Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. |
Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đưa ra yêu cầu trên tại phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng đây là chuyên đề dự kiến giám sát năm 2023 trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 3. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đề cập tới các nội dung được đưa ra tại phiên họp lần này, có nhiều vấn đề được nhân dân và cử tri rất quan tâm, nhất là liên quan tới việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với môn Lịch sử cấp trung học phổ thông. Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cần nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến đội ngũ chuyên gia lịch sử một cách thấu đáo, trên tinh thần cầu thị, lắng nghe và có đề xuất trên nguyên tắc phù hợp với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về giáo dục, đào tạo.
Cũng liên quan phiên làm việc này, nhiều tờ báo đã thông tin, tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Thị Mai Hoa đã báo cáo về việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông đối với môn Lịch sử bậc THPT.
“Đa số các ý kiến không đồng tình đối với việc đưa môn Lịch sử cấp THPT thành môn lựa chọn” - báo cáo của Ủy ban nêu nhiều lý do cho quan điểm này.
Phiên họp toàn thể của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội. |
Trong đó, Lịch sử là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử; bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội. Từ đó, hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại.
Cạnh đó, xét về tâm sinh lý lứa tuổi, học sinh THPT (từ 15 đến 17 tuổi) có sự trưởng thành về nhận thức, khả năng tiếp nhận tốt hơn về lịch sử đất nước và lịch sử cách mạng Việt Nam. Đây cũng là lứa tuổi quyết định sự hình thành thế giới quan, hệ thống quan điểm về tự nhiên, về xã hội, về các nguyên tắc và quy tắc ứng xử, định hướng giá trị của con người.
Xét về khoa học giáo dục, việc bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho học sinh THPT là cần thiết nhằm phát triển con người toàn diện, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của con người Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu học sinh không lựa chọn môn Lịch sử ở cấp THPT (số lượng có thể lên tới 50% học sinh), các em sẽ không được tiếp cận với những kiến thức rất quan trọng, có ý nghĩa giáo dục đối với lứa tuổi này.
Trong khi, ở nhiều nước trên thế giới, môn Lịch sử trong chương trình THPT luôn là môn học bắt buộc.
Từ đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, môn Lịch sử có vị trí đặc biệt, có ý nghĩa rất quan trọng trong Chương trình Giáo dục phổ thông, học sinh cần được trang bị khối lượng kiến thức này, vì vậy cần tiếp thu ý kiến đông đảo của cử tri, các tầng lớp nhân dân theo hướng quy định môn Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp THPT trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với khối lượng kiến thức phù hợp.
Đồng thời, thiết kế bao gồm khối lượng kiến thức lịch sử (phần bắt buộc) và khối lượng kiến thức định hướng nghề nghiệp (phần lựa chọn).
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu và quy định môn học Lịch sử cấp THPT trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc.
Ủy ban cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác tuyên truyền về Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nói chung, chương trình môn Lịch sử nói riêng; để tăng thêm sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội trong việc triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; đồng thời truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn Lịch sử.
Cần lý do xác đáng ở cả góc độ lý luận và thực tiễn
PGS. TS Trần Kiều trong một cuộc trao đổi chuyên môn. |
Ba ngày trước, trao đổi riêng với PV VietTimes về việc dạy và học môn Lịch sử ở cấp THPT, PGS. TS Trần Kiều - Chủ tịch hội đồng thẩm định môn Toán, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lí - Giáo dục Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện khoa học giáo dục Việt Nam - cho rằng không thể mỗi cứ đề xuất ra là điều chỉnh ngay, vì như vậy chương trình thể bảo đảm được tính hoàn chỉnh nữa.
"Cần điều chỉnh thì điều chỉnh nhưng cần phải có lý do thật xác đáng, thuyết phục, lý do điều chỉnh cần ở cả góc độ về lý luận cũng như thực tiễn" - PGS. Trần Kiều nói.
Từ góc độ của Chủ tịch Hội đồng thẩm định một bộ môn Toán, PGS. Kiều cho rằng, nếu không cẩn thận thì việc điều chỉnh có thể phá vỡ cấu trúc tổng thể của chương trình. Ông cũng cho rằng vấn đề hiện nay là học bằng cách nào và dạy ra sao, còn việc "đưa thật nhiều kiến thức vào thì đã lạc hậu quá rồi, mà không phải cứ học nhiều (môn Lịch sử - PV) mới là yêu nước".
Ông cũng gợi ý, để có thêm thông tin giúp việc đánh giá và nhìn nhận chính xác về việc dạy và học môn Lịch sử, có thể tổ chức cuộc điều tra xã hội học để ghi nhận ý kiến của những đối tượng chịu tác động trực tiếp, gồm học sinh, phụ huynh và giáo viên. Cuộc điều tra này có thể thực hiện trực tuyến.