Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, những “gã khổng lồ” tài chính được cứu khỏi bờ vực phá sản được coi là “too big to fail” (quá lớn để sụp đổ), và các nhà hoạch định chính sách cùng cơ quan quản lý tập trung vào các quy định để đảm bảo rằng những ngân hàng này vận hành một các an toàn hơn. Trong khi đó, một vấn đề ít được quan tâm hơn đang nổi lên: Điều gì xảy ra nếu một số ngân hàng trở thành "too small to thrive" (quá nhỏ để phát triển)?
Cụm từ “nhỏ” chỉ mang tính tương đối. Tình trạng hỗn loạn diễn ra trong ngành ngân hàng mới đây tập trung vào những ngân hàng khu vực– bao gồm từ các tổ chức có tài sản 10 tỉ USD cho đến những ngân hàng như First Republic và Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) với tài sản khoảng 200 tỉ USD vào thời điểm chúng sụp đổ. Số tài sản này đủ giúp họ lọt vào top 20 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, nhưng còn kém xa so với top 4 ngân hàng có tài sản tính bằng nghìn tỉ USD.
JPMorgan Chase & Co. chỉ cần bỏ ra một phần nhỏ trong số 4 tỉ USD tài sản của họ là đã đủ để mua phần còn lại của First Republic từ tay của Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC).
Mặc dù có hy vọng rằng vấn đề của First Republic đã được giải quyết và "bóng đen đang che phủ" các ngân hàng khu vực có thể tan dần, nhưng cuối cùng cả First Republic và SVB đều đang đối mặt với những vấn đề cụ thể, trong đó đáng chú ý nhất là lượng tiền gửi chưa được bảo hiểm cao của họ. Vấn đề này khiến khách hàng lo lắng và có thể rút tiền gửi đồng loạt khi họ cảm thấy không an toàn. Thị trường vẫn lo ngại và chỉ số Ngân hàng Khu vực KBW đã giảm 30% kể từ đầu năm và tiếp tục giảm 9,5% tính từ ngày 1/5, khi JPMorgan mua lại First Republic.
Điều này không chỉ khiến các cổ đông của ngân hàng này lo lắng. Các ngân hàng khu vực vốn là nguồn tài chính quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ - những bên thuê khoảng một nửa lao động ở khu vực tư nhân. Nếu những ngân hàng này suy yếu, những doanh nghiệp nhỏ càng khó vay tiền và có thể phải chuyển sang các ngân hàng lớn hơn, hoặc buộc các ngân hàng nhỏ phải sáp nhập.
Nhiều người “đánh giá thấp ý vai trò của những ngân hàng này trong hệ sinh thái tài chính của chúng ta”, cựu Chủ tịch FDIC Jelena McWilliams nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg.
Nếu nhìn lại, nền kinh tế giai đoạn đại dịch với nhiều gói kích thích kinh tế và lãi suất thấp giống như một "cái bẫy" đối với một số ngân hàng bất cẩn. Đối với nhiều doanh nghiệp, lãi suất thấp và người tiêu dùng dư tiền mặt giống như một trò chơi dễ thắng. Nhưng đối với lãnh đạo các ngân hàng, những điều kiện này rất phức tạp.
Tất cả các gói cứu trợ mà chính phủ tung ra nhằm kích thích nền kinh tế để giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 đáng lẽ ra cần đến đúng nơi, nhưng thay vào đó nó lại đổ vào các tài khoản ngân hàng. Và do lãi suất cực thấp, các ngân hàng chỉ phải chịu ít sức ép nên đưa ra mức lãi suất tiền gửi cao ngất dành cho khách hàng của họ.
Nhưng có một vấn đề khác của bảng cân đối kế toán: Lãi suất thấp cũng khiến cho các ngân hàng khó kiếm tiền hơn từ hoạt động cho vay hay đầu tư vào chứng khoán. Thêm nữa, nhu cầu vay tiền cũng thấp bởi doanh nghiệp và người tiêu dùng hưởng lợi từ các gói kích thích của chính phủ. Bởi vậy một số ngân hàng theo đuổi tăng trưởng thông qua "chuyên môn hoá".
First Republic đã tìm ra thị trường ngách là tệp khách hàng giàu có, trong khi SVB trở thành một tổ chức chuyên cung cấp tài chính cho các startup công nghệ. Khi những ngân hàng này tìm cách đầu tư lượng tiền mà họ có được, họ thường lựa chọn lối đi an toàn – hoặc chỉ là suy nghĩ của họ - là mua trái phiếu chính phủ hoặc cung cấp các khoản thế chấp cho những khách hàng có điểm tín dụng cao. Nhưng các khoản này có thời gian đáo hạn dài hơn và khiến các ngân hàng chịu rủi ro về lãi suất.
Khi lãi suất tăng, các tài sản dài hạn với lãi suất thấp trở nên ít giá trị hơn. Về cơ bản, một số ngân hàng đã "đánh cược" rằng lãi suất sẽ không tăng quá cao, quá nhanh – SVB và First Republic cuối cùng đã dự báo sai. Trong năm 2022, Fed bắt đầu cuộc chiến chống lạm phát và tăng lãi suất với nhịp độ cao. Tính đến tháng 5 năm nay, ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng mức lãi suất cơ bản lên biên độ 5% - 5,25%, lần đầu tiên kể từ năm 2007.
Những đợt nâng lãi suất của Fed đã khiến các ngân hàng Mỹ chịu khoản lỗ trên giấy tờ 620 tỉ USD, tính đến thời điểm cuối năm 2022. Nếu một ngân hàng có thể giữ chứng khoán thua lỗ cho đến ngày đáo hạn, thì có thể không gặp vấn đề. Nhưng nếu khách hàng rút tiền nhanh chóng, các ngân hàng chịu nhiều rủi ro về lãi suất có thể phải bán lỗ số chứng khoán đó, khiến họ mất khả năng thanh toán.
Và vào mùa Xuân năm nay, tiền gửi cơ sở đã chịu sức ép khi khách hàng bắt đầu nhận thấy khoản lỗ mà một số ngân hàng phải gánh chịu – hoặc chỉ đơn giản là quyết định chuyển tiền gửi của họ tới những tài khoản có lãi suất cao hơn. Các ngân hàng vốn dựa vào mối quan hệ mà họ tạo dựng được với nhóm khách hàng chuyên biệt nhận ra rằng lòng trung thành chỉ là thứ mong manh.
Các ngân hàng siêu lớn đến thời điểm này đã tránh được trường hợp trên, một phần là bởi họ được theo dõi chặt chẽ hơn: Những ngân hàng lớn nhất phải chịu những quy định và sự quản lý sát sao hơn. Các ngân hàng ở Phố Wall cũng thường có rất nhiều vốn để bù lỗ, quy mô lớn hơn, và có nhiều cách để loại bỏ những tài sản lợi suất thấp khỏi bảng cân đối kế toán của họ, ví dụ như chứng khoán hoá hoặc bán tài sản.
Trong khi đó, những ngân hàng nhỏ đã rơi vào vòng xoáy của sự nghi ngờ. Amar Reganti, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ và giờ là giám đốc hãng Wellington Management, ví tình trạng này như “ngọn lửa cháy chậm, bùng lên mỗi vài tuần một lần”. Sự việc sẽ bắt đầu bằng việc cổ phiếu của một ngân hàng sụt giá: sự ngờ vực bắt đầu tăng lên, tiền gửi vẫn ở mức tương đối ổn định, và rồi mọi chuyện lắng xuống cho đến khi sự hoang mang lại tăng lên.
Có một cách để giải quyết tình trạng này là Quốc hội nâng mức trần bảo hiểm tiền gửi, hiện đang ở mức 250.000 USD. Mặc dù con số này là đủ để bảo hiểm tiền gửi cho phần lớn khách hàng cá nhân, nhưng là chưa đủ đối với những doanh nghiệp duy trì lượng tiền gửi lớn để trang trải chi phí hoạt động của họ. Đến cuối cùng, khi SVB và Signature Bank sụp đổ cùng trong cuối tuần, chính phủ đã đứng ra bảo hiểm tất cả tiền gửi.
Những người khác thì cho rằng nâng hoặc huỷ luôn mức trần bảo hiểm tiền gửi có thể khiến các ngân hàng có hành vi rủi ro hơn.
Theo giáo sư Patricia McCoy, đến từ trường Luật ĐH Boston, các quốc gia có hệ thống bảo hiểm tiền gửi "hào phóng hơn" thường xuyên đối mặt với khủng hoảng ngân hàng, và mức độ nghiêm trọng của chúng cũng cao hơn. Bà cho rằng chính phủ nên tập trung vào các quy định giúp các ngân hàng tránh khỏi rắc rối ngay từ đầu.
Nguồn vốn đệm lớn hơn cũng giúp ích. Các ngân hàng có thể tích luỹ vốn theo một số cách, như tăng lợi nhuận, cắt giảm cổ tức hoặc huy động tiền từ các nhà đầu tư. Việc ngân hàng đòi hỏi thêm vốn có thể bị coi là tín hiệu báo động, bởi vậy cần phải làm một cách thận trọng, và nó cũng không phải biện pháp giải quyết nhanh chóng.
Một tranh luận khác là, liệu khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng có phải là kết quả của việc Fed nâng lãi suất quá nhanh, hay là do tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ.
“Rất nhiều vấn đề đang diễn ra lại chính xác là những điều bạn nên nghĩ nếu bạn là một nhà hoạch định chính sách”, Seth Carpenter, trưởng kinh tế gia toàn cầu đến từ Morgan Stanley, nói tại một hội thảo được tổ chức bởi Fed New York mới đây. Nhưng ông cũng thêm rằng, khi các ngân hàng chịu sức ép, chúng có thể sụp đổ theo nhiều cách khó lường.
JPMorgan - Hiệp sĩ "giải cứu" ngân hàng hay kẻ chưa từng bỏ lỡ cơ hội trong các cuộc khủng hoảng?
[ĐỌC CHẬM] CEO JPMorgan Jamie Dimon: 'Vị cứu tinh' ngành ngân hàng Mỹ
First Republic sắp sụp đổ, 2 "đại gia" JPMorgan, PNC đã có kế hoạch đấu giá mua lại
Theo Bloomberg