Sẽ xây Cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) theo hình thức PPP

VietTimes -- Tại buổi làm việc với đoàn công tác do Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đứng đầu, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công và các cơ quan liên quan thống nhất đề xuất xây dựng Cảng Liên Chiểu theo hình thức PPP của Đà Nẵng.
Bộ Giao thông vận tải thống nhất đề nghị xây Cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) theo hình thức hợp tác công tư (PPP)
Bộ Giao thông vận tải thống nhất đề nghị xây Cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) theo hình thức hợp tác công tư (PPP)
Cụ thể, thống nhất định hướng sớm triển khai đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu để chủ động tiếp nhận hàng hóa vận tải đường biển thông qua khu vực cảng Đà Nẵng.
Phương án đầu tư đối với Cảng Liên Chiểu là theo hình thức PPP. Trong đó: Hợp phần A (gồm đầu tư đê kè chắn sóng, nạo vét luồng, vũng quay tàu và hạ tầng kỹ thuật tiếp cận cảng) được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, có thể xem xét đề xuất sử dụng nguồn vốn ODA hoặc các nguồn vốn Nhà nước hợp pháp khác. Hợp phần B (gồm đầu tư hạ tầng bến bãi, thiết bị của cảng) sẽ kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng triển khai đầu tư và khai thác cảng sau này.
Đối với Cảng Tiên Sa, giới hạn công suất khai thác tối đa là 10 triệu tấn/năm nhằm đảm bảo năng lực vận tải và an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 14B. Đặc biệt là đoạn đi qua địa phận Đà Nẵng, cũng như phù hợp với định hướng phát triển Cảng Tiên Sa trở thành cảng du lịch quốc tế. 
Sau cuộc họp, UBND TP Đà Nẵng có trách nhiệm cập nhật số liệu, hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án gửi Bộ Giao thông Vận tải cùng thống nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định làm cơ sở triển khai thực hiện.
Trước đó, tại buổi làm việc với Công ty tư vấn cảng Nhật Bản (JPC) phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển khu vực ven biển nước ngoài (OCDI) liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu diễn ra vào tháng 2/2017, lãnh đạo Đà Nẵng đã thống nhất phương án đầu tư 5.581 tỷ đồng cho giai đoạn 1 cảng Liên Chiểu và nỗ lực để đưa cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động vào năm 2022, phục vụ bốc dỡ hàng hóa tổng hợp và container thay thế cho Cảng Tiên Sa đang quá tải.
Theo báo cáo, chi phí đầu tư cảng Liên Chiểu được thực hiện theo hình thức PPP (hợp tác công - tư). Trong đó, khu vực công 2.630 tỷ đồng, khu vực tư 3.071 tỷ đồng.
Cũng liên quan đến định hướng phát triển Cảng Liên Chiểu, cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý quy hoạch phát triển cảng Liên Chiểu thành trung tâm logistics của cảng Đà Nẵng và đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hoặc các cách thức phù hợp để triển khai dự án.
Và để dự án được triển khai đúng tiến độ, Đà Nẵng sẽ có văn bản báo cáo Chính phủ, Bộ GTVT để xin chủ trương triển khai. Đặc biệt là có văn bản gửi Cơ quan Hợp tác phát triển Nhật Bản (JICA) và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam để có kế hoạch hỗ trợ vốn cho dự án cảng Liên Chiểu.