Soi hàng giả bằng smartphone

Tem có mã vạch được dán lên sản phẩm, người tiêu dùng sử dụng điện thoại cài phần mềm quét lên để biết nguồn gốc xuất xứ, phân biệt thật giả.
Tem dán trên sản phẩm, khi soi smartphone sẽ hiện ra thông tin truy nguồn gốc. Ảnh: S.H
Tem dán trên sản phẩm, khi soi smartphone sẽ hiện ra thông tin truy nguồn gốc. Ảnh: S.H

Ngày 17/11, công nghệ chống hàng giả bằng smartphone (quét mã vạch hoặc nhắn tin) để truy xuất nguồn gốc được giới thiệu tại tọa đàm do Cục Sở hữu trí tuệ, Hội bảo vệ Người tiêu dùng TP HCM tổ chức.

Chiếc tem thông minh có tên Vina Check tích hợp nhiều khả năng để kiểm tra hàng thật - giả. Tem dán trên sản phẩm có mã vạch sử dụng công nghệ Qrcode, khi người tiêu dùng sử dụng smartphone có cài phần mềm quét vào ô này thì thông tin về sản phẩm sẽ xuất hiện.

Những thông tin bao gồm xuất xứ, đặc tính, giá, đơn vị sản xuất, nơi phân phối, ngày xuất kho cũng như số điện thoại, địa chỉ liên hệ… hiện lên smartphone. Trên con tem cũng có mã code, người tiêu dùng có thể nhắn tin về tổng đài (miễn phí) để nhận lại thông tin sản phẩm.

Giải pháp này không chỉ giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc mà còn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quản lý kho, các kênh bán hàng, hệ thống lưu thông hàng hóa khoa học thông qua phần mềm trên điện thoại.

Theo đơn vị thiết kế, con tem có giá khoảng 1.000 đồng, được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Công an, cơ quan Quản lý thị trường công nhận. Tem được nghiên cứu chế tạo trong 8 năm, tích hợp nhiều tính năng chống giả thế giới đang sử dụng.

PGS TS Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng Ban 389 (chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại) - cho biết, trong 10 tháng đầu năm cơ quan chức năng đã phát hiện 172.000 vụ liên quan đến gian lận thương mại, tăng 2% cùng kỳ, thu ngân sách 13.000 tỷ đồng. Hơn 2.000 vụ liên quan đến hàng giả cũng bị xử lý, phạt hành chính 58 tỷ đồng.

"Sản xuất không giấy phép hoặc có giấy nhưng không đúng chức năng ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng. Việc xác định được hàng hóa, truy xuất nguồn gốc để người dân yên tâm về chất lượng là rất cần thiết", ông Thế nói và cho rằng giải pháp Vina Check nên được triển khai sâu rộng tại các doanh nghiệp để bảo vệ thương hiệu, còn người tiêu dùng phân biệt được hàng thật – giả.

TP HCM cũng đang triển khai Đề án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo. Theo đó, heo tại chuồng được gắn vòng nhận diện, khi ra thị trường sẽ có tem dán trên thịt và người tiêu dùng sẽ kiểm tra sạch hay bẩn bằng ứng dụng trên smartphone.

Theo VnExpress