Mới đây, sau khi công khai danh sách 600 doanh nghiệpnợ thuếlớn ở 63 tỉnh, thành trên cả nước, cơ quan thuế đã phải thừa nhận có sự nhầm lẫn và phải điều chỉnh lại danh sách này. Cụ thể, cơ quan thuế đã loại khỏi danh sách 34 trường hợp và điều chỉnh lại số nợ thuế cho 29 trường hợp.
Trả lời câu hỏi về việc Bộ Tài chính sẽ xác định hậu quả đối với những đơn vị bị “bêu” tên nhầm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay, tới thời điểm này cơ quan thuế đã xin lỗi 6 đơn vị trong số 600 doanh nghiệpnợ thuếvừa được công khai danh tính trên cả nước.
“Giữa các tờ khai xác định nghĩa vụ phải nộp và chứng từ phải nộp chưa được đối soát kịp thời. Một số đơn vị như Thế giới Di động hay Nguyễn Kim kinh doanh ở nhiều nơi trên toàn quốc nên chứng từ chưa kịp cập nhật”, lãnh đạo Bộ Tài chính nói.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, với những đơn vị này, nếu doanh nghiệp chứng minh được vì vấn đề trên mà “không ký được hợp đồng” thì phía cơ quan nhà nước sẽ có xác định hậu quả và có “giải pháp”.
Trả lời câu hỏi có hình thức kỷ luật như thế nào đối với các cán bộ thuế để xảy ra sai sót trên, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, cơ quan chức năng sẽ đánh giá kỹ nguyên nhân và hậu quả của vụ việc.
Thứ trưởng Tuấn khẳng định, việc công khai danh tính đối tượngnợ thuếlà nhiệm vụ phải làm chứ không phải vì áp lực ngân sách. Nợ đọng thuế lên tới 74.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% đã ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, làm xấu đi tính tuân thủ pháp luật và làm người chấp hành tốt nghĩa vụ phải chịu thiệt thòi.
"Thu nhân sách trong 7 tháng đầu năm của ngành thuế đã đạt 61% kế hoạch. Thu nội địa cũng có dấu hiệu vượt lên khiến lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, thu ngân sách cả năm sẽ vượt dự toán. Điều này đồng nghĩa, việc đôn đốc, công khai nợ thuế không phải vì áp lực ngân sách”, ông Tuấn nói.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết thêm rằng, Bộ Tài chính đang có kế hoạch giao nhiệm vụ cho ngành thuế phải công bố định kỳ một cách đầy đủ danh sách những doanh nghiệpnợ thuếvào ngày 15 hoặc 16 hàng tháng, bắt đầu từ quý IV năm nay.
Danh sách này sẽ bao gồm các doanh nghiệp nợ thuế đến ngày thứ 61, thời điểm cơ quan thuế bắt đầu phải đôn đốc, nhắc nhở. Ngoài ra, trong danh sách công khai, cũng sẽ bao gồm cả những doanh nghiệp đã nợ thuế đến ngày 91 và 121. Đây là những ngưỡng để cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp cưỡng chế như phong toả tài sản, trích tiền trong tài khoản hay thông báo hoá đơn không có giá trị sử dụng.
Theo Dân trí