Nỗi chua xót của niềm tự hào công nghệ Nhật
Yozo Hasegawa, tác giả cuốn sách Lãnh đạo Doanh nghiệp Nhật Bản, cho rằng vấn đề bắt đầu xảy ra với câu chuyện thành công của Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ 2. Sau chiến tranh, Nhật Bản có 2 ngành công nghiệp dẫn đầu, đó là ngành công nghiệp xe hơi và công nghiệp điện tử. Tuy nhiên, sau năm 1989, là năm đỉnh điểm của nền kinh tế Nhật Bản, mọi thứ đã thay đổi. Theo các chỉ số của Diễn đàn kinh tế thế giới, và chỉ số xếp hạng Nikkei, trong năm 1999 và 2000, “nền kinh tế toàn cầu đã phát triển, và thị trường nội địa Nhật Bản phải đối mặt với sự thay đổi kinh tế mạnh mẽ”.
Ngành kinh doanh điện tử Nhật Bản dẫn đầu thế giới nhờ công nghệ rất tiên tiến. “Tuy nhiên, gần đây, hàng điện tử tiêu dùng đã trở thành một loại hàng hóa phổ biến, và không chỉ Nhật Bản mà các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng cập nhật công nghệ. Điểm khác biệt duy nhất với hàng Nhật là mức giá, vì tính cạnh tranh của hàng Nhật vẫn cao và hàng Nhật nổi tiếng đắt đỏ”.
Theo ông Hasegawa, điểm tốt của doanh nghiệp Nhật Bản là sản phẩm của họ “chính xác hơn, chất lượng cao hơn. Nhưng thị trường mới yêu cầu không chỉ chất lượng mà cả mức giá rẻ. Nói cách khác, các công ty Nhật Bản như Sony đang mất đi sự cạnh tranh về giá cả. Một điều nữa là ở một góc độ nào đó, doanh nghiệp Nhật Bản khá “kiêu ngạo” về công nghệ của họ. Chẳng hạn, họ tin họ có thể đi đầu thế giới về công nghệ màn hình tinh thể lỏng hoặc mảng bán dẫn.
Các công ty Nhật cũng dẫn đầu về hệ thống phân phối, họ cũng tập trung vào PR sản phẩm. Tuy nhiên, sau khi thị trường mở cửa, Nhật có cơ hội nhập khẩu sản phẩm nước ngoài. Theo một khảo sát của Nikkei, khi người Nhật được hỏi họ thích hình ảnh công ty nào nhất, câu trả lời là Apple, Google, không phải Sony hay Panasonic.
Các đây mấy năm, điện thoại NTT Docomo và các smartphone khác của Nhật thống trị thị trường, nhưng khi Softbank giới thiệu iPhone đến Nhật Bản vào mùa hè năm 2008. Ban đầu, thị trường phản ứng yếu ớt, nhưng dần dần iPhone đã trở thành mẫu điện thoại được yêu thích nhất của giới trẻ và cả thế hệ người lớn của Nhật.
Quá tập trung vào phần cứng, xem thường phần mềm và dịch vụ
Theo một bài viết hồi năm 2012 của báo Wall Street Journal, các công ty Nhật Bản đã đánh bại đối thủ bằng những sáng tạo về phần cứng – từ TV màn hình phẳng đến ĐTDĐ cao cấp. Tuy nhiên, các đối thủ nước ngoài nhanh chóng đưa ra nhiều cải tiến, tích hợp vào sản phẩm những phần mềm dễ sử dụng và dịch vụ online, cùng với một thông điệp marketing thông minh hơn.
“Các hãng Nhật Bản quá tự tin với công nghệ và năng lực sản xuất. Chúng tôi đã mất đi cái nhìn về sản phẩm dưới góc độ người tiêu dùng”, Chủ tịch Kazuhiro Tsuga của hãng Panasonic từng nói.
Vào những năm 1970 và đầu 1980, Nhật Bản thống trị thế giới điện tử tiêu dùng với các sản phẩm chip nhớ, TV màu, máy ghi âm, các phòng thí nghiệm của công ty Nhật cũng đã cho ra đời những sản phẩm cách mạng như Walkman, đầu đĩa CD và DVD. Tuy nhiên, giờ đây, các công ty Nhật đang đứng sau Apple, Google và Samsung trong suy nghĩ của người tiêu dùng.
Vấn đề của các công ty Nhật nằm ở sức mạnh truyền thống, đó là sự kiên định quá mức với quan điểm “monozukuri” – nghệ thuật sản phẩm, tức là quá tập trung vào phát triển phần cứng. Thực ra, quan điểm này bắt nguồn từ niềm tự hào quốc gia, khiến các hãng điện tử Nhật cố gắng cho ra những sản phẩm mỏng nhất, nhỏ nhất thế giới – trong khi lại đánh mất những yếu tố thực sự quan trọng với người dùng là thiết kế và dễ sử dụng.
Chẳng hạn, trong trường hợp sách điện tử, Sony tập trung bán thiết bị, còn Amazon tập trung bán sách. Vì thế, Kindle được ưa chuộng hơn vì mục đích của người dùng khi mua thiết bị là: mua và đọc sách.
Đồng yên tăng giá
Ngoài ra, đồng yên tăng giá các đây mấy năm cũng khiến các hãng Nhật Bản gặp khó khăn trong việc theo đuổi sáng tạo mới, nhưng lại phải có mức giá hợp lý để thu hút thị trường. Đồng yên tăng cao đến mức kỷ lục đã thu hẹp tỷ suất lợi nhuận của hàng hóa Nhật Bản bán ra nước ngoài – một vấn đề mà các nhà sản xuất Hàn Quốc đã tránh được nhờ giá trị đồng won tương đối thấp. Sự xói mòn lợi nhuận khiến hãng Nhật Bản khó đầu tư hơn vào các sản phẩm và công nghệ tương lai.
Không nói đâu xa, các công ty Nhật đã bị bỏ lại trong cuộc đua phát triển công nghệ TV thế hệ mới. Samsung đã thống trị thị trường màn hình OLED cỡ nhỏ dùng trong smartphone và các thiết bị di động. Giờ đây, Samsung và LG đều là những tên tuổi lớn trên thị trường TV.
Sony từng thừa nhận rằng hãng đã trở thành “chất xúc tác” cho Samsung và các đối thủ dẫn đầu trong phát triển sáng tạo. Các nhà lãnh đạo Sony cay đắng thừa nhận họ tạo ra các thiết bị để đối thủ theo đuổi và có thể bắt chước với mức phí thấp hơn.
“Người chạy đầu tiên phải đối mặt với gió bão – đôi khi, người chạy sau lại dễ dàng di chuyển hơn”, Tadashi Saito, một lãnh đạo chiến lược của Sony từng nói.
Các đối thủ có tiềm lực tài chính, được hỗ trợ tốt hơn có thể phát triển sản phẩm mới, hoặc công nghệ mới khiến các thiết bị của Nhật trở nên kém cạnh tranh hơn, và cuối cùng đã dẫn đến sự thua lỗ nhiều hơn cho các công ty Nhật Bản.
Điều này hoàn toàn là sự thật. Trước đây, luôn có một khoảng cách lớn giữa chi phí dành cho nghiên cứu và phát triển của các công ty Nhật và các công ty Hàn Quốc. Sony và Panasonic vốn có lịch sử chi trội hơn Samsung trong khoản R&D, nhưng bắt đầu vào năm 2009, hãng Hàn Quốc đã vượt qua đối thủ Nhật Bản và khoảng cách này lại ngày càng lớn hơn.
Trong năm 2011, Samsung chi khoảng 8,7 tỷ USD cho R&D, còn Sony chỉ có 5,5 tỷ USD, Panasonic chỉ có 6,6 tỷ USD.
Theo: ITC New