Chúng ta đã nghe nói đến nhiều định nghĩa siêu máy tính. Vậy chính xác siêu máy tính là gì và nó khác với máy tính thông thường ra sao?
Máy tính cá nhân được thiết kế để người dùng thông thường dễ dàng sử dụng, nó có một hệ điều hành hoàn chỉnh, giao diện người dùng thân thiện để họ có thể truy cập những tài liệu, hình ảnh, video, v.v... một cách nhanh chóng nhất. Ngoài ra, bằng các hướng dẫn, chú thích trên hệ điều hành, người dùng còn có khả năng tự tùy chỉnh cách thông số của hệ thống mà không gặp sự cản trở nào. Hiện máy tính cá nhân thông thường chỉ sử dụng một con chip xử lí chính.
Các siêu máy tính thường được tạo thành từ nhiều khối máy tính được nối lại với nhau, thành một cỗ máy hợp nhất. Nó được dùng cho các ngành cần tính toán nhiều như khoa học, vật lý, toán học. Các hệ thống siêu máy tính hiện tại thường có khoảng vài trăm máy tính nhỏ khác, mỗi máy tính nhỏ được trang bị cấu hình cực mạnh. Sức mạnh của siêu máy tính được đo bằng FLOPS (FLoating-point Operations Per Second - số phép toán dấu chấm động trong một giây), hiện sức mạnh siêu máy tính đã có thể lên đến mức 33,86 petaFLOPS, so với vài chục gigaFLOPS trên máy tính cá nhân.
Hầu hết các siêu máy tính được thiết kế chỉ cho 1 việc duy nhất: giải mã/giải toán. Nó thực hiện việc đó một cách song song bằng cách 'chia việc' ra cho hàng chục, hàng trăm bộ vi xử lí. Các nhà khoa học thường không muốn tiêu tốn tài nguyên trên siêu máy tính bằng những giao diện người dùng đẹp đẽ như máy tính thông thường.
Việc so sánh sức mạnh của máy tính cá nhân và siêu máy tính cũng tương tự như việc so sánh cỗ xe tăng với xe đồ chơi điều khiển từ xa vậy. Máy tính thông thường được tạo ra để cho nhiều mục đích khác nhau và tùy vào nhu cầu của mỗi người. Còn siêu máy tính sinh ra chỉ phục vụ cho một vài mục đích duy nhất.
Theo Trí Thức Trẻ