Trong khi trước đó, ngày 29-9-2014, trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lần đầu tiên Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thừa nhận số nợ xấu lên đến 500.000 tỉ đồng và đến thời điểm đó đã xử lý được 240.000 tỉ.
Khoảng 100.000 tỉ đồng là tổng số nợ xấu mà các tổ chức tín dụng phải bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), được NHNN công bố trong cuộc họp cách đây hai tuần tại TPHCM với đại diện các ngân hàng sau khi họ nhận được văn bản ấn định cụ thể số nợ phải bán. Đa số các ngân hàng cho biết số nợ phải bán quá cao. Một số thậm chí nói không biết lấy đâu nợ xấu để bán bây giờ.
Có vẻ như ý kiến của các ngân hàng hoàn toàn đúng. Theo số liệu đăng tải trên trang web của NHNN, đến ngày 31-12-2014 tổng dư nợ của toàn hệ thống đạt 3.970.548 tỉ đồng. Nợ xấu đã giảm mạnh từ mức trên 4% của tháng 6-2014 xuống 3,22% tổng dư nợ đến thời điểm trên. Tính ra số tuyệt đối nợ xấu là 127.851 tỉ đồng.
Nay NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng bán khoảng 100.000 tỉ đồng nợ xấu, thì số nợ xấu còn lại quá ít, chỉ gần 28.000 tỉ đồng - chiếm một tỷ lệ rất, rất thấp trên tổng dư nợ.
Nhìn về phía các ngân hàng, nếu nợ xấu thực sự thấp đến vậy, NHNN có nên yêu cầu họ bán nợ dồn dập? Không khéo để đáp ứng đủ chỉ tiêu đã được phân bổ, họ sẽ bán luôn cả nợ không xấu cho VAMC!!! Như thế, khách hàng vay vốn sẽ bị ảnh hưởng vì khi khoản vay được đánh giá là xấu, xếp hạng tín dụng doanh nghiệp cũng như hạn mức tín dụng có thể bị hạ bậc. Khoản nợ đủ tiêu chuẩn, người vay được xếp loại khách hàng A. Khi khoản vay trở thành nợ xấu, họ bị xếp lùi xuống hạng D, có khi E hay F.
Mang thắc mắc hỏi một quan chức NHNN, ông giải thích: “Tỷ lệ nợ xấu công bố trên trang web của NHNN là số liệu được tổng hợp từ báo cáo của chính các ngân hàng thương mại. Đấy là số liệu các tổ chức tín dụng tự đánh giá, xếp loại nợ xấu, báo cáo hàng tháng, hàng quí cho cơ quan quản lý. Còn tỷ lệ nợ xấu do cơ quan thanh tra, giám sát NHNN công bố sẽ khác”.
Tuy nhiên, trên trang web của NHNN lại không chú thích nợ xấu là do các ngân hàng báo cáo. Đáng lẽ để dư luận hiểu rõ một cách minh bạch, trong phần thống kê nợ xấu, NHNN nên chia làm hai phần, một phần ghi rõ số liệu do tổ chức tín dụng báo cáo và phần kia số liệu do thanh tra, giám sát công bố. Chẳng hạn trong phần “thống kê một số chỉ tiêu cơ bản” liên quan đến tình hình hoạt động của hệ thống, NHNN chú thích rất chi tiết tổng vốn tự có; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; hệ số ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) - ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản) “đã loại bỏ các tổ chức tín dụng có vốn chủ sở hữu âm”. Dư luận sẽ biết trong số liệu của cả hệ thống hiện nay, một số chỉ tiêu không tính đến các ngân hàng yếu kém, kiểu như Ngân hàng TMCP Xây Dựng.
Câu hỏi lúc này đã trở thành khác: tỷ lệ nợ xấu do thanh tra, giám sát NHNN công bố là bao nhiêu? Tháng 10-2011, lần đầu tiên Thống đốc NHNN công bố trên diễn đàn Quốc hội tỷ lệ nợ xấu của hệ thống xấp xỉ 10%. Sau đó, trong một số lần họp báo, trao đổi ngoài hành lang, đại diện bộ phận thanh tra, giám sát cho biết nợ xấu chừng đâu đó 8% tùy thời điểm. Trong cuộc họp hai tuần trước ở TPHCM, khi một số tổ chức tín dụng phàn nàn nợ xấu đâu mà bán cho đủ, NHNN đã nói thẳng con số nợ xấu tuyệt đối không dưới 300.000 tỉ đồng. Đối chiếu lại, mức khoảng 8% có thể thích hợp với số nợ xấu tuyệt đối.
Câu chuyện không dừng ở đó. Để thống nhất tỷ lệ nợ xấu, ngay sau cuộc họp, NHNN nói sẽ làm việc lại với từng ngân hàng về số nợ. Cho đến nay, chưa thấy ngân hàng nào được thống nhất số nợ xấu với cơ quan thanh tra, giám sát. Trước mắt để đảm bảo tiến độ bán được 75% số nợ xấu đã được ấn định cho VAMC trước ngày 30-6-2015, các ngân hàng vẫn phải chấp nhận chỉ tiêu bán nợ đã được phân bổ và thực hiện nghiêm chỉnh.
Xin dẫn ra đây tâm sự của một ngân hàng đề nghị không nêu tên. Năm ngoái, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này đã giảm gần 40% so với năm trước đó. Lý do nợ xấu của họ giảm cũng không có gì đặc biệt: dư nợ tăng, bán nợ cho VAMC, phát mãi được một số tài sản thế chấp và xử lý nợ từ nguồn trích lập dự phòng rủi ro. Hỏi ông không ngại bán nợ nhiều cho VAMC, phải trích lập dự phòng nhiều sao? Ông thẳng thắn: “NHNN có văn bản cho phép các ngân hàng khi bán nợ cho VAMC nếu việc trích lập dự phòng rủi ro dẫn đến lỗ, được đề xuất mức trích lập dự phòng phù hợp với tình hình và khả năng tài chính”. Tất nhiên không ngân hàng nào trích lập thật nhiều để dẫn đến lỗ cả vì còn đó uy tín thương hiệu, trách nhiệm với cổ đông, với nhà đầu tư nhất là đã niêm yết.
Theo TBKTSG