Thu phí đường bộ không dừng: hiệu quả nhưng đầy thách thức

VietTimes -- Thu phí đường bộ không dừng sẽ giúp thực hiện chủ trương của nhà nước đồng thời giảm tải phiền phức khi phải nộp thuế cho người dân nhưng nó vẫn còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Trong tham luận tại Diễn đàn Thanh toán điện tử 2016 (VEPF 2016), ông Vũ Quang Lâm, Thành viên HĐQT Tasco, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần VETC cho biết, Việt Nam hơn 100 trạm thu phí với lưu lượng xe khoảng 1,2 triệu lượt mỗi ngày đêm. Năm 2016, chỉ riêng phí đường bộ thu qua các trạm BOT dự kiến đạt khoảng 23.000 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD), phí bảo trì đường bộ khoảng 6.000 tỷ, phí gửi xe tại các tòa nhà, bãi đỗ khoảng 15.000 tỷ.

Lượng giao dịch khổng lồ của các phương tiện giao thông này đòi hỏi một hình thức vận hành hoạt động giao thông vận tải thuận tiện, đơn giản trong việc khai thác và sử dụng nhưng đồng thời minh bạch, chặt chẽ trong quản lý.

Vì vậy, từ tháng 7/2016, Bộ Giao thông Vận tải chính thức phê duyệt dự án Thu phí tự động đường bộ của VETC theo hình thức hợp đồng BOO đầu tiên trên cả nước. Mục tiêu đến cuối năm 2017 các trạm thu phí trên toàn quốc phải có làn thu phí tự động và hết năm 2020 sẽ bỏ thanh chắn (barie) tại các trạm thu phí.

Nền tảng của dự án là dựa trên giao thông thông minh (ITS) với việc ứng dụng các thành tựu mới nhất của công nghệ thông tin cho hoạt động quản lý, vận hành giao thông tại Việt Nam. 

Dự án được kỳ vọng sẽ mang lại giải pháp đưa việc vận hành, quản lý hoạt động giao thông vận tải đạt đến trình độ phát triển mới, mang lại lợi ích cho toàn xã hội. 

Đồng thời sẽ giúp tiết kiệm chi phí in vé, nhiên liệu hàng năm, chi phí cho lái xe, hành khách do rút ngắn thời gian di chuyển... góp phần vào thực hiện chủ trương của Chính phủ về giảm thanh toán bằng tiền mặt. 

Bên cạnh đó, thông qua hoạt động thu phí không dừng, cơ quan quản lý Nhà nước quản lý được các phương tiện tham gia giao thông trên cả nước trong các công tác: quản lý đăng kiểm xe, quản lý đăng ký xe chính chủ, xử phạt nguội giao thông, theo dõi điều tra các xe bị mất trộm, phục vụ điều tra nhiều hoạt động của cơ quan chức năng… 

Được biết, việc thực hiện dự án thu phí tự động không dừng được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn một, kéo dài từ 2016 -2019, áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hình thức hợp đồng BOO, 28 trạm thu phí (không bao gồm 9 trạm do Vietinbank cung cấp tín dụng) sẽ áp dụng thu phí tự động không dừng trên 1-2 làn, giai đoạn sau 2019 sẽ áp dụng trên tất cả các làn. Trong giai đoạn 2, công nghệ này sẽ được áp dụng trên toàn quốc.

Theo lộ trình thực hiện, từ ngày 1/7/2016, Công ty Cổ phần VETC đã triển khai hóa đơn điện tử đối với tất cả khách hàng tham gia sử dụng Dịch vụ thu phí tự động đường bộ VETC trên toàn quốc. Đối với các phương tiện sử dụng vé tháng, vé quý tại các trạm thu phí yêu cầu phải sử dụng dịch vụ VETC và thanh toán chuyển tiền qua ngân hàng. 

Để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận công nghệ này, việc tổ chức dán thẻ E-Tag, mở Tài khoản giao thông miễn phí đã được VETC tổ chức thực hiện rộng rãi ở các địa phương có trạm thu phí sử dụng dịch vụ VETC, thông qua các trung tâm đăng kiểm, các trạm thu phí, các điểm dịch vụ VETC và các công tác viên dán thẻ di động…. Đồng thời, việc nộp tiền vào tài khoản thu phí được thực hiện đa dạng qua các kênh top-up như: mobile banking, internet banking, ví điện tử và các điểm dịch vụ nạp tiền trên toàn quốc…

Mặc dù đã đạt được nhiều thành công trong việc áp dụng thu phí không dừng nhưng việc triển khai tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn tồn tại. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó tổng cục trưởng Đường bộ, sự kết nối giữa các trạm thu phí không dừng đang có nhiều bất ổn.

Thứ nhất là công nghệ thu phí còn nhiều (3 cái, dự kiến sẽ áp dụng 2 cái tại Việt Nam), việc này sẽ gây khó khăn cho người sử dụng và các đơn vị thu phí trong việc kết nối để đảm bảo có thể sử dụng một loại thẻ chạy qua tất cả các trạm.

Thứ hai, các dự án BOT chưa thực sự phối hợp với các nhà đầu tư dự án thu phí không dừng. Bộ Giao thông Vận tải đã ký hợp đồng BOO với nhà đầu tư dự án thu phí không dừng từ tháng 7/2016. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có dự án BOT nào ký hợp đồng dịch vụ thu phí đối với dự án BOO thu phí không dừng.

Theo ông Thắng, hệ thống thu phí tự động không dừng còn được sử dụng ở cả các tuyến đường địa phương. Do đó, để đảm bảo sự thống nhất trên toàn quốc, các địa phương và Bộ Giao thông Vận tải cần có sự phối hợp trong quá trình triển khai, đặc biệt là sử dụng các đơn vị thực hiện dịch vụ thu phí do Bộ lựa chọn nhằm đảm bảo vấn đề kết nối, thuận tiện cho người sử dụng, tránh lãng phí trong đầu tư.