1. Mạng kết nối Y tế Việt Nam
Nhằm tận dụng các thành tựu về CNTT trong việc kết nối, chia sẻ thông tin của ngành Y tế, Bộ Y tế đã phối hợp cùng Viettel xây dựng và phát triển mạng Y tế Việt Nam như một mạng xã hội dành riêng cho ngành Y tế.
Mạng xã hội này sẽ giúp tăng cường kết nối, chia sẻ, hỗ trợ hoạt động đào tại chuyên môn cho các cán bộ Y tế trên toàn quốc. Hiện nay, bên cạnh sự phổ biến của Facebook, Zalo hay gần đây là Lotus, thì sự ra mắt của mạng xã hội Y tế Việt Nam là điểm nhấn đáng lưu ý của ngành Y tế.
Mạng kết nối Y tế Việt Nam hoạt động trên cả môi trường web lẫn trên các thiết bị thông minh iOS và Android. Mỗi cán bộ ngành Y tế sẽ có một tài khoản đăng nhập. Giao diện của mạng kết nối Y tế Việt Nam gồm các tính năng như Đăng tải bài viết, Thích (Like), Bình luận, Chia sẻ, Lưu trữ tin, Phát trực tiếp, Nhắn tin, Đàm thoại video, Tạo nhóm trò chuyện để trao đổi kinh nghiệm.
Với tính năng hồ sơ bệnh án, người dùng có thể thêm mới hồ sơ bệnh nhân bằng cách khai báo các thông tin hành chính, thông tin khám bệnh và lưu lại. Các bác sĩ có thể chia sẻ bệnh án này cho bác sĩ khác hoặc chỉ định ai đó hỗ trợ công tác hội chẩn và trao đổi. Được xây dựng trên nền tảng điện toán đám mây, các bác sĩ có thể truy cập vào mạng Y tế Việt Nam mọi lúc, mọi nơi.
Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cho biết: “Qua nền tảng mạng Y tế Việt Nam, các y bác sĩ tại bệnh viện đã thành lập các nhóm để trao đổi về các ca bệnh khó với các đồng nghiệp của mình và các đồng nghiệp tại tuyến dưới. Ngoài ra, việc quản lý nhân lực y tế cũng rất tốt”.
MXH này là hệ thống thuộc hệ sinh thái các giải pháp Tele-Health giúp cơ quan quản lý theo dõi bức tranh toàn cảnh về hiện trạng phân bổ và chất lượng nhân sự của toàn ngành, từ đó đưa ra các quyết định kịp thời, hỗ trợ bổ sung nhân lực, tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn. Đây sẽ là kênh tuyên truyền về các chính sách mới của ngành Y tế với toàn bộ cán bộ, nhân viên ngành trên toàn quốc.
“Y tế Việt Nam cũng như các y tế cơ sở mà kết nối được với nhau thì sẽ giúp tương tác rất tốt giữa các chuyên ngành với nhau và đề ra phương hướng điều trị, các bệnh nhân cấp cứu cũng có thể xử lý dễ dàng”, Thạc sĩ, bác sĩ Phan Thảo Nguyên – Trưởng khoa Nội tim mạch – Trung tâm Tim mạch bệnh viện E, nhận xét.
Đại diện Chính phủ, Bộ Y tế và Bộ Thông tin Truyền thông bấm nút khai trương 3 nền tảng y tế số |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói rằng ông mong muốn cán bộ y tế làm phong phú thêm mạng xã hội này thông qua việc chia sẻ những kiến thức của mình, những vấn đề mình quan tâm với đồng nghiệp. Ông cũng nói rằng có thể thông qua nền tảng này mà cán bộ y tế tuyến trên có thể tập huấn chuyên môn cho tuyến dưới, nhằm tạo ra một mạng lưới ngành y tế nâng cao chất lượng chuyên môn. “Tới đây, Bộ Y tế sẽ tích hợp thêm nhiều phần vào mạng xã hội Y tế này như chia sẻ bệnh án, chia sẻ hình ảnh, kết quả xét nghiệm, liên kết với hồ sơ sức khoẻ nhằm đảm bảo người dân sẽ được theo dõi sức khoẻ và được quan tâm, đặt người bệnh làm trọng tâm từ tuyến trung ương đến tuyến cơ sở”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
2. Giải pháp Hồ sơ sức khoẻ cá nhân
Anh Lê Văn Hoàng ở Chương Mỹ, Hà Nội cho biết: “Từ trước đến nay khi đi khám bệnh mình phải mang rất nhiều giấy tờ. Mỗi lần muốn tái khám hay bị thất lạc giấy tờ. Nhiều khi sổ khám bệnh khám xong cũng không sử dụng lại. Mình thấy nó bất tiện”.
Để giải quyết vấn đề đó, Bộ Y tế đã phối hợp với Viettel và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xây dựng giải pháp Hồ sơ sức khoẻ cá nhân với mục tiêu thiết lập hồ sơ quản lý sức khoẻ cho từng người dân trên một nền tảng, chăm sóc sức khoẻ người dân từ khi còn trong bụng mẹ cho đến khi sinh ra và mất đi.
Được sự chỉ đạo chuyên môn từ Cục Quản lý Khám chữa bệnh, hệ thống đã góp phần phát huy tối đa hiệu quả năng lực hệ thống y tế cơ sở hiện có, giúp mỗi người dân chủ động chăm sóc sức khoẻ, từng bước thực hiện chăm sóc sức khoẻ ban đầu, tư vấn chuyển tuyến…
Thông qua hồ sơ sức khoẻ cá nhân, mỗi người dân sẽ được quản lý tập trung bằng một mã định danh y tế duy nhất. Toàn bộ dữ liệu sức khoẻ của người dân được liên kết từ các cơ sở khám chữa bệnh. Tất cả dữ liệu sẽ được phân cấp, phân quyền theo từng đối tượng truy cập, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin tuyệt đối.
Hồ sơ sức khoẻ cá nhân được xem như trái tim của các giải pháp CNTT ngành y tế, vừa là nơi tiếp nhận, vừa là nơi cung cấp thông tin cho các hệ thống thuộc hệ sinh thái y tế, hỗ trợ đắc lực cho chuyển đổi số ngành Y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Chúng tôi đã thiết kế được hồ sơ hồm 42 mẫu bệnh án. Tới đây chúng tôi sẽ triển khai ở mức độ rộng hơn. Đối với các trường hợp khám chữa bệnh ngoại trú sẽ sử dụng mẫu bệnh án đấy, không cần phải dùng giấy. Mục tiêu là năm 2021 tất cả các cơ sở y tế đều phải áp dụng hồ sơ điện tử, không được phép dùng giấy trong điều trị khám chữa bệnh ngoại trú”.
Với hồ sơ sức khoẻ cá nhân, các cơ quan quản lý nhà nước có bức tranh toàn cảnh về ngành y tế, từ đó đưa ra những chính sách phù hợp và kịp thời. Hệ thống hỗ trợ Sở y tế các tỉnh thành phố quản lý toàn diện các chương trình sức khoẻ y tế trên địa bàn. Cơ sở y tế dễ dàng tra cứu lịch sử khám bệnh của người dân, hỗ trợ công tác tư vấn, khám chữa bệnh, điều trị cho bệnh nhân, giúp tiết kiệm thời gian, thống nhất và chính xác.
Mỗi người dân có thể chủ động theo dõi lịch sử khám chữa bệnh của bản thân, cập nhật chỉ số sức khoẻ từ các thiết bị theo dõi sức khoẻ cá nhân và nhận các cảnh báo về sức khoẻ nhanh chóng.
Giải pháp hồ sơ sức khoẻ được áp dụng công nghệ Blockchain trong xác thực và bảo mật dữ liệu sức khoẻ, hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhận diện khuôn mặt, nhận diện giọng nói, AI tầm soát, chatbot, Big Data trong quản lý phân tích dữ liệu.
3. V20 – Nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở
Y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu chăm sóc sức khoẻ toàn dân. Trong các thời kỳ, y tế cơ sở Việt Nam luôn được xác định là nền tảng để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tuy nhiên trong suốt một thời gian dài, thực tế hoạt động tại các trạm y tế xã vẫn còn tồn tại việc mỗi ngày cán bộ y tế vẫn phải chép tay vào sổ khoảng 50 sổ báo cáo, tức là phải dành tới 75% thời gian dành cho công việc hành trình giấy tờ, chỉ có 25% dành cho công tác chuyên môn.
Y sĩ Dương Thị Hạnh, Trạm Y tế xã Thường Giáo – Bắc Kạn cho biết: “Thời gian viết tay rất lâu, sau đó lại phải có một người vào sổ khám bệnh”.
Cùng với sự phát triển chung của xã hội các trạm y tế được tin học hóa với sự xuất hiện của chiếc máy tính. Thay vì làm thủ công bằng tay các dữ liệu đã được đưa vào kho dữ liệu trong máy tính. Lượng sổ sách, giấy tờ lưu trữ giảm đi đáng kể.
Khai trương 3 nền tảng y tế số |
Nhằm thống nhất và hoàn thiện hành lang pháp lý, ngày 29 tháng 12 năm 2017, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 6110 QĐ-BYT ban hành hướng dẫn xây dựng và triển khai Hệ thống thông tin quản lý Trạm y tế xã phường thị trấn. 11 phần mềm chuyên ngành đã được triển khai trạm y tế xã tạo nên bước chuyển mạnh mẽ trong công tác quản lý của ngành y tế.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế là cần thiết tuy nhiên với việc sử dụng quá nhiều phần mềm khác nhau tại trạm y tế trở thành rào cản với cán bộ trạm. Việc sử dụng chồng chéo quá nhiều phần mềm sẽ gây khó cho việc tự quản lý bệnh nhân.
Tiến sĩ Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế nhận xét: “Làm thế nào để tất cả các trạm y tế xã chỉ sử dụng một phần mềm duy nhất tích hợp các công việc đơn lẻ tại trạm. Thông tin từ các trạm y tế xã sẽ được tích hợp và quản lý thống nhất tại cơ quan Bộ Y tế”.
Ngày 2/8/2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3532 quy định việc xây dựng và quản lý hệ thống thông tin trạm y tế xã, phường, thị trấn, hướng tới mục tiêu là mỗi trạm y tế chỉ sử dụng một phần mềm duy nhất và dễ dàng quản lý.
Với tổng số trên 11.000 trạm y tế xã, phường, thị trấn trên phạm vi cả nước, Bộ Y tế đã phối hợp với VNPT và Viettel xây dựng Hệ thống phần mềm Quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Ông Ngô Diên Hy, TGĐ công ty công nghệ thông tin VNPT cho biết: “Hệ thống được chạy trên nền tảng IDC, có nền tảng bảo mật và an toàn thông tin rất cao”. Còn ông Lê Đăng Dũng, Chủ tịch tập đoàn Viettel nói rằng khi có dự án V20, Viettel đã hợp tác với Bộ Y tế để đưa tất cả dữ liệu đó lên thành một nền tảng kết nối với cơ sở dữ liệu tập trung của Bộ Y tế.
11.000 trạm y tế trên cả nước sẽ sử dụng chung một phần mềm quản lý, thông tin được kết nối liên thông với Bộ Y tế. Với số liệu cập nhật từ 23 module của hệ thống, các cán bộ quản lý của Bộ Y tế có thể nắm được những thông tin chi tiết, đầy đủ tại từng vùng, địa phương.
Tham dự lễ ra mắt 3 nền tảng y tế số có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trường Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng nhiều quan chức cấp cao các Bộ, ngành, tỉnh thành.