Vào tháng 10/2019, Samsung đã chính thức đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại cuối cùng tại thành phố Huệ Châu, Quảng Đông, Trung Quốc. Với việc chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam và Ấn Độ, bước đi này đánh dấu sự rút lui hoàn toàn của Samsung khỏi Trung Quốc để tránh ảnh hưởng của Thương chiến Mỹ - Trung.
Song với người dân thành phố Huệ Châu, quyết định tháo chạy của Samsung lại là một cú sốc thật sự, đặc biệt với những tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ tại đây, theo SCMP.
"Trước khi nhà máy Samsung chuyển đi, doanh thu của chúng tôi có thể đạt 60.000 nhân dân tệ (8.500 US) hoặc 70.000 nhân dân tệ (9,900 USD) một tháng. Hầu hết khách là nhân viên và nhà cung cấp của Samsung. Nhưng giờ chúng tôi chỉ có thể kiếm được vài trăm nhân dân tệ mỗi ngày, quán chỉ kín được chỉ hai hoặc ba bàn một đêm", Li Bing, chủ một quán ăn tại Huệ Châu cho biết.
Chỉ cách đây vài năm, quán ăn của cô Li và nhiều người dân Huệ Châu khác đã hưởng lợi từ hàng nghìn công nhân sống gần nhà máy Samsung tại đây. Cơ sở sản xuất smartphone và các thiết bị điện tử rộng tới 120.000 mét vuông của Samsung từng nuôi sống nhiều doanh nghiệp địa phương khác trong gần ba thập kỷ.
Thế nhưng, tình hình đã bất ngờ xấu đi một cách chóng mặt. Trong bối cảnh không có nhà sản xuất mới nào thế chỗ Samsung, ít nhất 60% doanh nghiệp địa phương đã phải đóng cửa. Số doanh nghiệp còn lại sớm rơi vào tình cảnh tương tự nếu tình hình không có sự cải thiện, theo SCMP.
"Samsung là doanh nghiệp sản xuất hàng đầu thế giới. Nhà máy ở Huệ Châu của Samsung đã giúp tạo nên toàn bộ hệ sinh thái chuỗi cung ứng ở Quảng Đông và các tỉnh lân cận trong 20 năm qua", Liu Kaiming, người đứng đầu Viện quan sát đương đại, vốn phụ trách theo dõi điều kiện làm việc tại hàng trăm nhà máy ở Trung Quốc, cho biết.
"Ít nhất 100 nhà máy ở Quảng Đông sẽ đóng cửa. Họ không thể duy trì hoạt động nếu không có nhà máy Samsung ở Huệ Châu, chứ đừng nói đến những cửa hàng và nhà hàng nhỏ ở khu vực lân cận"
Công nhân làm việc cầm chừng vì không còn đơn hàng của Samsung
Cách Huệ Châu 100km, những người sinh sống tại thị trấn Trường An thuộc thành phố Đông Hoản cũng đã cảm nhận được những tác động tiêu cực từ cuộc ‘tháo chạy’ của Samsung. Đây là nơi Janus Intelligent Group, một công ty chuyên về lắp ráp robot của Trung Quốc đã đặt nhà máy để cung ứng cho Samsung.
Vào năm ngoái, doanh thu của Janus sụt giảm 14,25% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 405 triệu USD lỗ ròng. Việc Samsung tạm dừng đơn đặt hàng từ quý IV/2018 đã khiến tài chính doanh nghiệp này bị thâm hụt nghiêm trọng do số lượng đơn hàng quá ít. Kết quả, vào tháng 9/2019, Janus đã bán phần lớn vốn chủ sở hữu tại nhà máy ở Đông Hoản, thành phố gần Huệ Châu cho một công ty khác.
Đồng thời, doanh nghiệp này cũng buộc phải sa thải bớt nhân viên quản lý cùng hàng nghìn công nhân nhập cư. Với các nhân công còn lại, một số được yêu cầu nghỉ phép ba tháng, trong khi số khác chỉ được xếp lịch làm việc một hoặc hai ngày mỗi tuần, mỗi ngày vài tiếng, tất cả chỉ để duy trì dây chuyền sản xuất.
"Chúng tôi cảm thấy nhà máy đang thực hiện chiến lược ép công nhân tự nghỉ việc thay vì bị sa thải. Họ cho phép các các chuyên viên nghỉ phép ba tháng với mức thu nhập dưới 2.000 nhân dân tệ (tương đương 6,5 triệu đồng). Trong khi đó, công nhân cũng được yêu cầu nghỉ một hoặc hai ngày xen kẽ những ngày làm việc để chúng tôi không thể duy trì mức thu nhập bình thường và buộc phải xin nghỉ", Liu Fang, công nhân đến từ tỉnh Hà Nam đã làm việc trong nhà máy hơn 5 năm trả lời SCMP.
Chỉ cách đây vài năm, số lao động tại Janus có lúc lên tới hơn 10 nghìn khi công ty này liên tục nhận được đơn đặt hàng từ nhà máy Samsung ở Huệ Châu. Công ty Janus khi đó thậm chí còn thuê hơn 40 tòa nhà cao bảy tầng gần công ty để làm ký túc xá cho nhân viên. Sau khi sa thải bớt, số nhân sự còn làm việc tại nhà máy chỉ còn 3000 người hoạt động cầm chừng. Số lượng tòa nhà ký túc xá ở Đông Hoản cũng giảm một nửa, chỉ còn 20 tòa nhà.
Không có công nhân Samsung, Huệ Châu trở thành thành phố ma
Hai tháng sau khi Samsung rời khỏi Huệ Châu, chính quyền tại đây vẫn đang loay hoay tìm hướng giải quyết khu đất từng là nơi đặt nhà máy, trong bối cảnh người dân tại đây vẫn mong chờ nhà sản xuất mới sẽ sớm thế chỗ của Samsung.
"Mức chi tiêu ở địa phương đang xuống mức thấp ở mức đáng báo động", Li Hua, chủ một cửa hàng tiện lợi cho biết. "Doanh thu hiện nay của chúng tôi đã giảm ít nhất 80% so với tháng 8/2019 do số lượng lớn công nhân đã rời đi vào thàng 9/2019".
Nhà máy Huệ Châu bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 8 năm 1992, bốn ngày trước khi Hàn Quốc thiết lập ngoại giao với Trung Quốc, mở cửa cho Samsung ký hợp đồng liên doanh với chính quyền địa phương. Trong suốt thời gian hoạt động, nhà máy Huệ Châu của Samsung đã sản xuất các thiết bị điện tử tiêu dùng mới nhất và phổ biến nhất, từ dàn âm thanh nổi vào những năm 1990, máy nghe nhạc MP3 vào đầu những năm 2000 và điện thoại thông minh kể từ năm 2007.
"Có khoảng 100 tòa nhà sáu đến bảy tầng, diện tích sàn khoảng 1.000 mét vuông, của khu phức hợp Jinxinda. Hầu hết đều cho các công nhân Samsung thuê", Huang Fumin, giám đốc bán hàng của Công ty môi giới bất động sản Ngôi sao Huệ Châu cho biết.
"Ngay sau khi nhà máy Samsung đóng cửa, giá nhà ở đây ngay lập tức giảm từ 4,8 triệu nhân dân tệ (680.000 USD) trong tháng 8 xuống 3,8 triệu nhân dân tệ (540.000 USD), nhưng vẫn không có nhà đầu tư nào quan tâm đến mức giá này", ông Huang cho biết.
"Trước đây các tòa nhà này có rất nhiều công nhân Samsung và các nhà máy gần đó. Dù muộn thế nào, những người lao động trẻ tuổi vẫn đây, ăn tối tại nhà hàng và chơi các trò chơi trực tuyến trong các quán café internet. Bây giờ nó trông giống như một thị trấn ma vào ban đêm vì hầu hết các ngôi nhà đều không có người ở"
Theo SCMP, hoạt động kinh doanh của nhà hàng bà Li, cũng như những doanh nghiệp gần nhà máy đang đứng trước hai lựa chọn: Tìm ra giải pháp để vượt qua hoặc buộc phải đóng cửa.
"Chúng tôi hy vọng chính quyền địa phương có thể mời gọi một nhà máy có quy mô khoảng 2.000 đến 3.000 công nhân càng sớm càng tốt", Li chia sẻ. "Chỉ khi có công nhân, chúng tôi và những người dân địa phương mới có thể tiếp tục kinh doanh để duy trì kế sinh nhai".
Khác với bà Li, một chủ cửa hàng khác gần đó chỉ dám hy vọng nhà máy mới sẽ có khoảng 1.000 đến 2.000 công nhân. "Công việc kinh doanh đang chết dần chết mòn và chúng tôi không thể đợi thêm được nữa", chủ cửa hàng này ngậm ngùi nói.
Theo SOHA
https://soha.vn/samsung-chuyen-nha-may-sang-viet-nam-vi-thuong-chien-thanh-pho-trung-quoc-dang-sam-uat-bong-choc-bien-thanh-thanh-pho-ma-20191212181028703.htm