Đại Thi hào Nguyễn Du là bộ phim tài liệu nghệ thuật đồ sộ về thân thế, sự nghiệp và tác phẩm của ông. Các nhà làm phim mong muốn truyền tải cái nhìn đa chiều về một vĩ nhân của dân tộc được sản sinh từ giáo dục truyền thống, từ môi trường văn hóa các dòng họ, từ sự kế thừa tinh hoa Nho học cùng triết lý nhân bản dân gian Việt.
Bộ phim được sản xuất theo phương thức xã hội hóa (dự kiến kinh phí đầu tư khoảng 15 tỷ đồng) do nhóm tác giả kịch bản: Phạm Xuân Mừng, Lương Xuân Trường, Trần Đình Tuấn, Nguyễn Văn Đức, do Công ty CP Không gian văn hóa Việt Media sản xuất.
Ông Phạm Xuân Mừng, đại diện nhóm tác giả cho biết, ý tưởng để sản xuất bộ phim này đến từ câu chuyện gặp gỡ gữa ông và ông Hồ Bách Khoa, Trưởng ban quản lý khu di tích Nguyễn Du tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh vào cuối năm 2017.
"Qua gặp gỡ, ông Khoa gợi ý muốn làm bộ phim về cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Du để kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào vào dịp tháng 9 năm 2020. Tôi rất tâm đắc trước gợi ý đó và nghĩ rằng có thể làm được nếu đầu tư không lớn trong vòng vài trăm triệu. Từ ý tưởng đó tôi đã gặp gỡ các ông Hà Văn Thạch, Trần Đình Tuấn, đạo diễn Nguyễn Văn Đức mong muốn có một bộ phim sâu sắc về toàn bộ cuộc đời,sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du", ông Mừng cho biết.
Đoàn làm phim qua nhiều lần trao đổi và thống nhất quyết tâm xây dựng bộ phim dù kinh phí đầu tư lớn nhưng vì mục đích giáo dục và coi dự án phim là dự án tâm linh. Toàn bộ nhóm làm phim ai có tiền bỏ tiền, ai có công bỏ công chung tay góp sức và quyết tâm thực hiện phim theo phương thức xã hội hóa với kinh phí khoảng 15 tỷ đồng.
Ông Mừng cho biết đoàn làm phim chọn thể loại tài liệu có yếu tố truyện và thông qua các lớp cắt lát chính yếu của các sự kiện niên biểu Nguyễn Du, các sự kiện lịch sử để xây dựng cốt truyện. Điều này thực sự khó khăn khi thể loại phim này đòi hỏi hình ảnh, cốt truyện, lời thuyết minh, bình luận phải quấn quyện chặt chẽ.
Đây là thể loại phim đã được phổ biến và được các nước trên thế giới làm nhiều từ hơn 20 năm trước, nhưng với Việt Nam lại ít và quá mới mẻ bởi sự đầu tư kinh phí cũng rất lớn so với thể loại phim tài liệu thông thường. Và cũng không phải cộng tác viên nào cũng thuần thục kĩ năng xử lý cho thể loại này, ông Mừng băn khoăn.
Dù khó khăn về kinh phí và chuyên môn, nhưng với sự quyết tâm cao của Đoàn làm phim, chiều 5/12, phần 1 của phim cũng đã được chính thức ra mắt trong sự chờ đón. Đạo diễn phim Đại thi hào Nguyễn Du là Nguyễn Văn Đức và chủ biên kịch bản Trần Đình Tuấn cùng các cố vấn như Vương Trọng, Hoàng Khôi, Hà Văn Thạch, Nguyễn Huy Hoàng…
Phần 1 của phim giới thiệu cho khán giả biết về thân thế của đại thi hào Nguyễn Du. Ông sinh ra trong một đại gia đình quý tộc, bố là tể tướng Nguyễn Nghiễm, mẹ là Trần Thị Tần xinh đẹp đoan trang, giỏi hát quan họ. Nguyễn Du sớm được học hành, giáo dục theo nhãn quan, nhận thức của giới phong lưu, thượng tầng xã hội và được thực hiện các nghi lễ truyền thống quan trọng bậc nhất đối với cậu ấm, đối với một hạt giống nhân tài quốc gia. Lúc 3 tuổi Nguyễn Du được tập ấm chức Hoằng Tín Đại phu, xuất thân là Thành Môn Vệ Úy, tước thu nhạc bá. Với hàm chức ấy, ông đã đứng trong hàng ngũ sĩ tịch của Triều đình nhà Lê, mặc dù chưa phải là vị quan tại chức.
6 tuổi Nguyễn Du được Viện quân công Hoàng Ngũ Phúc trao thanh bảo kiếm, một nghi lễ khích lệ dũng khí cho các bậc đại tượng phu tương lai. Năm 1771 Nguyễn Du theo cha về quê, chứng kiến đời sống nông thôn dân dã, không gian kinh kỳ Thăng Long, Văn hóa Cung đình, văn hóa quan họ truyền thống phật giáo Bắc Ninh, đời sống làng quê Nghi Xuân đã làm nên hồn cốt Cậu Chiêu Bảy - cậu ấm con tiến sĩ, con quan lớn…
Với sự khéo léo, các nhà làm phim đã cho khán giả thấy rõ bức tranh của hai miền quê nội, ngoại của ông cũng như tài xuất chúng từ bé để sau này cho trở thành Đại thi hào. Phim xúc động có sức hấp dẫn với người xem.
Sau phần 1, Đoàn làm phim sẽ tiếp tục phần 2 mang tên Phong trần và thơ ca và phần 3, Truyện Kiều và lan tỏa. Theo ông Phạm Xuân Mừng, mong muốn của đoàn phim là làm sao để thế giới hiểu được hơn về vĩ nhân Việt Nam, văn hóa Việt Nam, hiểu về một nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, người đã đưa truyện Kiều trở thành tác phẩm văn học bất hủ của mọi xứ sở và mọi thời đại.
Thành công bước đầu của phần 1 bộ phim đã khích lệ Đoàn làm phim đầu tư cho những tập tiếp sau. Chúc Đoàn làm phim tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.