VAMC, nợ xấu và lợi nhuận ngân hàng

Tất cả những ngân hàng nợ xấu còn trên 3% sẽ phải tiếp tục bán nợ. Với kế hoạch đó, nợ xấu của hệ thống nhiều khả năng sẽ giảm xuống dưới 3% tổng dư nợ như cam kết của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trước Quốc hội.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đến cuối năm ngoái đã mua tổng cộng 123.000 tỉ đồng nợ xấu, trong đó riêng năm 2014 đã mua 80.000-85.000 tỉ đồng, tăng mạnh so với năm 2013. Năm nay VAMC dự kiến sẽ mua khoảng 200.000 tỉ đồng nợ xấu nữa. Với kế hoạch đó, nợ xấu của hệ thống nhiều khả năng sẽ giảm xuống dưới 3% tổng dư nợ như cam kết của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trước Quốc hội.

Nợ xấu, theo số liệu báo cáo của các ngân hàng, đã giảm tương đối. Một số ngân hàng đến giữa hoặc hết quí 3 năm trước có tỷ lệ nợ xấu cao hơn 3%, đến cuối năm đã đưa về dưới mức trên. Có ngân hàng chỉ trong quí 4 đã bán cho VAMC hàng ngàn tỉ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu 0,89% vừa được VietinBank công bố làm thị trường tài chính sửng sốt. Con số này ngay cả những tập đoàn ngân hàng sừng sỏ thế giới cũng phải mơ ước. VietinBank làm thế nào tiến bộ nhanh thế trong việc xử lý nợ xấu?

Các ngân hàng phải tích cực thay đổi chiến lược phát triển trong bối cảnh mới
Các ngân hàng phải tích cực thay đổi chiến lược phát triển trong bối cảnh mới

Tất cả những ngân hàng nợ xấu còn trên 3% sẽ phải tiếp tục bán nợ. Với những ngân hàng khác, bán nợ là tự nguyện. Xét thấy ích lợi tốt cho từng thời điểm, họ bán. Còn không, có thể tạm ngưng. Bán nợ xấu cho VAMC, ở mặt trái của tấm huy chương, chẳng khác nào “vạch áo cho người xem lưng”, nên ngân hàng không mặn mà cũng là bình thường.     

Có ba lý do buộc ngân hàng cân nhắc khi bán nợ cho VAMC. Thứ nhất, bán nợ là công khai tên tuổi doanh nghiệp, cá nhân vay cho cơ quan quản lý. Do đối tượng vay đã “dính” vào nợ xấu, việc cho vay mới, hoặc đảo nợ, hoặc cho vay thêm... đều không còn “thoải mái” như trước. Nếu doanh nghiệp vay có quan hệ tín dụng với ngân hàng thứ 2, thứ 3 và mặc dù khoản vay ở đây không quá hạn, theo quy định của Thông tư 02 áp dụng từ đầu năm nay, ngân hàng thứ 2, thứ 3 bắt buộc xếp khoản vay của doanh nghiệp kia vào nhóm nợ xấu.

Thứ hai, nợ xấu đã bán, khoản lãi dự thu từ khoản nợ ấy sẽ phải thoái ra, không được tính vào lợi nhuận nữa. Theo quy định, đối với các nghĩa vụ nợ quá hạn trên 90 ngày (gốc hoặc lãi), lãi sẽ không được tính vào lãi dự thu. Tuy nhiên, hiện ít ngân hàng làm theo quy định này. Một số không nhỏ nợ quá hạn vẫn được một số ngân hàng tính lãi dự thu. Trong báo cáo tài chính của ngân hàng, lãi dự thu được nhập luôn vào mục thu nhập từ lãi, nên không dễ bóc tách, phân biệt.

Thứ ba, ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro 20%/năm giá trị nợ xấu đã bán. Xem ra, bán nợ khiến lợi nhuận hụt cả hai đầu: đầu vào lãi dự thu, đầu ra dự phòng rủi ro. Giả sử một ngân hàng bán cho VAMC 5.000 tỉ đồng nợ xấu, họ phải thoái ra khoản lãi dự thu đâu đó 500-600 tỉ đồng/năm (tùy lãi suất cho vay từng năm), cộng thêm 1.000 tỉ đồng/năm trích dự phòng. Lợi nhuận ngân hàng bị ảnh hưởng quá mạnh.

Vì những lý do trên, mấy tháng đầu năm 2014 việc mua nợ xấu của VAMC rất chật vật. Sau đó, ngày 7-5-2014, NHNN ban hành Văn bản số 3038/NHNN-TTGSNH yêu cầu tổ chức tín dụng thực hiện việc bán nợ xấu cho VAMC. Văn bản nêu rõ: “Trường hợp tổ chức tín dụng trích lập dự phòng rủi ro lớn dẫn đến lỗ, tổ chức tín dụng đề xuất phương án trích lập dự phòng rủi ro phù hợp với tình hình và khả năng tài chính, báo cáo NHNN xem xét, chấp thuận”.

Tiếp đó văn bản khẳng định: “Tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu theo kết quả thanh tra, giám sát trên mức 3% không có kế hoạch, hoặc có kế hoạch nhưng chậm bán nợ xấu theo kế hoạch bán nợ cho VAMC sẽ không được NHNN xem xét, chấp thuận đề nghị mở rộng nội dung hoạt động, giới hạn tăng trưởng tín dụng, mở rộng quy mô, địa bàn hoạt động và mở chi nhánh, phòng giao dịch”. 

Không biết có phải do văn bản trên mà sau đó việc mua nợ xấu của VAMC diễn ra dồn dập, giá trị nợ mua được cải thiện nhanh chóng. Cũng không biết có bao nhiêu ngân hàng, bao nhiêu khoản nợ xấu đã bán, được đề xuất và được xem xét, chấp thuận trích lập dự phòng rủi ro phù hợp với tình hình và khả năng tài chính. Đương nhiên mức đề xuất phải thấp hơn quy định 20%. Do không có mức đề xuất tối thiểu, có thể hiểu mức đề xuất trích lập có thể tới 0%/năm.

Có hai điều đáng nói ở đây. Việc đề xuất và xem xét, chấp thuận không áp dụng đại trà cho mọi ngân hàng (nếu áp dụng đại trà thì thành quy định chung rồi), nên không tạo ra sự công bằng, bình đẳng giữa các ngân hàng. Các ngân hàng cũng không công bố công khai mức đề xuất và có thể được xem xét, chấp thuận (nếu có), thành ra bức tranh lợi nhuận ngân hàng trở nên méo mó. Nhà đầu tư, cổ đông, thậm chí các đồng nghiệp có thể nghi ngờ khi lợi nhuận của một ngân hàng nào đó cao/thấp bất thường.     

Bên cạnh đó, việc cho phép trích lập dự phòng thấp hơn quy định tạo ra tiền lệ xin cho. Tổ chức tín dụng có xin (đề xuất), cơ quan quản lý mới cho (xem xét, chấp thuận). Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, cải cách thủ tục hành chính, thì tạo ra cơ chế xin - cho như vậy, là đi ngược lại chủ trương của Chính phủ. 

Chưa kể nếu việc trích lập dự phòng rủi ro dẫn đến lỗ, lúc đó thực trạng tài chính của ngân hàng mới bộc lộ rõ, mới biết được ngân hàng nào thực sự yếu kém để áp dụng các giải pháp tái cơ cấu thích hợp. Còn khi sự lỗ lã được che đậy, nó không thể được giấu mãi mãi, đến lúc nào đó “cái kim lâu ngày trong bọc sẽ lòi ra”. Lúc đó dư luận sẽ nghĩ gì về vai trò của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng?

Văn bản 3038 có một ý mới đáng chú ý: nợ xấu trên 3% là theo kết quả thanh tra, giám sát, không phải theo báo cáo của tổ chức tín dụng. Trên thực tế nợ xấu theo kết quả thanh tra, giám sát thường cao hơn nợ xấu ngân hàng tự báo cáo. Ngay cả những ngân hàng vừa công bố nợ xấu đã dưới 3%, chưa chắc nợ xấu theo thanh tra thấp dưới mức này. Vì thế không quá ngạc nhiên khi VAMC tự tin có thể mua thêm 200.000 tỉ đồng nợ xấu năm nay. 

Việc cho phép trích lập dự phòng thấp hơn quy định tạo ra tiền lệ xin cho. Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, cải cách thủ tục hành chính, thì tạo ra cơ chế xin - cho như vậy, là đi ngược lại chủ trương của Chính phủ.
               

Theo TBKTSG