Theo tính toán của Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh, với mức phí đề xuất 20.000 đồng/khách/lượt, mỗi năm sẽ có thêm khoảng 30 tỉ đồng phục vụ cho công tác đầu tư, quản lý và phát triển khu danh thắng Yên Tử.
Được biết, mức thu phí này được đề xuất trên cơ sở tham khảo mức các quy định thu phí tham quan danh lam thắng cảnh hiện nay của Bộ Tài chính, cũng như thực tế quy định thu phí một số khu danh lam thắng cảnh xếp loại di tích quốc gia đặc biệt. Trong đó, phí tham quan Vườn Quốc gia Cát Tiên từ 20.000 - 40.000 đ/người/lượt; Hồ Ba Bể từ 10.000 - 20.000 đ/người/lượt; chùa Hương Sơn 50.000đ/người/lượt...
Hiện tại, các công tác đầu tư, quản lý và phát triển khu danh thắng Yên Tử hoàn toàn trông chờ vào ngân sách Nhà nước, trong khi Ban quản lý di tích và rừng quốc gia (Ban QLDT-RQG) Yên Tử không thu được đồng nào từ hàng triệu du khách, tăng ni, phật tử đến Yên Tử hàng năm.
Theo lãnh đạo Ban QLDT-RQG Yên Tử cho biết, 2 khoản thu chính là Dịch vụ cáp treo và tiền công đức, giọt dầu trên Yên Tử đều do ban này quản lý, nhưng tiền từ sử dụng hệ thống cáp treo là do nhà đầu tư thu bởi họ đã bỏ ra cả ngàn tỉ đồng để đầu tư; trong khi tiền công đức, giọt dầu (ước tính vài chục tỉ đồng/năm) đều do nhà chùa quản lý và sử dụng.
Trong khi đó, ngoài việc chi trả lương cho cán bộ, nhân viên của Ban QLDT-RQG Yên Tử, ngân sách Nhà nước còn phải lo cho công tác quản lý, tổ chức lễ hội... Đồng thời, Ban QLDT-RQG Yên Tử còn được giao quản lý tuyến đường giao thông dài trên 15km từ QL18 vào tới khu di tích.
Vì vậy, Sở Tài chính Quảng Ninh dự kiến lượng khách thu phí tham quan Yên Tử trung bình mỗi năm khoảng 1.500.000 lượt người (đã giảm trừ các đối tượng được miễn thu phí). Mỗi năm, sẽ thu được khoảng 30 tỉ đồng từ phí tham quan danh thắng này để chia sẻ gánh nặng ngân sách.