Startup Việt đừng bao giờ từ bỏ ước mơ!

VietTimes -- “Các startup Việt hãy luôn có những ước mơ và đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình. Hãy cố gắng theo đuổi ý tưởng đến tận cùng và hãy thực thi ý tưởng đó. Đừng sợ thất bại và đừng từ bỏ!”, bà Meirav Eilon Shahar - Đại sứ Israel tại Việt Nam, nhắn nhủ các startup như vậy trong cuộc trò chuyện với VietTimes .
Bà Meirav Eilon Shahar - Đại sứ Israel tại Việt Nam
Bà Meirav Eilon Shahar - Đại sứ Israel tại Việt Nam

- Thưa bà, bà cảm nhận thế nào về phong trào khởi nghiệp đang rất rầm rộ ở Việt Nam hiện nay?

- Trong hơn 4 năm ở làm việc tại Việt Nam với tư cách Đại sứ, tôi thực sự cảm nhận được sự chuyển mình của các bạn, đặc biệt là giới trẻ. Các bạn trẻ có những ý tưởng tuyệt vời và tinh thần doanh nhân thực thụ, các bạn thực sự đang theo đuổi những ước mơ của mình và cố gắng thực hiện chúng. Phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ những năm gần đây, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội và được Chính phủ hậu thuẫn mạnh mẽ.

 - Nhiều người hay nhắc tới Israel như là quốc gia khởi nghiệp. Vậy theo bà, bí quyết nào để đất nước bà khởi nghiệp và phát triển tự hào như vậy?

- Đầu tiên, đó là tính sáng tạo và đổi mới. Thêm nữa là tính cách dám nghĩ, dám làm và chịu đựng được thất bại (có một từ chỉ tính cách của người Do Thái, đó là “chutzpah” - có thể hiểu là liều lĩnh, thậm chí ở mức cao hơn là bất chấp). Tôi nghĩ việc bắt buộc đi nghĩa vụ quân sự trong vòng 2 năm khi tròn 18 tuổi cũng có đóng góp cho sự thành công của “quốc gia khởi nghiệp”. Đó là việc được rèn luyện, thử thách thường xuyên trong môi trường khắc nghiệt, học được cách làm việc theo nhóm, sự trách nhiệm, tính kỷ luật cũng như tính cộng đồng. Môi trường này cũng tạo điều kiện để kết nối và mở rộng quan hệ. Tôi nghĩ có ý tưởng là rất tốt, nhưng chưa thể đủ, điều quan trọng là làm thế nào để thực hiện những ý tưởng đó, biến chúng thành thực tế. Và vai trò của Chính phủ ở đây rất quan trọng, để có thể biến những ý tưởng này thành hiện thực.

- Có lần bà đã nói rằng,ở  Israel, người ta thích dùng những giám đốc đã thất bại vì cho rằng, đó là những người có kinh nghiệm và biết sợ… Còn ở Việt Nam thì như bà thấy, người ta rất sợ những người từng “ngã ngựa”. Bà có thể nói rõ hơn điều này được không?

- Tôi phải nói rằng không ai trong chúng ta là không sợ thất bại cả, nhưng cách thức chúng ta nhìn nhận sự thất bại và đương đầu với nó có thể khác nhau. Với người Israel, thất bại là cơ hội để học hỏi, trải nghiệm, để tự nhìn lại mình, rút ra kết luận, vượt qua, tiến bước và cố gắng tránh để thất bại đó lặp lại lần nữa. Cuối cùng, điều mình nhận được từ sự thất bại là kinh nghiệm để bắt đầu những điều mới mẻ tiếp theo.

- Một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công của các startup ở Israel là họ được nhà nước hỗ trợ, được rèn luyện trong quân đội… Vậy theo bà, văn hóa đóng vai trò thế nào trong sự thành bại của một startup?

- Tôi nghĩ việc bắt buộc đi nghĩa vụ quân sự trong vòng 2 năm đối với nữ và 3 năm đối với nam khi tròn 18 tuổi cũng có đóng góp cho sự thành công của “quốc gia khởi nghiệp” và góp phần tạo ra nét văn hóa riêng cho người Israel. Đó là việc được rèn luyện, thử thách thường xuyên trong môi trường khắc nghiệt, học được cách làm việc theo nhóm, tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật cũng như tính cộng đồng. Việc phải thích nghi và bị thử thách liên tục cũng rèn dũa những người dân đất nước chúng tôi cả về mặt thể chất và chủ động đối phó với mọi tình huống.

Ngoài ra văn hóa Israel là không ngừng đặt câu hỏi (questioning), luôn nghĩ ngoài khuôn khổ (think out of the box) và có cách tư duy phản biện (critical thinking).

Phong trào sáng tạo khởi nghiệp đang trở thành xu hướng của giới trẻ Việt Nam - ảnh minh họa
Khởi nghiệp san đang trở thành xu hướng của giới trẻ Việt Nam - ảnh minh họa

- Phản biện luôn là tư duy mà người đọc thấy khi đọc Startup Nation (Quốc gia khởi nghiệp). Vậy xin được hỏi nền giáo dục nước bà đã làm gì để tinh thần này thấm đẫm vào mỗi học sinh, sinh viên?

- Trẻ em Israel ngay từ khi còn rất nhỏ đã được bố mẹ, thầy cô khuyến khích đặt câu hỏi, đặc biệt là câu hỏi “tại sao” và “như thế nào”? Học sinh và sinh viên Israel thường xuyên “làm khó” giáo viên bằng những câu hỏi hóc búa hay những tranh luận quyết liệt. Một đặc điểm rất thú vị, ngay cả Kinh thánh của người Do Thái, từ vài nghìn năm trước cũng đã khuyến khích mọi người tìm ra những điều mới mẻ và đưa ra quan điểm của mình. Có thể nói, người Do Thái luôn được khuyến khích để tư duy, phân tích và đặt câu hỏi.

- Bà được nhiều bạn trẻ biết tới, không chỉ với tư cách là Đại sứ Israel tại Việt Nam mà còn vì bà đã giới thiệu và quảng bá cuốn sách “Startup Nation” tới độc giả Việt Nam. Vậy, bà sẽ nhắn nhủ điều gì tới riêng các startup Việt, thưa bà?

- Tôi muốn nhắn các startup Việt là hãy luôn có những ước mơ và đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình. Hãy cố gắng theo đuổi ý tưởng đến tận cùng và hãy thực thi ý tưởng đó. Đừng sợ thất bại và đừng từ bỏ!

- Còn điều gì mà phóng viên chưa hỏi nhưng bà có muốn chia sẻ thêm cùng độc giả của bản báo?

- Hệ sinh thái khởi nghiệp ở mỗi quốc gia đều có những đặc điểm riêng, dựa trên đặc thù về văn hóa kinh doanh mỗi nước. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của mối liên minh giữa Chính phủ - giới học thuật - doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ cần tạo cầu nối giữa các cơ quan nghiên cứu, giới học thuật với các doanh nghiệp tư nhân. Đây là mối quan hệ quan trọng, cần thiết nhưng khó thực hiện.

Các startup hãy dám thử và dám làm, bởi thử thách sẽ luôn xuất hiện trên suốt chặng đường, bởi vậy, hãy tìm cách để vượt qua chúng!

Tôi nghĩ có ý tưởng là rất tốt, nhưng chưa thể đủ, điều quan trọng là làm thế nào để thực hiện những ý tưởng đó, biến chúng thành thực tế.

- Cảm ơn bà đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của bản báo. Chúc bà và gia đình cùng các đồng nghiệp của bà mạnh khỏe, vui vẻ và thành công!

- Xin chúc độc giả một năm mới thành công, mạnh khỏe và hạnh phúc!