Theo ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, liên quan đến vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, Samsung bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc Báo cáo chuyên đề của Ban Kinh tế Trung ương (KTTW) đã ghi nhận và tiếp thu các ý kiến của Samsung cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác.
Sau khi có Báo cáo của Ban KTTW, ông Choi Joo Ho cho biết, các Bộ ngành Chính phủ Việt Nam đã vào cuộc tích cực hơn trong nghiên cứu Đề án về Thuế tối thiểu toàn cầu và có các khuyến nghị chính sách cũng như đề xuất với Quốc hội để thông qua các Nghị quyết có liên quan.
Thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng. Hiện 142/142 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam đồng thuận. Với loại thuế này, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên sẽ đều phải đóng thuế 15%, dù là ở bất kỳ quốc gia nào.
Ông Choi Joo Ho bày tỏ mong muốn Ban KTTW tiếp tục theo dõi, đôn đốc sát sao vấn đề Thuế tối thiểu toàn cầu để Chính phủ cũng như Quốc Hội Việt Nam hiểu được nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp và có động thái tích cực trong nội luật hóa các nguyên tắc mà OECD đưa ra phù hợp với thực tiễn hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam và không trái với thông lệ cam kết quốc tế.
Về ý kiến trao đổi của ông Choi Joo Ho và các ý kiến khác của đoàn công tác của Tập đoàn Samsung, Phó KTTW Nguyễn Đức Hiển khẳng định, với chức năng nhiệm vụ được giao, Ban KTTW sẽ luôn theo sát và đốc thúc các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho Samsung phát triển gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu.
Phó Trưởng Ban KTTW cũng đánh giá cao việc Samsung là doanh nghiệp FDI lớn đầu tiên của Việt Nam thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo lớn tại Việt Nam, tin tưởng Samsung sẽ tiếp tục gắn bó với Việt Nam. "Ban KTTW luôn ghi nhận, tiếp thu các khuyến nghị chính sách của Samsung nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam", ông Hiển nói.
Cũng tại buổi làm việc, đại diện Samsung Việt Nam đã báo cáo với lãnh đạo Ban KTTW về kết quả hoạt động đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Đến cuối năm 2022, tổng vốn đầu tư vào tổ hợp Samsung Việt Nam là hơn 20 tỷ USD và hằng năm bổ sung khoảng 500 triệu đến 1 tỉ USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt 65 tỉ USD và đặt mục tiêu tăng 10% kim ngạch xuất khẩu cho năm 2023.
Năm 2022, Samsung đã hoàn thành Trung tâm Nghiên cứu và phát triển với số vốn 200 triệu USD với hơn 2.000 kỹ sư trong lĩnh vực CNTT nhằm đóng góp cho sự phát triển của ngành CNTT ở Việt Nam. Không chỉ có các hoạt động đầu tư sản xuất, hiện Samsung hợp tác với các trường đại học để tiến hành xây dựng phòng nghiên cứu chuyên sâu.
Theo chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam, Samsung có 6 pháp nhân sản xuất, 1 trung tâm nghiên cứu phát triển, với tổng vốn đầu tư 20 tỷ USD và chiếm 50% tỷ trọng sản lượng điện thoại được sản xuất trên toàn thế giới. Việt Nam cũng được coi là cứ điểm sản xuất quan trọng của Samsung.
Tuy nhiên, dự kiến từ 2024, Samsung và nhiều công ty lớn khác sẽ chính thức trở thành doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Do Hàn Quốc sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm sau, nên Samsung ước tính ngay năm tài chính 2024 sẽ phải đóng thêm một khoản thuế 400 triệu USD về Hàn Quốc. Nếu tính cho cả thời gian ưu đãi thuế tại Việt Nam, tổng số thuế chênh lệch phải đóng thêm ước tính 6,5 tỉ USD.
Đại diện Samsung đã nhiều lần đề xuất Việt Nam cần xây dựng các hình thức hỗ trợ mới để bù đắp cho các doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng do áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có thể nghiên cứu thay đổi chính sách ưu đãi thuế TNDN sang hỗ trợ đầu tư mang lại hiệu quả thực cho nhà đầu tư.
Hiện nay, hơn 1.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó, hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu ngay từ năm 2024./.