Hành trình 'kỳ lân' của VNG

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Từ một công ty phát hành game, dưới tài thao lược của nhà sáng lập Lê Hồng Minh, VNG đã trở thành 'kỳ lân' đầu tiên của Việt Nam, kinh doanh trong các lĩnh vực: trò chơi trực tuyến, thanh toán, dịch vụ đám mây,

CEO Lê Hồng Minh và 18 năm xây dựng ‘kỳ lân’ đầu tiên của Việt Nam
CEO Lê Hồng Minh và 18 năm xây dựng ‘kỳ lân’ đầu tiên của Việt Nam

Sau 18 năm phát triển, CTCP VNG (VNG) đã trở thành tên tuổi lớn trong cộng đồng những người đam mê công nghệ, game online. Ông Lê Hồng Minh – nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VNG – được biết đến là 'con nghiện game' theo đúng nghĩa đen.

Ở giác độ nào đó, niềm đam mê với game thời sinh viên của ông Lê Hồng Minh đã trở thành 'niềm cảm hứng' cho sự ra đời của VNG sau này.

Sinh năm 1977, ông Lê Hồng Minh từng có khoảng thời gian du học tại Úc và tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng tại Đại học Monash, Melbourne. Năm 2001, ông về nước và làm việc cho những tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực tài chính như PwC, Vina Capital. Song, tình yêu dành cho game không hề giảm sút.

Như VietTimes từng đề cập, khiêm tốn nhưng hài hước và tràn đầy cảm hứng là cảm nhận của những người từng tiếp xúc với nhà sáng lập VNG Lê Hồng Minh. Hiếm khi trả lời phỏng vấn báo chí, song CEO VNG luôn sẵn sàng nhận lời làm diễn giả trong các diễn đàn dành cho người trẻ.

Cách nói chuyện lôi cuốn, pha trò hóm hỉnh khi cần, những chia sẻ tâm huyết, không một chút “màu mè” khiến cho khán giả luôn cảm thấy thoải mái, không có khoảng cách khi đặt câu hỏi với Lê Hồng Minh.

Võ Lâm Truyền Kỳ - một trong những tựa game tạo nên tên tuổi cho VNG (Ảnh: VNG)

Võ Lâm Truyền Kỳ - một trong những tựa game tạo nên tên tuổi cho VNG (Ảnh: VNG)

Hành trình 'kỳ lân' của VNG

Sự ra đời của VNG vẫn thường được nhắc đến như một giai thoại của giới đam mê công nghệ, game online.

Cụ thể, để thỏa mãn sở thích chơi game của mình, ông Minh đã cùng một vài người bạn thành lập quán café internet nhỏ. Nhận thấy được tiềm năng của quán, ông Minh đã quyết định nghỉ việc ở Vina Capital, cùng 4 người bạn lập ra Vinagame (tiền thân của VNG hiện tại) với vốn ban đầu là 4,5 tỉ đồng, trong đó ông Minh góp 2,62 tỉ đồng.

Năm 2005 đánh dấu thành công đầu tiên của Vinagame bằng việc ký kết với Kingsoft để mang game Võ Lâm Truyền Kỳ về Việt Nam. Với việc ghi nhận 200.000 người chơi truy cập cùng một thời điểm chỉ trong vòng 1 tháng ra mắt, Võ Lâm Truyền Kỳ đã đưa Vinagame được đứng trong hàng các nhà phát triển game lớn tại Việt Nam.

Đến năm 2009, CEO Lê Hồng Minh quyết định đổi tên Vinagame thành CTCP VNG, điều này phần nào đã khẳng định quyết tâm của ông trong việc mở rộng lĩnh vực hoạt động, không chỉ dừng lại ở game mà còn mở rộng sang nhiều mảng kinh doanh khác trong lĩnh vực công nghệ.

Để thực hiện tham vọng đó, bên cạnh việc phát triển các game online mới, VNG còn tích cực phát triển các ứng dụng như ra mắt hệ thống dịch vụ trực tuyến Zing (bao gồm Zing MP3, ZingMe, Zing Chat, Zingnews), ra mắt ứng dụng nhắn tin và gọi điện trên nền tảng di động Zalo, ví điện tử ZaloPay, trợ lý ảo của Zalo mang tên Ki – Ki. Ngoài ra, VNG còn góp vốn đầu tư vào các công ty start – up công nghệ như Tiki, Telio, Ecotruck, Rocketeer,…

Năm 2014 có lẽ là một cột mốc đáng nhớ của VNG khi sau đúng 10 năm hoạt động, công ty chính thức được định giá 1 tỉ USD theo World Start – up Report, trở thành ‘kỳ lân’ đầu tiên tại Việt Nam.

VNG giờ đây còn muốn tiến xa hơn thế khi đang tiến gần tới việc niêm yết tại Mỹ vào cuối năm 2022, với kế hoạch chào bán 12,5% cổ phần trong đợt IPO trên sàn Nasdaq.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, VNG đang trải qua 3 quý thua lỗ liên tiếp. Trong quý 2/2022, VNG báo lỗ sau thuế 371,9 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái báo lãi 221,3 tỉ đồng. Trước đó, trong quý 4/2021 và quý 1/2022, công ty này báo lỗ lần lượt 282,8 tỉ đồng và 109,6 tỉ đồng.

Nên biết, tới cuối quý 2/2022, VNG ghi nhận lỗ lũy kế từ Tiki Global ở mức 510,1 tỉ đồng, từ Telio là 32,3 tỉ đồng, Ecotruck là 5,4 tỉ đồng và Rocketeer là 4,7 tỉ đồng.

Đáng chú ý, tại ngày 30/6/2022, công ty đã trích lập tới 2.055,1 tỉ đồng dự phòng đầu tư tài chính dài hạn vào CTCP Zion – đơn vị phát triển ZaloPay, tăng 514,3 tỉ đồng so với đầu năm./.