Sách giáo khoa tăng giá, nhiều phụ huynh phản đối

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giá sách giáo khoa năm học tới tăng gấp 2-3 lần so với những năm trước. Rất nhiều ý kiến cho rằng chất lượng sách nằm ở kiến thức truyền tải cho học sinh chứ không ở việc khổ sách to hơn, giấy tốt hơn.
Giá sách giáo khoa tăng gấp 2-3 lần gây bức xúc
Giá sách giáo khoa tăng gấp 2-3 lần gây bức xúc

Được biết, giá sách giáo khoa (SGK) mới năm học 2022-2023 tăng gấp nhiều lần so với SGK hiện hành. Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải về nguyên nhân tăng giá sách gấp 2-3 lần là do "sách mới có khổ lớn hơn, giấy tốt hơn sách cũ".

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 kéo dài, lý do này không thuyết phục được cả chuyên gia lẫn phụ huynh huynh học sinh.

Theo thông tin trên tờ Người Lao động, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng nói rằng, trong giáo dục, không nhất thiết phải đẹp hình thức mà cần chú trọng về nội dung, giá trị sử dụng. SGK cũng có thể coi là sản phẩm thiết yếu nên cần phải định giá cho phù hợp.

"Vấn đề cần quan tâm là SGK có phù hợp với người sử dụng, phù hợp với điều kiện giáo dục của ta hiện nay hay không? Liệu SGK có cần sử dụng vật liệu tốt, in đẹp quá hay không" - ông Phan Viết Lượng đặt vấn đề.

Ông còn nhấn mạnh: “Sách giáo khoa là dịch vụ thiết yếu, nên cần phải định giá cho phù hợp, không thể vì lợi nhuận của một ai đó mà đẩy giá sách lên được. Do vậy, nhà nước cần phải quản lý giá, định giá, thậm chí phải trợ giá”.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho rằng việc tăng giá SGK mới gấp 2-3 lần so với SGK cũ là không hợp lý. Theo ông, SGK phục vụ đại trà, cần lựa chọn chất liệu cho phù hợp, cân bằng các nhu cầu của người dân chứ không cần thiết phải in đẹp, khổ to rồi tăng giá bất hợp lý như vậy. Chất lượng giáo dục không nằm ở cuốn sách khổ to và giấy tốt.

Cùng trên tờ Người Lao động, anh N.D. (phụ huynh tại quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, chưa kết thúc năm học cũ đã nghe những thông tin như tăng học phí, giá SGK tăng… khiến anh rất lo lắng, bức xúc.

Anh có hai người con, một sắp lên lớp 2 và một vào lớp 3. Sau một năm học, "sách của đứa lớn lẫn đứa bé học xong chỉ để… bán ve chai chứ không thể tận dụng lại". Bước vào năm học mới, SGK cải cách phải mua bộ mới cho con học, SGK cũ đã được làm bài tập vào trong sách, không sử dụng lại được.

"Tôi thấy thật sự rất lãng phí. Một bộ sách hàng chục quyển giá cả triệu đồng nhưng chỉ phục vụ học tập cho một học sinh trong một năm học. Con tôi học giữ gìn sách rất sạch sẽ, đến gần cuối năm mà sách vẫn còn mới tinh nhưng cũng chẳng có ý nghĩa gì, rồi cũng gom lại bán giấy vụn. Không biết ngành giáo dục có thấy sự lãng phí này và nỗi khổ của những phụ huynh nghèo khi phải chắt chiu, dành dụm để mua bộ sách mới hay không?", anh D. nói.

"Một bộ sách có giấy tốt, có khổ to nhưng kiến thức truyền tải, chương trình giảng dạy, kỹ thuật biên soạn không phù hợp với cấp học thì việc tăng giá liệu có chính đáng hay không? Chưa kể, tại sao phải in khổ to, giấy tốt, tăng giá thành… nhưng chỉ sử dụng một năm học thôi? Nếu năm sau học sinh phải thay sách khác thì tại sao không nghiên cứu, sản xuất ở mức độ vừa phải để giảm giá thành, tránh lãng phí?", anh D. nêu thắc mắc.

Chị Nguyễn Thu Trang - phụ huynh một học sinh lớp 2 tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội - đánh giá bộ SGK mới sử dụng quá lãng phí vì có không ít cuốn cả năm không thấy nhắc tới, học hết năm mà sách vẫn mới nguyên, chưa hề mở ra để học. "Có cuốn dùng vài lần, có cuốn vẫn mới nguyên. SGK trước đây có tính kế thừa, còn sách bây giờ thì học xong năm nào bỏ năm đó vì học sinh làm bài trực tiếp lên sách. Việc này quá lãng phí cho cha mẹ học sinh cũng như xã hội" - chị Trang bày tỏ.

Một giáo viên tiểu học tại quận Tân Phú, TP.HCM cho biết, sau gần một năm dạy sách mới cho học sinh lớp 1, nhận thấy sách dù mới in nhưng không chắc chắn, keo dán không đảm bảo và rất dễ bị bung. Học sinh chỉ cần lật vài lần là cuốn sách đã chia thành mấy phần không còn dính vào với nhau.

"Đúng là về mặt hình ảnh, màu sắc của sách mới rất sinh động, hình ảnh rõ nét. Tuy nhiên, do sử dụng giấy bóng loáng nên khi học dưới ánh đèn sẽ bị lóa mắt, rất khó để đọc sách. Đối với sách các lớp khác cũng vậy, trừ sách tiếng Anh và Tin học còn lại đều bị lóa sáng. Thiết nghĩ, nếu tăng giá thành, sử dụng giấy dày hơn thì nên đổi loại giấy in sách, dùng giấy mờ, sần để giảm chói lóa mắt học sinh", vị giáo viên chia sẻ.