So với robot nhập ngoại có giá khoảng 450 triệu đồng/con, sản phẩm do kỹ sư Lê Anh Kiệt - Công ty Robotic Việt Nam - chế tạo ra có giá thành chỉ bằng một nửa, nhưng lại đầy đủ chức năng giúp sinh viên thuận lợi hơn trong học tập.
Khắc phục nhiều nhược điểm của hàng ngoại
Hoàn thiện công nghệ chế tạo robot phục vụ đào tạo với sản phẩm robot 5 bậc tự do là một trong những sản phẩm của chương trình quốc gia Phát triển công nghệ cao đến năm 2020 - một trong các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia - do kỹ sư Lê Anh Kiệt nghiên cứu và phát triển. Chương trình được triển khai từ năm 2014 và nghiệm thu vào năm 2016.
Theo kỹ sư Lê Anh Kiệt, robot 5 bậc tự do trước đó đã được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu kỹ. Ông học tập, kế thừa các thành tựu nghiên cứu của thế giới để tạo ra sản phẩm robot phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
“Robot 5 bậc tự do của nước ngoài có giá thành rất cao, khoảng 20.000USD (khoảng 450 triệu đồng) và nếu có hỏng hóc thì không thể tìm được linh kiện thay thế. Ngoài ra, hệ thống mã nguồn của robot ngoại hoàn toàn đóng, sinh viên chỉ có thể sử dụng một cách đơn thuần, không có cách nào thay đổi hay lập trình lại theo yêu cầu của giảng viên” - ông Kiệt cho biết.
Sản phẩm robot 5 bậc tự do mang tên VNR-T1 của Công ty Robotic Việt Nam đã khắc phục được các vấn đề đó. Sự ra đời của nó đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng robot trong giảng dạy của các trường. Đây là robot khớp xoay dạng đứng, trọng lượng 15kg, có thể làm việc trong bán kính tối đa là 610m, tốc độ lớn nhất 600mm/giây, trọng tải lớn nhất là 1kg và có độ chính xác lặp lại trong khoảng 0,8mm...
Để giảm giá thành sản phẩm, kỹ sư Lê Anh Kiệt cũng đã nội địa hóa tối đa các linh kiện của sản phẩm với 95% là hàng trong nước sản xuất. Điều này tạo thuận lợi trong việc thay thế linh kiện hỏng cũng như bảo trì, bảo dưỡng dễ dàng.
“Robot VNR-T1 có cấu hình thiết bị cho đào tạo đa chiều kết nối máy tính, đáp ứng được các kiểu thực hành như một robot công nghiệp hoạt động độc lập hoặc được điều khiển bằng máy tính hay đào tạo sinh viên qua Internet. Robot cũng cho phép sinh viên can thiệp vào hệ cơ khí (tháo lắp) và hệ điều khiển, lập trình phần mềm. Ứng với mỗi nhiệm vụ, học viên có thể tương tác với hệ thống thông qua phím điều khiển, nhập dữ liệu và giám sát kết quả trên màn hình máy tính. Nhờ tính mở, người sử dụng có thể phát triển ứng dụng về điều khiển thông minh và điều khiển sản xuất ở mức nâng cao. Đây là điểm khác biệt với những robot dành cho đào tạo của các hãng tiên tiến trên thế giới - hệ thống đóng, chỉ dạy vận hành phục vụ cho thiết bị của hãng” - ông Lê Anh Kiệt chia sẻ.
Sẽ mở rộng tính năng
Robot VNR-T1 đã được cung cấp cho nhiều đơn vị sử dụng thử nghiệm và mua chuyển giao sản phẩm như Đại học Tôn Đức Thắng, Cao đẳng Công nghệ thông tin TPHCM, Đại học Việt Đức, Cao đẳng Công nghiệp Huế, Công ty King Tech...
Kỹ sư Lê Anh Kiệt cho biết: “Các đơn vị đã sử dụng sản phẩm hầu như đều đánh giá tốt về robot mà chúng tôi cung cấp, đặc biệt đánh giá cao việc chúng tôi cung cấp hệ thống mã nguồn mở. Tuy nhiên, họ cũng mong muốn giảm được tiếng ồn của robot khi vận hành, có thêm phần mềm biên dịch và hệ thống tài liệu phục vụ cho đào tạo”.
Là một trong những cơ sở dùng thử nghiệm robot VNR-T1, thạc sỹ Võ Hữu Hậu - Đại học Tôn Đức Thắng - nhận xét: “Robot có thiết kế chắc chắn, hoạt động ổn định với bộ điều khiển tương đối dễ sử dụng. Người dùng có thể sử dụng bằng tay hoặc máy tính. Tôi đánh giá cao chương trình quản lý điều hành hệ thống linh hoạt, cho phép can thiệp vào hệ thống, phục vụ tối đa nhu cầu nghiên cứu của sinh viên”.
Trong tương lai, robot VNR-T1 sẽ được “cha đẻ” Lê Anh Kiệt thiết kế thêm bộ điều khiển nhúng mới cũng như mở rộng tính năng. Công ty Robotic Việt Nam cũng đang xây dựng phần mềm để ứng dụng robot này trong vận chuyển sản phẩm của sản xuất công nghiệp. Trên cơ sở hệ thống 5 bậc có sẵn, một robot 6 bậc tự do cũng đang được hoàn chỉnh. Khi ra mắt, robot này sẽ được ứng dụng rộng rãi trong lắp ráp, gia công kim loại, hàn...
Điều quan trọng nhất, khi tiến hành sản xuất hàng nhiều theo đơn đặt hàng cũng như cải tiến hệ thống, kỹ sư Kiệt khẳng định sẽ hạ giá thành sản phẩm hơn nữa để tăng cơ hội sử dụng cho các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu