Theo The Washington Post, công ty Amazon đã gửi một email vào sáng ngày 10/7 cho toàn bộ nhân viên và đề nghị họ xóa ứng dụng TikTok. Đặc biệt khi nhiều nhân viên đã sử dụng email công ty để tạo tài khoản trên nền tảng video này.
Chiều cùng ngày, đại diện của Amazon thông báo email trên đã bị lỗi khi gửi.
"Email sáng nay gửi cho toàn bộ nhân viên đã bị lỗi, Amazon hiện chưa có thay đổi nào về chính sách đối với TikTok", bà Jaci Anderson, nhân viên phụ trách mảng truyền thông doanh nghiệp Amazon nói.
Nhiều cơ quan chính phủ điều tra TikTok
Gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trả lời với Fox News ngày 6/7, cho biết chính phủ quốc gia này "đang nghiêm túc xem xét" cấm những ứng dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong đó có TikTok. Nguyên nhân xuất phát từ nghi vấn các ứng dụng này chia sẻ dữ liệu người dùng Mỹ cho chính quyền Trung Quốc.
Theo Reuters, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và Bộ Tư pháp Mỹ đang mở một cuộc điều tra để xác định TikTok có thật sự khắc phục các vấn đề về quyền riêng tư, đặc biệt là của nhóm khách hàng trẻ em dưới 13 tuổi. Trước đó, TikTok đã bị kiện vi phạm Luật Bảo vệ trẻ em vào năm 2019.
Hiện tại, Bộ Ngoại giao Mỹ chưa đưa ra bình luận chính thức về TikTok cũng như hành động cụ thể mà đơn vị này xem xét thực hiện. Tuy nhiên, cơ quan này cũng gặp áp lực khi Ủy ban Quốc gia của Đảng Dân chủ đã 2 lần gửi email cảnh báo về rủi ro bảo mật khi sử dụng TikTok trên smartphone.
Bên cạnh Mỹ, Australia và Hàn Quốc là 2 quốc gia khác đưa TikTok vào danh sách ứng dụng cần theo dõi và điều tra vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Theo Herald Sun, TikTok có thể bị ghi tên vào danh sách Can thiệp nước ngoài bằng mạng xã hội, sau đó sẽ đưa ra trước Quốc hội Australia để bàn về mối lo ngại gián điệp.
Theo Korea Times, Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc (KCC) xác nhận mở cuộc điều tra nền tảng video TikTok từ tháng 1/2020. Sau khi Song Hee-kyeoung, người đại diện đảng Tự do Hàn Quốc lên tiếng cảnh báo về việc thu thập dữ liệu của ứng dụng Trung Quốc hồi tháng 10/2019.
"Chúng tôi luôn đặt bảo mật và sự an toàn của người dùng lên hàng đầu. TikTok chưa bao giờ cung cấp dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc, tương lai cũng sẽ như vậy", Hilary McQuaide, đại diện TikTok chia sẻ sau sự kiện Amazon gửi "nhầm" email.
Người dùng bị bỏ rơi khi lệnh cấm xuất hiện
TikTok đặc biệt phổ biến với nhóm người dùng từ 16-24 tuổi. Nền tảng này phân phối những video ngắn từ 15-60 giây như video ca hát, nhảy múa, chơi khăm (prank), dạy học, nấu ăn hay những nghiên cứu về đề tài khoa học, chính trị...
Tại Ấn Độ, ứng dụng này thu hút hơn 200 triệu người dùng chỉ sau 3 năm có mặt. ByteDance, công ty sở hữu TikTok cho biết đã đầu tư vào Ấn Độ khoảng 1 tỷ USD và tạo ra hơn 3.500 việc làm cho người Ấn, đây cũng là thị trường có lượng người dùng lớn nhất của TikTok.
Gần đây, chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm khoảng 60 ứng dụng di động có liên quan tới Trung Quốc, trong đó có TikTok. Họ còn yêu cầu Google và Apple xóa TikTok khỏi Play Store và App Store tại thị trường Ấn để ngăn chặn hoàn toàn sự tiếp cận của người dân nước này.
Sau khi lệnh cấm được áp dụng, TikTok cho biết công ty này có thể sẽ mất khoảng 6 tỷ USD, bỏ ngỏ tương lai của những người sáng tạo nội dung trên TikTok.
Saddam Khan, 22 tuổi, một công nhân người Ấn Độ với hơn 41.000 người theo dõi trên TikTok, cho biết anh chỉ mới nổi tiếng và chưa kịp kiếm ra tiền từ nền tảng này.
Theo CNN, nữ diễn viên Ấn Độ Ashnoor Kaur, người có 3,2 triệu người theo dõi trên TikTok chia sẽ cô ủng hộ quyết định của chính phủ, cho rằng đây là cơ hội để sử dụng những sản phẩm quốc nội. Cô đã ngừng đăng tải video lên TikTok từ 27/6.
Đồng cảm với tương lai bất ổn của những người sáng tạo nội dung trên TikTok, nữ diễn viên Gunjan Utreja cho rằng người xem không nên chỉ trích những TikToker vào lúc này.
"Những người sáng tạo nội dung trên TikTok cũng là người Ấn, hãy tưởng tượng một ngày thức dậy và cả doanh nghiệp bạn xây dựng bị biến mất thì như thế nào", Utreja viết trên trang Facebook cá nhân.
"TikTok có thể sẽ ngừng hoạt động, tôi hi vọng nó sẽ không xảy ra", người dùng TikTok có tên @andragogan đăng tải video đi kèm bài báo về phát biểu của Ngoại trưởng Pompeo. Sử dụng hashtag #savetiktok, cô kêu gọi mọi người hãy tiếp tục theo dõi mình trên Instagram.
Sau khi Ấn Độ cấm người dân sử dụng TikTok, Hong Kong có thể là thị trường tiếp theo ghi nhận sự vắng mặt nền tảng này. Nguyên nhân từ việc Trung Quốc áp dụng luật an ninh quốc gia mới gây tranh cãi tại đây.
Theo Zing
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu