Đặc biệt các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như sầu riêng, Thanh Long…, những mặt hàng mà 2-3 tháng nữa đều bước vào thời kỳ chính vụ thu hoạch với sản lượng lớn; nguy cơ giảm giá sâu là nhãn tiền.  

Ví dụ: mới chỉ đầu tháng 1/2020 khi Trung Quốc rơi vào thời kỳ đỉnh của dịch COVID-19, giá Thanh Long của Việt Nam giảm sâu so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, giá Thanh Long ruột đỏ đang giá 25.000 đồng giảm xuống 12.000 đồng, thậm chí có lúc giảm dưới 10.000 đồng/kg. Hay các hộ nuôi cá ở Lào Cai khi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, lúc dịch xảy ra nó không chỉ đơn thuần là giảm giá sâu mà còn dẫn tới hiện tượng không thể, hoặc khó bán được cá khi đến thời kỳ phải xuất. Nông hộ nuôi cá ở đây đang phải gồng mình gánh lỗ vì hàng không bán được mà vẫn phải đầu tư cám, thức ăn để nuôi tiếp.

Tóm lại, khi dịch bệnh xảy ra hay suy thoái kinh tế trầm trọng thì việc giá cả hay đầu ra thị trường nông sản sẽ thường xuyên bấp bênh lên xuống bất ngờ. Khiến người dân rất khó xoay sở.

Ảnh hưởng mạnh đến chuỗi cung ứng 

Với các khuyến nghị hạn chế vận tải và hạn chế các hoạt động xuất nhập khẩu, khiến các nguyên liệu sản xuất vật tư nông nghiệp như: giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật….hoặc hệ thống logictis vận chuyển nông sản gần như sẽ chậm lại. Các kết nối sẽ bị gián đoạn. Việc mua sắm trong tâm lý hoảng loạn cũng gây nên sự mất cân đối nguyên liệu sản xuất nông nghiệp trong từng thời điểm cũng là vấn đề cần được quan tâm.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình chăn nuôi và trồng trọt. Ví dụ: chúng ta thấy việc giao nhận hàng hóa trở nên khó khăn khi các lái xe e ngại làm việc, chưa kể đến họ phải quan tâm đến gia đình, con cái khi xảy ra dịch bệnh. Các nhà xe hoạt động sẽ ít hơn khiến giá cước vận chuyển tăng cao hoặc tiến độ giao nhận hàng hóa bị chậm lại ảnh hưởng tới mùa vụ. Hoặc sự thiếu hụt lao động trong các nhà máy cung ứng vật tư cũng khiến các tiện ích của dịch vụ hay tiếp cận vật tư nông nghiệp bị hạn chế.

Tác giả Nguyễn Đức Ninh và chủ hộ nông dân nuôi cá Basa ở An Giang doanh thu 40-60 tỷ tiền cá/năm
Tác giả Nguyễn Đức Ninh (trái) và chủ hộ nông dân nuôi cá Basa ở An Giang doanh thu 40-60 tỷ đồng/năm tiền cá. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Ảnh hưởng đến sức khỏe của nông dân và lực lượng lao động nông trại

Ngay tại thời điểm hiện tại, khi cả nước cùng nhau phòng chống dịch thì khu vực nông thôn do đặc thù công việc, thói quen và tâm lý chủ quan, tình trạng không đeo khẩu trang, không dùng thuốc sát khuẩn là phổ biến. Nếu dịch bệnh bùng phát mạnh thì lực lượng lao động nông thôn bị lây nhiễm nhanh chóng trong phạm vi một thôn, xóm bởi các buổi tiệc cỗ hay họp chợ sẽ là điều không lạ.

COVID-19 tác động mạnh mẽ đến sức khỏe của lao động trong độ tuổi từ 50 trở lên, lực lượng này chiếm một tỷ lệ khá cao trong các trang trại lớn của Việt Nam hiện nay.  Nếu một hộ nông dân, hay 1 trang trại…có người nhiễm COVID-19 thì việc điều trị thời gian dài kèm theo cách ly sẽ ảnh hưởng đến việc điều hành và thực thi công việc trở vô cùng khó khăn.

Nguy cơ nhiễm bệnh hoặc phải cách ly đối với các đối tượng là: F1, F2, F3, F4, … trong thời kỳ lực lượng lao động phổ thông làm việc cho các trang trại đang khan hiếm, hoặc ý thức tuân thủ tiến độ công việc chưa cao của các công nhân nông nghiệp sẽ khiến cho lực lượng lao động có nguy cơ thiếu hụt trong và sau thời kỳ dịch bệnh. Chúng ta gặp rất nhiều trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp nhiều khi bị thua lỗ mà nguyên nhân chính là thiếu nguồn lao động có thâm niên và ổn định. Vì vậy trong thời kỳ dịch bệnh, tình trạng thiếu hụt lao động cả về số lượng và chất lượng trở nên nguy cơ cao hơn bao giờ hết.

Ảnh hưởng đến tổ chức sản xuất

Sự mất cân đối của yếu tố đầu vào, quá trình tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có tác động qua lại với nhau.  Khó khăn trong việc cung ứng vật tư nông nghiệp, nguồn lao động không ổn định, hạn chế các hoạt động giới thiệu sản phẩm, gặp gỡ đối tác để thỏa thuận mua hàng… sẽ khiến cho việc lập kế hoạch và tổ chức sản xuất trở nên khó khăn.

Tác động đến dòng tiền

Khi dịch bệnh xảy ra, các dòng tiền cho sản xuất rất khó để sử dụng đúng mục đích vì có nhiều chi phí phát sinh có thể xảy ra. Các trang trại hay nông hộ trồng trọt, chăn nuôi có nguy cơ cao bị nợ đọng lớn mặc dù bán được sản phẩm vì các công ty phân phối, hay thương mại sản phẩm nông sản gặp khó khăn. Hơn nữa, các tổ chức tín dụng (ngân hàng, tổ chức tín dụng, cá nhân) do tâm lý sợ rủi ro nên muốn nhanh chóng thu hồi vốn từ các trang trại, hộ dân. Do đó áp lực trả nợ sẽ đè lên người nông dân khi dòng tiền đã được đưa vào sản xuất. Ngoài ra để tiếp cận được nguồn vốn mới bổ sung trong thời điểm này sẽ không còn dễ dàng.

Cánh đồng chuối xuất khẩu HTX Nông nghiệp Công nghệ Cao Hòa Lạc. Ảnh:
Cánh đồng chuối xuất khẩu HTX Nông nghiệp Công nghệ Cao Hòa Lạc. Ảnh: Nguyễn Đức Ninh.

Các trang trại hay nông hộ sẽ phải chi trả thêm các khoản phát sinh như trang thiết bị an toàn lao động, đầu tư các thiết bị công nghệ để tương tác được thuận tiện hơn, việc chi trả cho chữa bệnh, nếu không may bị lây nhiễm, áp lực phải chi trả thêm tiền cho kho bãi và vận chuyển… Dòng tiền lúc khó lại càng trở nên khó hơn.

Các tác động tiêu cực khác

Dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp và chưa thể dự báo thời điểm kết thúc. Những tác động tiêu cực sẽ phát sinh như: (i) chậm mùa vụ do thiếu hụt lao động hay logistics dán đoạn; (ii) áp lực phải mở rộng diện tích kho bãi để bảo quản sản phẩm; (iii) bất đắc dĩ phải dịch chuyển cơ cấu, chủng loại vật nuôi cây trồng khi đối mặt với thua lỗ kéo dài hay lợi nhuận không đạt kỳ vọng….

Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt các khó khăn khác như: biến đổi khí hậu, mà cụ thể là mưa đá khu vực miền Bắc, ngập mặn đồng bằng Sông Cửu Long, hạn hán ở Tây Nguyên, dịch lợn tả Châu Phi, cúm gia cầm H5N6… Đồng thời chuỗi cung ứng có tính toàn cầu mà nguốn cung cấp đầu vào quan trọng từ Trung Quốc, đang gặp rất nhiều khó khăn. Những yếu tố này đang ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp trên toàn thế giới. Việt Nam không nằm ngoài những khó khăn đó. 

(Còn nữa)