Startup công nghệ châu Á chuộng IPO tại Mỹ thông qua SPAC

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bỏ qua các sàn giao dịch Singapore và Hồng Kông, nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ châu Á chọn IPO tại Mỹ thông qua các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC).
Startup công nghệ châu Á chuộng IPO tại Mỹ thông qua SPAC
Startup công nghệ châu Á chuộng IPO tại Mỹ thông qua SPAC

Ít nhất 9 công ty khởi nghiệp (startup) Singapore và Hồng Kông đã công bố kế hoạch niêm yết cổ phiếu ở Mỹ thông qua các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) trong năm 2022, theo dữ liệu của Refinitiv.

Ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, dữ liệu của Refinitiv ghi nhận có ít nhất 28 giao dịch SPAC được thực hiện trong 9 tháng đầu năm 2022 với tổng giá trị 23,4 tỉ USD. Tuy nhiên, không thương vụ nào liên quan đến các SPAC đang giao dịch tại Singapore và Hồng Kông.

SPAC là thuật ngữ chỉ các công ty đã niêm yết nhưng không có hoạt động kinh doanh thực chất, thường được lập bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Việc hợp nhất với SPAC được xem là phương thức phổ biến để các startup có thể IPO trên thị trường chứng khoán, kể như việc 'siêu ứng dụng' gọi xe và giao đồ ăn Grab niêm yết vào tháng 12/2021. Cụ thể, Grab đã hợp nhất với một SPAC đang niêm yết trên sàn Nasdaq có tên là Altimeter Development.

Tuy nhiên, việc đặt cược vào SPAC không phải lúc nào cũng thành công. Chẳng hạn, sau khi Grab niêm yết tại Mỹ thông qua SPAC, giá ​​​​cổ phiếu công ty đã giảm gần 21% sau phiên giao dịch đầu tiên.

IPO qua SPAC thoái trào

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine khiến giá năng lượng và lương thực tăng mạnh. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương cũng đẩy mạnh thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát.

Đây được xem là tin xấu đối với các SPAC. Bởi lẽ, trong bối cảnh 'tiền rẻ' không còn, các nhà đầu tư thường thường thận trọng đối với các startup công nghệ đang hy sinh lợi nhuận để đổi lấy tăng trưởng.

Theo Anish Ailawadi, trưởng bộ phận ngân hàng đầu tư toàn cầu tại Acuity Knowledge Partners, cho rằng 'thời kỳ vàng' của các thương vụ IPO và sáp nhập SPAC đã qua, phản ánh bối cảnh vĩ mô toàn cầu.

Ailawadi cũng lưu ý rằng, các tiêu chuẩn vốn hóa thị trường tối thiểu ở Mỹ đối với các SPAC thấp hơn ở Hồng Kông và Singapore. Điều này khiến các startup ưu tiên lựa chọn IPO tại Mỹ.

"Định giá ở Mỹ thường cao hơn ở các thị trường châu Á. Hầu hết các công ty tư nhân thích SPAC có trụ sở tại Mỹ hơn các SPAC từ các khu vực khác", Ailawadi chia sẻ.

Hypebeast - công ty thương mại điện tử và truyền thông kỹ thuật số Hồng Kông - đã công bố kế hoạch niêm yết trên sàn Nasdaq vào tháng 4/2022 bằng cách hợp nhất với SPAC Iron Spark I với số tiền 221,8 triệu USD. Đây là công ty duy nhất ở Hồng Kông niêm yết qua SPAC trong năm 2022.

8 doanh nghiệp tại Singapore cũng công bố các kế hoạch hợp nhất SPAC, 7 trên Nasdaq và 1 trên NYSE.

Các trung tâm tài chính quan trọng của châu Á vẫn chưa thể thu hút giới công nghệ khi Mỹ tiếp tục thể hiện sức hút lớn của mình, bất kể sự quan tâm tới SPAC suy giảm.

Ở Singapore, sau đợt IPO của 3 SPAC vào tháng 1/2022, sàn chứng khoán ở quốc gia này đã không ghi nhận thương vụ nào như vậy cho tới thời điểm hiện tại của năm 2022.

Ở Hồng Kông, Aquila Acquisition và Vision Deal HK Acquisition là những SPAC đã niêm yết, cùng với hơn 10 công ty khác.

Dù năm 2022 sắp kết thúc, vẫn chưa rõ liệu các SPAC này có công ty nào mua lại hay không./.

Theo Nikkei Asia