TikTok
TikTok

E-magazine Rốt cục, có nên dùng TikTok nữa không?

VietTimes – Những lời kêu gọi tẩy chay TikTok đang nổi lên rất mạnh mẽ gần đây. Ấn Độ đã cấm sử dụng TikTok, trong khi Mỹ và Úc đang xem xét khả năng này. Rốt cục, chúng ta có nên dùng TikTok không?

Để quyết định xem có nên dùng TikTok không, có lẽ cần phải tìm hiểu xem vì sao ứng dụng này lại “gây bão” thời gian qua. Đó là cả một câu chuyện về sự thành công nhanh chóng của TikTok.

Giới trẻ ngày nay chẳng lạ gì TikTok. Ứng dụng này “nổi như cồn” trong khoảng 2 năm trở lại đây. Nó cho phép người dùng tạo video ngắn, tối đa là 1 phút, rồi chia sẻ cho nhau xem. TikTok có một thư viện các bản nhạc vui nhộn, file âm thanh, các bộ lọc màu và hiệu ứng vui mắt cung cấp cho người dùng khi tạo video. Người dùng cũng có thể lấy các đoạn clip hài hoặc đoạn phim ngắn có sẵn trong thư viện để sáng tạo.

Vào tháng 3/2019, TikTok đã vượt mốc 1 tỷ lượt tải xuống trên toàn cầu trên cả hai nền tảng iOS và Android. Sau đó, số lượt tải xuống và cài đặt đã vượt qua cả Facebook, Snapchat và Instagram. Ở châu Á, người khổng lồ mạng xã hội Facebook chỉ đứng thứ tư trong danh sách những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất.

Nếu chỉ được dùng 2 từ để mô tả về TikTok thì đó chính là “âm nhạc” và “vũ đạo”. Đó là 2 nhân tố chính trong các video TikTok, và nó cũng là một dạng ngôn ngữ quốc tế để TikTok trở nên phổ biến trên toàn cầu. Sự thành công của TikTok còn nhờ việc áp dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI) và Dữ liệu lớn (Big Data) để cá nhân hóa từng đối tượng, cung cấp các nội dung phù hợp với sở thích người dùng.

Định dạng video ngắn với những hiệu ứng đặc sắc là một đặc điểm của TikTok

Thực ra thành công của TikTok không phải đến dễ dàng chỉ sau một đêm. ByteDance - công ty phát triển TikTok - đã trải qua một quá trình thử nghiệm dài ngày, khắc phục những sai sót, nghiên cứu nội địa hóa cho từng thị trường nước ngoài.

Cuối cùng, nhờ đặc tính dễ sử dụng, dễ tạo video với các hiệu ứng đặc biệt nên TikTok đã thành công ngoài mong đợi của các nhà phát triển, trở thành trào lưu tại Bắc Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và Đông Nam Á.

Bị cuốn vào cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung

Vì ByteDance là công ty Trung Quốc nên khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra, TikTok đã phải “hứng đạn” cùng với Huawei. Trong khi Huawei bị Mỹ liệt kê vào “danh sách đen thương mại”, Giám đốc Tài chính Huawei bị bắt giữ, thì TikTok cũng đang bị Mỹ và Úc xem xét cấm sử dụng.

TikTok đúng là "số nhọ" khi Apple phát hành iOS 14. Hệ điều hành mới của “nhà Táo” được bổ sung nhiều tính năng liên quan đến bảo mật và quyền riêng tư của người dùng. Đặc biệt, có một tính năng đưa ra cảnh báo cho người dùng mỗi khi có một ứng dụng truy cập vào bộ nhớ tạm. Đây là phân vùng trên bộ nhớ điện thoại có nhiệm vụ lưu trữ tạm thời các thông tin mà người dùng hoặc ứng dụng thực hiện.

Một số người dùng khi cập nhật lên iOS 14 Beta đã phát hiện ra một số ứng dụng của bên thứ ba, trong đó có TikTok, đã truy cập vào bộ nhớ tạm để đọc các thông tin trong đó. Dữ liệu lưu trong bộ nhớ tạm có thể chứa những thông tin rất nhạy cảm mà người dùng nhập vào từ điện thoại, chẳng hạn như mật khẩu ngân hàng, mật khẩu email, số điện thoại...

Trên mạng xã hội Reddit, một kỹ sư phần mềm có nickname là “Bangorlol” đã mày mò dịch ngược mã nguồn TikTok để tìm hiểu cách thức nó hoạt động và những dữ liệu mà nó thu thập từ điện thoại người dùng. Sau đó, anh này đã chia sẻ rằng:

“Tôi đã dịch ngược mã nguồn TikTok và tự tin rằng tôi có thể hiểu nó hoạt động như thế nào. Về cơ bản, TikTok là một ứng dụng thu thập dữ liệu cá nhân được ẩn nấp dưới dạng mạng xã hội”.

Vậy TikTok thu thập những dữ liệu gì? Theo “Bangorlol”, nó thu thập thông tin phần cứng của điện thoại (độ phân giải màn hình, bộ nhớ, thông tin CPU); thu thập những ứng dụng người dùng đã cài vào điện thoại (thậm chí những ứng dụng đã gỡ bỏ rồi vẫn xuất hiện trong tài liệu mà TikTok thu thập); những thông tin về địa chỉ IP của thiết bị; máy đã jailbreak chưa; các thông tin từ việc gõ phím v.v...

Anh này còn khẳng định rằng đã từng dịch ngược mã nguồn của Facebook, Instagram và Twitter và thấy rằng các mạng xã hội nói trên cũng thu thập dữ liệu người dùng, nhưng khối lượng thu thập không là gì so với TikTok. “Nó giống như so sánh ly nước với đại dương”, “Bangorlol” kết luận.

Nói một cách công bằng thì hầu như ứng dụng nào cũng thu thập thông tin người dùng để phục vụ cho mục đích thăm dò thị hiếu, quảng cáo hướng đối tượng và những mục đích bí mật khác. Người ta đã phát hiện nhiều ứng dụng cũng âm thầm đọc bộ nhớ tạm của điện thoại như AccuWeather, Call of Duty: Mobile, LinkedIn, BBC News, New York Times, Google News và cả Zalo của Việt Nam. Nhưng việc thu thập một lượng dữ liệu khổng lồ của TikTok đã gây ra một nỗi lo ngại lớn.

Đại diện TikTok đã phản hồi rằng việc đọc bộ nhớ tạm chỉ là để nhận dạng những hành vi spam không mong muốn. Vị này khẳng định hành động này không ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người dùng.

Trung Quốc có thể sử dụng TikTok để do thám cá nhân?

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo gần đây đã tuyên bố rằng người dùng TikTok có nguy cơ bị mất thông tin vào tay Trung Quốc. Còn TikTok thì phản pháo rằng mọi thông tin về người dùng đều được lưu trữ tại các máy chủ đặt ngoài Đại lục. 

Ông Betram, Luật sư trưởng của TikTok tại thị trường châu Âu, Trung Đông và châu Phi khẳng định với BBC rằng: "Quan điểm cho rằng chúng tôi bị chính phủ Trung Quốc kiểm soát là hoàn toàn sai lầm".

Nhưng, cũng giống như Huawei, những nghi ngại với TikTok dựa trên một bộ luật của Trung Quốc. Luật An ninh Quốc gia ban hành năm 2017 của nước này yêu cầu bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào phải hợp tác với cơ quan tình báo nhà nước khi được yêu cầu. Do đó, Bắc Kinh hoàn toàn có thể buộc ByteDance cung cấp dữ liệu người dùng khi cần.

Nhưng ông Betram nói rằng nếu chính phủ Trung Quốc tìm đến ByteDance, công ty "sẽ từ chối bất cứ yêu cầu nào về cung cấp dữ liệu".

Tuy nhiên, người ta vẫn nghi ngại rằng ByteDance khó có thể chống lại lệnh của chính phủ. Một ví dụ nhãn tiền là ứng dụng Toutiao đã bị tạm dừng 24h vào năm 2017 sau khi Văn phòng Thông tin Internet Bắc Kinh tuyên bố Toutiao đã truyền bá nội dung khiêu dâm và thô tục. Việc từ chối một yêu cầu từ chính phủ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp.

TikTok là công cụ tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc?

Một câu hỏi khác được giới chuyên gia phương Tây đặt ra là liệu TikTok có phải là một công cụ để Trung Quốc truyền bá văn hóa và chính trị của mình?. 

Thực tế thì không phải video nào mà người dùng tạo ra cũng có thể xuất hiện trên mạng xã hội TikTok. Thông tin trên tờ Guardian nói rằng nhân viên của TikTok cũng như hệ thống kiểm duyệt được yêu cầu tuân thủ một số quy tắc xuất bản video. Những video nói xấu Trung Quốc sẽ không được xuất hiện.

Washington Post cũng đã phỏng vấn 6 cựu nhân viên của TikTok và họ nói rằng chỉ một số ít nhân viên cấp cao ở Trung Quốc mới có quyền xuất bản hay không xuất bản các video được gắn cờ (nhạy cảm).

Thực tế thì việc kiểm duyệt và gắn cờ là bắt buộc ở nhiều mạng xã hội. Không chỉ các nội dung nói xấu Trung Quốc mà hầu như nhiều nội dung nhạy cảm khác liên quan đến các chính trị gia phương Tây cũng không xuất hiện trên TikTok. 

ByteDance cũng đang tìm cách giúp TikTok "thoát mác" Trung Quốc khi dự tính xây dựng trụ sở chính của TikTok tại một quốc gia khác. Họ cũng đã mời doanh nhân người Mỹ Kevin Mayer về làm CEO cho TikTok. Ông Kevin Mayer vốn là Giám đốc toàn cầu mảng video trực tuyến của Disney và từng sáng cửa ngồi vào chiếc ghế CEO Disney, nhưng cuối cùng ông lại chọn bến đỗ là TikTok.

Vậy thì, nên xóa hay giữ TikTok?

Một giám đốc công nghệ người Việt từng nói với phóng viên viết bài này rằng sở dĩ TikTok bị đưa lên "đoạn đầu đài" vào thời điểm này là vì nó phát triển quá nhanh và Mỹ không muốn nó vượt mặt "gà nhà" Facebook, Instagram và YouTube. Đó là một sự cạnh tranh về chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. 

Cũng giống như TikTok, trong một lần trả lời phỏng vấn truyền thông, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi nói rằng ông đã lường trước được tình huống bị Mỹ cấm vận từ cách đây 10 năm. Ông Nhậm nói rằng Mỹ và Trung Quốc giống như hai người leo núi từ hai bên đối diện, và khi gặp nhau trên đỉnh, sự cạnh tranh sẽ diễn ra.  

Khi bài viết này chuẩn bị lên trang thì ngày hôm qua (22/7) Ủy ban Thượng viện Mỹ phụ trách về các vấn đề Chính phủ và An ninh đã thông qua dự luật cấm các nhân viên liên bang sử dụng TikTok. Dự luật này có cái tên là "Không TiTok trên thiết bị chính phủ", do Thượng nghị sĩ Josh Hawley đệ trình. Dự luật còn cần phải được Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua mới chính thức có hiệu lực.

Gần đây, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm TikTok và 58 ứng dụng có nguồn gốc Trung Quốc khác trong bối cảnh quan hệ Trung - Ấn trở nên căng thẳng vì những xung đột ở biên giới. Giải thích cho lệnh cấm, phía Ấn Độ nói rằng họ lo ngại vấn đề an ninh quốc gia và quyền riêng tư cá nhân.

Trong khi TikTok gây ra mối quan ngại cho một số chính phủ và giới chuyên gia thì những người dùng phổ thông lại không coi TikTok là một ứng dụng nguy hiểm. Nó được xem như một thứ giải trí nhẹ nhàng, một mạng xã hội kết nối mọi người. Đối tượng người dùng chính của TikTok là thanh thiếu niên, vì vậy các em không bận tâm quá nhiều về thông tin cá nhân hay quyền riêng tư.

Tóm lại, những người không thích dùng TikTok hoặc lo ngại đến quyền riêng tư sẽ không bao giờ dùng ứng dụng này. Các cơ quan hoặc cá nhân có trong tay những thông tin bí mật, nhạy cảm cũng sẽ không cài TikTok. Phần còn lại là những người dùng cá nhân trẻ tuổi, năng động, quyền quyết định xóa hay không xóa TikTok nằm trong tay họ.