Rạng sáng ngày 1/5, giới chóp bu của JPMorgan Chase (JPMorgan) nhận được thông báo từ cơ quan quản lý, rằng họ đã vượt qua các nhà đầu tư khác để tiếp quản tiền gửi và phần lớn tài sản của First Republic.
Là lãnh đạo chủ chốt nhất ở JPMorgan, ông Jamie Dimon, thêm một lần nữa, được xem như 'vị cứu tinh' của ngành ngân hàng Mỹ.
Ngay sau khi 'deal' First Republic được chốt, Chủ tịch kiêm CEO JPMorgan Jamie Dimon nói rằng, cuộc khủng hoảng dẫn đến sự sụp sụp đổ của 3 ngân hàng Mỹ thời gian qua đã tới hồi kết, theo CNBC.
Dưới 'triều đại' của Dimon, kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008, JPMorgan đã thâu tóm 3 định chế tài chính tầm cỡ, gồm Bear Stearns, Washington Mutual và mới nhất là First Republic.
Theo The New York Times, cả 3 thoả thuận này, một mặt giúp giúp 'dập tắt' cơn hoảng loạn của thị trường, nhưng mặt khác cũng mang lại cho JPMorgan rất nhiều lợi ích. Nó giúp tổng tài sản của ngân hàng này tăng vọt lên 3,7 nghìn tỉ USD, nắm giữ 14% tổng lượng tiền gửi ở Mỹ.
'Deal' First Republic, ước tính, sẽ giúp JPMorgan gia tăng lợi nhuận thêm 500 triệu USD trong năm 2023 và cho phép họ tiếp cận thêm tệp khách hàng giàu có.
Nhưng thương vụ thâu tóm First Republic cũng làm dấy lên nhiều lo ngại, rằng ngân hàng này có quá lớn để trở thành rủi ro tiềm tàng của hệ thống tài chính Mỹ?
“Bán First Republic cho ngân hàng lớn nhất nước chỉ khiến vấn đề “too big to fail” (quá lớn để sụp đổ) của hệ thống ngân hàng của chúng ta thêm phần tệ hại”, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Elizabeth Warren nói.
'Vị cứu tinh' của ngành ngân hàng Mỹ
Ở một chi tiết khá thú vị, tờ The New York Times từng gọi ông Jamie Dimon là "the Chief of Too Big to Fail". Đó dường như cũng là lời khẳng định tài năng của vị lãnh đạo ngân hàng lớn nhất nước Mỹ về quy mô tổng tài sản.
Sinh năm 1956, ông Jamie Dimon có bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh của Đại học Havard.
Ông là một trong số ít các CEO ngân hàng trở thành tỉ phú với tổng tài sản ròng ước tính đạt 1,6 tỉ USD, theo Forbes. CEO JPMorgan cũng lọt vào danh sách 100 cá nhân có ảnh hưởng lớn nhất toàn cầu vào các năm 2006, 2008, 2009 và 2011 do tạp chí Times bình chọn.
Ông Jamie Dimon được cho là có dáng dấp của vị doanh nhân nổi tiếng John Pierpont Morgan.
Năm 1907, John Pierpont Morgan nổi tiếng với việc nhốt các đồng nghiệp ở Phố Wall trong phòng làm việc của mình và từ chối để họ ra ngoài cho đến khi họ đồng ý tham gia giải cứu hệ thống tài chính cùng với ông.
Kể từ đó, theo các nhà nghiên cứu lịch sử ngành tài chính, chưa có một lãnh đạo ngân hàng nào lại nắm giữ quyền lực lớn như vậy đối với hệ thống tài chính Mỹ.
“Liệu ai có thể thuyết phục tất cả mọi người rằng họ có đủ tài sản và thẩm quyền để ngăn chặn một vụ rút tiền đồng loạt", Kenneth W. Mack, giáo sư luật và sử học tại ĐH Harvard, tự hỏi. Với danh tiếng của JPMorgan và vị thế của Jamie Dimon, “việc chính quyền liên bang tìm đến ông ta để giải cứu (các ngân hàng khác) là điều dễ hiểu".
Ông Dimon trở thành CEO của JPMorgan vào năm 2006, chưa đầy 2 năm sau khi nhà băng này mua lại Ngân hàng Chicago mà ông từng điều hành. Hậu sáp nhập, tổng tài sản của JPMorgan vượt 1,1 nghìn tỉ USD và nắm giữ khoảng 10% tổng lượng tiền gửi ở Mỹ.
Khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 diễn ra, Jamie Dimon đã đưa JPMorgan trở thành 'vị cứu tinh' của ngành.
Thời điểm đó, khi ngành ngân hàng Mỹ đang đứng trên bờ vực, Dimon là một trong số ít những lãnh đạo nhà băng hàng đầu – cùng với lãnh đạo của Bank of America (BoA) và Wells Fargo – ra tay cứu giúp.
Cụ thể, BoA mua lại Merrill Lynch và Countrywide. Wells Fargo mua lại Wachovia. Trong khi đó, JPMorgan mua lại Bear Stearns và Washington Mutual.
Trong khi BoA và Wells Fargo đều gặp rắc rối sau các thương vụ M&A, JPMorgan lại không ngừng phát triển. Điều này giúp Jamie Dimon trở thành CEO có thời gian tại nhiệm lâu nhất ở Phố Wall.
Ít năm trở lại đây, JPMorgan thâu tóm nhiều công ty nhỏ hơn, bao gồm công ty hỗ trợ tài chính cho sinh viên, công ty phần mềm, thậm chí cả website chuyên đánh giá nhà hàng.
Lấn sân sang chính trị?
Sự đồ sộ của JPMorgan khiến nhiều chuyên gia quan ngại, trong đó có cả một số quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Họ cho rằng, một nhóm nhỏ các ngân hàng đang chiếm vị thế thống trị, có ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế Mỹ, lấn át các ngân hàng cho vay khác và khiến khách hàng có ít quyền tiếp cận tới các dịch vụ ngân hàng.
Kể cả khi JPMorgan vướng phải các vụ bê bối, Jamie Dimon vẫn có thể đảo ngược tình thế.
Khi các cơ quan điều hành chuẩn bị trừng phạt ngân hàng này do hành vi sai trái của các công ty mà họ đã mua trong khủng hoảng, ông Dimon khẳng định với các quan chức liên bang rằng ông đang giúp đỡ các công ty nọ và cả đất nước bằng cách mua lại những tổ chức gặp vấn đề. Nhiều nhà quan sát không khỏi kinh ngạc trước việc ông Dimon từ chối xin lỗi.
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett từng gợi ý Tổng thống Obama cất nhắc ông Dimon làm Bộ trưởng Tài chính. Năm 2016, Jamie Dimon lại được đồn đoán là ứng viên sáng giá cho chức Bộ trưởng Tài chính của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, ông đã lên tiếng bác bỏ.
Với tất cả những diễn biến nêu trên, cùng với danh tiếng mà ông tạo dựng ở JPMorgan, rất dễ hiểu khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen kêu gọi ông Dimon hỗ trợ trong vụ việc của First Republic.
“Jamie đang làm điều đúng đắn cho đất nước này, và cả với JPMorgan Chase – chính xác là điều mà tôi kỳ vọng ông ta sẽ làm", tỉ phú Warren Buffett cho hay./.
[ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN] Cách CEO James Gorman 'in tiền' cho Morgan Stanley
Tranh cãi chuyện nâng trần bảo hiểm tiền gửi ở Mỹ sau cú sập của SVB
Khủng hoảng ngân hàng Mỹ: Điều tồi tệ nhất vẫn chưa xuất hiện!
Theo New York Times