Theo báo cáo IHS Market, ở phân khúc TV cao cấp, Samsung chiếm gần 50% thị phần toàn cầu trong quý III. Không dừng lại với thành tích của QLED, Samsung mở rộng danh mục sản phẩm với 3 công nghệ màn hình chủ lực. Theo đó, trong tương lai, Samsung sẽ có thêm nhiều lựa chọn cho người dùng, mở rộng kích thước màn hình, công nghệ tấm nền và giá cả sản phẩm.
Cụ thể, Samsung sẽ phát triển 3 công nghệ tấm nền tương ứng với dòng màn hình gồm MicroLED, QD-OLED và QLED. Trong đó, TV QLED đã trở nên quen thuộc với thị trường nhờ những ưu điểm như độ sáng và độ tương phản cao, khả năng tái tạo gần như 100% dung tích màu, góc nhìn rộng gần 180 độ. Hai công nghệ là MicroLED, QD-OLED được kỳ vọng là những “quân bài” mới tạo đột phá trên thị trường TV trong thời gian tới.
Truyền thông đã nhiều lần đưa tin về về định hướng công nghệ mới này của Samsung. Đồng thời, hãng đã sớm bật mí về kế hoạch này khi giới thiệu các mẫu TV tại CES 2019. Trong 2 năm gần đây, theo Cnet, Samsung liên tục giới thiệu những mẫu TV màn hình MicroLED mang tên “The Wall”, với kích cỡ 146 inch, và 219 inch. Tờ báo đánh giá gã khổng lồ Hàn Quốc đang tập trung nghiêm túc vào công nghệ này nhằm tạo nên TV cỡ lớn, bền hơn với chi phí hợp lý có khả năng thể hiện màu sắc chân thực.
Ưu điểm của MicroLED là cho hình ảnh sắc nét, độ sáng cao nhờ sử dụng hàng triệu đèn LED cực nhỏ để tạo nên điểm ảnh. Theo đó, để sản xuất TV độ phân giải 4K, nhà sản xuất phải sử dụng tối thiểu 24 triệu đèn MicroLED, đồng thời, phải giảm thiểu khoảng cách giữa các bóng đèn để có mật độ bóng cao nhất trong một kích thước màn hình hợp lý.
“Tiền thân” của MicroLED là TV LED hay còn được biết đến với tên gọi TV LCD màn hình tinh thể lỏng. Ở thế hệ cũ, dòng TV này sử dụng đèn nền huỳnh quang lạnh (CCFL) để chiếu sáng và mắc nhược điểm kém bền, đắt tiền, độ sáng không ổn định. MicroLED được Samsung phát triển để khắc phục điểm yếu trên, đồng thời, phát huy thế mạnh của LCD để có độ sáng cao đến 30 lần so với màn hình thông thường, hình ảnh sắc nét và góc nhìn rộng. Samsung cho biết dòng MicroLED có độ bền, hiệu suất chiếu sáng tốt và tuổi thọ cao.
Trong khi đó, QD-OLED là tấm nền thế hệ mới, kết hợp giữa công nghệ chấm lượng tử Quantum Dot (QD) và đi-ốt hữu cơ (OLED). Loại màn hình này có khả năng phát huy thế mạnh về độ tương phản cao, cùng ưu điểm về độ bền cùng khả năng xử lý tình trạng burn-in của QLED. Sự kết hợp này hứa hẹn tạo nên dòng sản phẩm có khả năng hiển thị tốt mang đến trải nghiệm khác biệt cho người dùng.
Điểm chung của 3 dòng màn hình này của Samsung là cùng theo đuổi triết lý tăng độ bền, không xảy ra hiện tượng lưu ảnh burn-in, tăng cường khả năng tái tạo màu đen sâu, độ sáng cao và hình ảnh giàu chi tiết, dung lượng màu lớn.
Trong lịch sử phát triển ngành hàng TV, Samsung đã nhiều lần liều lĩnh, ngược dòng trong các quyết định theo đuổi công nghệ màn hình. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của những dòng TV QLED cho thấy hãng đã có chiến lược hợp lý trong việc phát triển và thương mại hóa những sản phẩm của mình.
Đại diện Samsung công bố, trong nửa đầu 2019, hãng bán được 2 triệu TV QLED trên toàn cầu. Chỉ trong tháng 7, dòng TV cao cấp của Samsung bán được hơn 8.000 chiếc ở thị trường Việt Nam. Đồng thời, Samsung cũng là nhà sản xuất đầu tiên thương mại hóa thành công TV QLED 8K lớn nhất thế giới, với giá 2,3 tỷ đồng. Riêng ở Việt Nam, 4 khách hàng đã sở hữu TV có giá đắt bằng căn hộ này. Theo IHS Market, Samsung đang là hãng bán được TV 8K nhiều nhất toàn cầu.
Năm 2018, Samsung lần đầu giới thiệu MicroLED có kích thước đến 146 inch. Đến năm 2019, hãng công nghệ Hàn Quốc trình làng chiếc TV MicroLED 75 inch. Tờ Digital Trends viết: “Chúng tôi đã sai khi nghĩ rằng Samsung không có cách nào để thu nhỏ kích thước màn hình. Thế nhưng, Samsung đã gần như thương mại hóa rộng rãi được TV công nghệ mới có kích thước phù hợp để bất cứ ai cũng có thể đặt nó trong nhà họ”.
Tờ Wall Street Journal đưa tin, Samsung đang đầu tư mạnh mẽ vào việc sản xuất màn hình Quantum Dot cho các dòng TV cao cấp. Dự kiến đến năm 2021, Samsung sẽ sản xuất hàng loạt TV màn hình phẳng, kích thước lớn và được sử dụng công nghệ mới.