Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2017, thông tư 23 do Bộ GĐ&ĐT ban hành quy định rất rõ Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Theo thông tư, việc thi đánh giá năng lực ngoại ngữ cho người có nhu cầu theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam có thể được thực hiện theo hình thức thi trên máy vi tính, bên cạnh hình thức thi trên giấy.
Quy chế quy định, các đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam có trách nhiệm công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị mình những thông tin về kỳ thi như định dạng đề thi, đề thi minh họa, thời gian, địa điểm thi và hình thức thi.
Đồng thời, tổ chức xét duyệt hồ sơ, lập danh sách thí sinh đăng ký dự thi của kỳ thi; công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị tổ chức thi danh sách thí sinh đăng ký dự thi và thông báo cụ thể tới thí sinh lịch thi, địa điểm thi đối với từng kỹ năng ít nhất 5 ngày làm việc trước ngày tổ chức thi; hướng dẫn thí sinh về những nội dung cần thiết trước khi thi.
Theo Quy chế, khi thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo hình thức thi trên máy vi tính, thí sinh có trách nhiệm tìm hiểu kỹ về hướng dẫn làm bài thi trên máy vi tính từ trang thông tin điện tử của đơn vị tổ chức thi trước khi đăng ký dự thi; nhận máy vi tính, làm quen với máy vi tính; nhận phiếu tài khoản và đăng nhập tài khoản để thực hiện làm bài thi trên máy vi tính; làm bài thi theo đúng hướng dẫn đối với từng phần thi hoặc từng kỹ năng thi.
Trong khi thi, nếu thí sinh gặp sự cố về máy vi tính hay những bất thường khác cần phải báo ngay cho cán bộ coi thi. Thí sinh không được thoát ra khỏi tài khoản đăng nhập trong suốt quá trình làm bài thi hoặc tái khởi động lại màn hình, máy vi tính, đường truyền bằng bất cứ hình thức nào.
Khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài, tất cả thí sinh thực hiện các thao tác tiếp theo dưới sự hướng dẫn của cán bộ coi thi. Trước khi ra khỏi phòng thi thí sinh phải nộp lại phiếu tài khoản, giấy nháp, ký xác nhận vào phiếu tham dự thi, danh sách kết quả thi (nếu có).
Các thí sinh dự thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo hình thức thi trên máy vi tính cũng được yêu cầu không tiếp xúc với các vị trí được niêm phong ở máy vi tính cho đến hết giờ thi; không sao chép câu hỏi thi, đề thi dưới bất kỳ hình thức nào; không sử dụng bất cứ một chương trình nào khác ngoài chương trình thi đánh giá năng lực ngoại ngữ cài đặt trên máy vi tính trong thời gian thi kể cả để làm nháp bài thi.
Quy chế cũng quy định cụ thể về các yêu cầu để tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Theo đó, để tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, các đơn vị thuộc quy định tại Điều 4 của Quy chế phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu: có bộ phận độc lập thực hiện chức năng đánh giá năng lực ngoại ngữ (gọi là bộ phận chuyên trách); có đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chấm thi, cán bộ ra đề thi, cán bộ phân tích dữ liệu thi, cán bộ hỗ trợ, kỹ thuật viên, đáp ứng các yêu cầu về số lượng, trình độ để tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ.
Có môi trường sư phạm, an toàn cho công tác tổ chức thi; Có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị; có ngân hàng câu hỏi thi và đề thi được xây dựng từ ngân hàng câu hỏi thi đáp ứng quy định tại Điều 12 của Quy chế này và hướng dẫn của Bộ GDĐT; có phần mềm tổ chức thi trên máy vi tính đáp ứng các yêu cầu; và có đề án tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ.
Trong đó, theo Quy chế, phần mềm tổ chức thi trên máy vi tính được yêu cầu phải có giao diện thân thiện, dễ cài đặt, sử dụng; có khả năng ngắt kết nối với các ứng dụng và thiết bị bên ngoài không liên quan đến nội dung thi; cho phép thí sinh tự đăng nhập vào phần mềm để làm bài thi bằng tài khoản thi cá nhân; có phân hệ quản lý ngân hàng câu hỏi để cập nhật, bổ sung; có chức năng tự động chọn ngẫu nhiên, đồng đều các câu hỏi ở các phần kiến thức khác nhau để tạo ra các đề thi trắc nghiệm tương đương nhau về độ khó từ ngân hàng câu hỏi thi.
Phần mềm tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ trên máy vi tính còn phải đáp ứng yêu cầu có các chức năng chụp ảnh thí sinh và đưa vào dữ liệu thi; đồng hồ đếm ngược; xem trước câu hỏi tiếp theo, thống kê câu hỏi đã trả lời; tự động chấm điểm bài thi trắc nghiệm; tự động đăng xuất và lưu trữ bài làm, kết quả thi của thí sinh khi hết thời gian làm bài; tự động phân tích kết quả thi của thí sinh theo phương pháp cổ điển và hiện đại; sao lưu và bảo mật.