Sống nguy hiểm trong chung cư cũ

Ông Phạm Văn Khương (ở lô K, chung cư Ngô Gia Tự, Q.10, TP.HCM) cho biết gia đình ông sống tại chung cư này từ năm 1971. Cả gia đình chen chúc trong căn hộ chỉ 30m2.
Nhiều chung cư trong cụm chung cư Ngô Gia Tự (Q.10, TP.HCM) xập xệ, xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: Tiến Long
Nhiều chung cư trong cụm chung cư Ngô Gia Tự (Q.10, TP.HCM) xập xệ, xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: Tiến Long

Theo ông, chung cư Ngô Gia Tự hồi mới xây rất tốt. Có được căn hộ ở đây là mơ ước của nhiều người.

Rệu rã

Giờ thì tất cả các lô đều quá hạn sử dụng, chất lượng chỉ còn 30 - 40%. Nhiều mảng tường nứt nẻ, lòi sắt. Chỉ trận mưa nhỏ nước từ sân thượng chảy xuống thấm dột ướt hết tầng dưới và các lối thang.

Có cầu thang xuống cấp đến mức người dân phải rào bít lại vì sợ khách đến chơi không biết, đi lại rất nguy hiểm. Hệ thống điện, nước chằng chịt như mạng nhện. Người dân phải sửa đi sửa lại nhiều lần mới sử dụng được. Ông Khương cười buồn: “Mục nát vậy mà người dân vẫn phải ở”.

Mưa càng lúc càng to. Bà Trần Thị Ngọc Lệ (lô M, chung cư Ngô Gia Tự) cố che chắn lại cửa cho nước đỡ tạt vào nhà.

Bà cho biết cụm chung cư được xây từ năm 1968. Thời gian sử dụng quá lâu, nền móng được xây trên ao hồ nên chung cư xuống cấp trầm trọng. Nó đã nhiều lần được gia cố, sửa chữa nhưng qua vài trận mưa, chung cư lại bị lún sụt, nứt tường, vữa ximăng rơi trúng cả đầu.

Một số hộ dân muốn sửa, nhưng nghe di dời nên chần chừ không dám sửa. Hầu hết phải “chữa cháy” bằng cách hư đến đâu vá giặm tạm ximăng đến đó.

“Mới cách đây mấy hôm, một chị vào mua ve chai bị ximăng rơi trúng đầu, may mà chỉ chảy máu” - bà Lệ kể.

Giữa trưa nắng, bà Đặng Thị Mạnh (lô E, chung cư Nguyễn Thiệt Thuật, Q.3) phải ra hành lang trải chiếu nằm nghỉ.

Bà cầm cây quạt tay khua lia lịa. Bà than dù máy quạt chạy số mạnh nhất mà người vẫn đổ mồ hôi như tắm. Các căn hộ sử dụng quá lâu, trời mưa thì thấm dột, lúc nắng hơi nóng tỏa ra bức bí. Cả tháng nay, ngày nào bà cũng trải chiếu ra hành lang nằm cho mát.

“Tháng này còn đỡ chứ mấy tháng trước nắng nóng hầm hầm không sao ngủ được trong nhà” - bà Mạnh ủ ê nói.

Trong khi đó mới 16g, chung cư 727 Trần Hưng Đạo (Q.5) đã tối đen như mực. Không có một vài tiếng rít phanh của người ra vào bãi giữ xe, chắc ai cũng nghĩ nó đã hoang phế từ lâu. Ngước nhìn từ dưới đất lên, một vài tầng sáng đèn leo lét trông âm u, lạnh lẽo.

Chúng tôi vừa vào cổng, một người bán hàng đã dọa: “Trên đó đi hết, còn dăm bảy hộ, không có việc đừng lên đó làm gì, kim tiêm vương vãi, gạch ngói đổ nát ngổn ngang, nguy hiểm lắm”.

Ông Nguyễn Lộc Thành, một trong những chủ hộ ít ỏi còn lại, dẫn chúng tôi leo bộ lên chung cư. Căn hộ ông Thành tít tầng 10, xám xịt, gác lửng mục ruỗng bỏ trống. Ông Thành buồn rầu nói: “Cả nhà tôi tám người chen chúc trong diện tích chưa đầy 25m2”.

Cuộc sống nguy hiểm

Ở nhiều chung cư cũ nát tại TP.HCM, ngày ngày người dân vẫn phải sống khổ sở. Từng dãy nhà cũ kỹ, mục nát đến mức có thể gây nguy hiểm. Những mảng tường úa màu, bong tróc vữa vụn. Trần nhà loang lổ vết trám ximăng.

Trong số 25 chung cư xuống cấp, hư hỏng nặng theo kế hoạch sẽ di dời, tháo dỡ trong giai đoạn 2011 - 2015, đến nay TP.HCM chỉ mới di dời, tháo dỡ được tám chung cư.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa, chủ hộ 404 chung cư Trúc Giang (Q.4, TP.HCM), cho biết bà về sống ở chung cư từ năm 1976. Căn hộ sử dụng lâu năm đã rệu rã, cũ kỹ. Hai năm nay, bà Hoa phải nhiều lần gọi thợ sửa đi sửa lại nhiều lần. Được thời gian căn hộ lại hư hỏng.

“Giờ chỉ muốn di dời càng sớm càng tốt, chứ ở kiểu nơm nớp không biết sập khi nào như thế này sợ mà chết mất” - bà Hoa nói.

Bà Lê Thị Nguyệt, tổ trưởng dân phố 8 chung cư Trúc Giang, cho biết hiện chung cư này đã xuống cấp trầm trọng. Nhiều căn nứt nẻ, lòi sắt. Căn hộ của gia đình bà Nguyệt bị mưa dột. Trên giường ngủ bà giăng tấm nilông lớn để nước không chảy xuống.

“Cuộc họp nào người dân cũng trăn trở trước sự rệu rã của chung cư. Hầu hết các hộ đồng ý phương án đổi nhà và đã sẵn sàng di dời nhưng không biết khi nào mới được đi đây...” - bà Nguyệt nói.

Thời gian này, các hộ dân sống ở chung cư Ấn Quang (Q.10, TP.HCM) cũng đang tự sửa chữa căn hộ trước khi có kế hoạch di dời. Chung cư Ấn Quang có tất cả sáu lô đã bị thấm dột, hư hỏng.

Hầu hết bancông đều bị mục, các tấm tường dột mưa có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Mục nát, bong tróc nặng nhất là hai lô E, F. Trong khi đó chỉ có lô B là mới hoàn thành sửa chữa, các lô còn lại vẫn “dài cổ” chờ.

Ông Trần Văn Bình, thành viên ban quản trị chung cư Ấn Quang, cho biết cư dân phải tự bỏ tiền gia cố tạm thời ở được tới đâu hay tới đó.

Từ đầu năm 2015 đến giờ đã có 50 hộ dân xin tự sửa chữa lại căn hộ. Phía ban quản trị cũng đã có báo cáo với Ban quản lý nhà Q.10 về mức độ xuống cấp của các lô để có kế hoạch sửa chữa kịp thời cho dân.

Chậm tháo dỡ chung cư hư hỏng do kinh tế khó khăn

Cả tháng nay cứ buổi trưa, bà Đặng Thị Mạnh (căn hộ 119 lô E chung cư Nguyễn Thiện Thuật) phải trải chiếu ra hành lang ngồi tránh nóng - Ảnh: Tiến Long
Cả tháng nay cứ buổi trưa, bà Đặng Thị Mạnh (căn hộ 119 lô E chung cư Nguyễn Thiện Thuật) phải trải chiếu ra hành lang ngồi tránh nóng - Ảnh: Tiến Long

Bộ Xây dựng cho biết đang khẩn trương lập dự thảo về việc tổ chức tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định và xây dựng lộ trình sử dụng nhà cũ, trong đó có các chung cư cũ hết niên hạn sử dụng tại các đô thị trong toàn quốc.

Sau khi kiểm tra sẽ xác định rõ lộ trình sử dụng hay phá bỏ các công trình này. Dự kiến trong tháng 10 sẽ xây dựng xong quy trình kỹ thuật để trình Chính phủ ban hành chỉ thị. Sau đó, khoảng cuối năm nay, đầu năm 2016 bắt đầu kiểm tra.

Mới đây, giữa tháng 10-2015, UBND TP.HCM cũng vừa yêu cầu rà soát các công trình xây dựng đã xuống cấp, trong đó có các chung cư cũ có dấu hiệu nguy hiểm hoặc hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác sử dụng trên địa bàn TP.HCM, theo yêu cầu của Bộ Xây dựng.

Trước đó, TP.HCM cũng tổ chức khảo sát, kiểm định, đánh giá lại hiện trạng chung cư cũ trên địa bàn TP nhằm mục đích cho tồn tại hay không để sửa chữa, nâng cấp hoặc kịp thời tháo dỡ, di dời.

Riêng TP.HCM có 533 chung cư, nhà tập thể xây dựng trước năm 1975 với 50.640 căn hộ. Đây là những chung cư cũ, hư hỏng, một số chung cư như 727 (Q.5), Cô Giang (Q.1), Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) đã xuống cấp nặng, có thể sập bất cứ lúc nào.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2011 - 2015 sẽ tháo dỡ khoảng 445.000m2 sàn chung cư cũ, hư hỏng nhưng đến nay mới tháo dỡ được khoảng 271.000m2 (60% so với kế hoạch).

Tiến độ tháo dỡ chung cư cũ, hư hỏng trên địa bàn TP.HCM chậm, theo báo cáo của Sở Xây dựng gửi UBND TP.HCM, là do kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, Nhà nước thiếu kinh phí kiểm định chung cư cũ, xuống cấp (mới kiểm định được 40 trong tổng số 178 chung cư cũ cần kiểm định), thiếu quỹ nhà tái định cư...

Theo Tuổi trẻ